Thoi thóp Bưu điện Văn hóa xã

09:04, 21/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã có thời gian dài, Bưu điện Văn hóa xã (BĐVHX) là địa chỉ gắn bó của người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, BĐVHX đã mất dần chỗ đứng. Đây là khó khăn  không nhỏ khi BĐVHX cũng là tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Qua rồi “thời vàng son”

Cách đây 10 năm, sự ra đời của BĐVHX đã góp phần giúp người dân vùng nông thôn thuận lợi hơn trong việc trao đổi thư tín và liên lạc với gia đình, họ hàng, bạn bè qua máy điện thoại bàn gọi đường dài; đồng thời đem lại nguồn doanh thu lớn cho BĐVHX. Tuy nhiên, đã gần chục năm qua, khi công nghệ thông tin phát triển, điện thoại di động ngày càng phổ biến thì việc người dân tìm đến bưu điện để gọi điện đã không còn.

Điểm BĐVHX Bình Long (Bình Sơn) đã tạm ngừng hoạt động từ năm 2011, một số hộ dân lợi dụng làm chỗ để củi.
Điểm BĐVHX Bình Long (Bình Sơn) đã tạm ngừng hoạt động từ năm 2011, một số hộ dân lợi dụng làm chỗ để củi.



Đây là năm thứ 12, chị Ngô Thị Hồng Thắm làm việc tại BĐVHX Bình Mỹ (Bình Sơn). So với mươi năm về trước, bây giờ đã qua rồi những năm tháng huy hoàng của BĐVHX. Kể từ khi chia tách bưu điện và viễn thông, cùng với sự bùng nổ của các loại hình dịch vụ thông tin, đời sống việc làm của đội ngũ nhân viên BĐVHX rơi vào bế tắc và vất vả. Nhiều người đã bỏ việc vì đồng lương quá ít ỏi.

Chỉ vào buồng điện thoại đã nhiều năm bỏ trống, chị Thắm tâm sự: “Ngày ấy, khi mới vào làm, điện thoại bàn hầu như không lúc nào ngơi nghỉ, người nghe, người gọi rồi cả người chờ chen chúc không có chỗ đứng. Vậy mà giờ đây, buồng điện thoại trống trơn, cả năm chẳng có nổi cuộc gọi. Không để làm gì nên 3 buồng điện thoại của bưu điện cũng lần lượt xếp xó”. Không chỉ riêng gì dịch vụ kinh doanh điện thoại mà hầu hết các dịch vụ khác đều sụt giảm, kể cả dịch vụ chuyển tiền, bưu kiện, bưu phẩm được xem là dịch vụ lõi của ngành bưu điện.

Theo chị Thắm thì cách đây 10 năm, doanh thu của BĐVHX Bình Mỹ luôn nằm ở ngưỡng trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Còn bây giờ chỉ  khoảng 300 - 400 nghìn đồng. Đồng lương hàng tháng của chị từ 2 triệu đồng trước đây, giờ cũng chỉ còn khoảng 800 nghìn đồng. Thế nhưng dù sao chị Thắm cũng còn đỡ hơn nhiều nhân viên BĐVHX khác vì gia đình chị được ngành tạo điều kiện ở luôn tại bưu điện. Ngoài ra chị còn kinh doanh thêm văn phòng phẩm nên cũng có đồng ra đồng vào.

Để tìm giải pháp tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX, ngành bưu điện cũng đã tìm mọi cách, chuyển đổi các hình thức kinh doanh, đa dạng hóa các dịch vụ như: Internet; thu cước điện thoại; chi trả lương hưu, bảo hiểm ô tô, xe máy, con người…  Bên cạnh đó ngành bưu điện cũng đã tạo điều kiện cho các điểm BĐVHX mở thêm các dịch vụ như bán văn phòng phẩm, cà phê… để tăng thêm thu nhập cho nhân viên. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng chỉ mang tính duy trì trước mắt, chưa thể là mô hình điểm lâu dài cho hoạt động của hệ thống các BĐVHX.

BĐVHX trong chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo tiêu chí quốc gia về bưu điện, một xã đạt nông thôn mới phải có ít nhất một trong các cơ sở phục vụ bưu chính, viễn thông như đại lý bưu điện, bưu cục, điểm BĐVHX, thùng thư công cộng và các điểm truy cập dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng khác; phải có Intrernet về đến thôn, phải có điểm cung cấp dịch vụ Internet… Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn chưa có một điểm nào đạt yêu cầu của nông thôn mới về cả con người và cơ sở vật chất.

Theo báo cáo của ngành bưu điện tỉnh, toàn tỉnh hiện có 154 điểm BĐVHX, trong đó đang hoạt động là 149 điểm, tạm dừng 5 điểm; không có điểm thuê ngoài. Gần 100% điểm BĐVHX là nhà cấp 4, mái lợp tôn, được xây dựng cách đây 15 năm nên đã xuống cấp. Nhiều điểm BĐVHX có doanh thu thấp do ít khách hàng vào sử dụng dịch vụ. Đặc biệt số điểm BĐVHX có doanh thu bình quân từ 300 nghìn đồng trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đấy là chưa kể từ nhiều năm nay, ngành luôn phải dành một khoản không nhỏ để bù lỗ cho các điểm BĐVHX.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương – Giám đốc Bưu điện huyện Bình Sơn cho biết: Biết là khó khăn nhưng ngành luôn cố gắng duy trì và ổn định điểm BĐVHX. Đối với những xã điểm về xây dựng nông thôn mới, ngành sẽ ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cấp các điểm BĐVHX để đảm bảo tiêu chí này. Còn các điểm khác ngành sẽ dần dần khắc phục. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện giờ chính là việc tìm kiếm nhân viên. Vì đồng lương của nhân viên BĐVHX quá ít nên nhiều người không mặn mà với công việc này. Hy vọng rằng với sự đổi mới hoạt động tại điểm BĐVHX theo Công văn số 753/BĐVN-DVBC ngày 19.3.2014 của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ có những bước khởi sắc mới trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.