Những người "chở" luật về với dân

12:04, 17/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, đội ngũ trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh đang phát triển đều khắp cả về chất lượng và số lượng. Đây được xem là lực lượng nòng cốt trong công tác đưa pháp luật đến với người dân. Sự tâm huyết, nhiệt tình của đội ngũ TGPL đang góp phần nâng cao tỷ lệ hiểu biết pháp luật của người dân trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Miễn phí nhưng chất lượng

Theo pháp luật hiện hành, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) có thẩm quyền phân công cho các trợ giúp viên hoặc các luật sư cộng tác viên thực hiện TGPL miễn phí cho các đối tượng: Người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, phụ nữ là nạn nhân của tội mua bán phụ nữ và bạo lực gia đình, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khi được TGPL miễn phí, người dân sẽ được hưởng các dịch vụ pháp lý mà không phải trả tiền. Dù giúp không công, nhưng đội ngũ TGPL, luật sư luôn làm việc tận tâm, hết mình.

 

Cán bộ trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người dân.
Cán bộ trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người dân.



Là người được “hưởng lợi” từ đội ngũ TGPL, ông Nguyễn Thanh Trang - một người dân ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức), vẫn không quên chuyện ông được “phổ biến” pháp luật. Ông Trang kể: Gia đình là hộ nghèo, bản thân ông là nông dân, không am hiểu nhiều về pháp luật. Gần đây, do trong nội bộ gia đình phát sinh mâu thuẫn về quyền thừa kế đối với căn nhà bố mẹ ông để lại, ông đã nhờ luật sư tư vấn giúp và đã được luật sư hướng dẫn tận tình, giải thích từng quy định trong Luật Thừa kế, ông mới vỡ lẽ nhiều điều. Có việc ông đúng, nhưng có những đòi hỏi của ông đối với tài sản được thừa kế là sai. “Khi tìm đến các Trung tâm TGPL, tôi vẫn lo việc phải thanh toán tiền công, và sợ họ chỉ tư vấn qua loa cho xong việc. Nhưng khi được các anh hướng dẫn nhiệt tình, vui vẻ, tôi rất hài lòng” - ông Trang chia sẻ.

Ông Bùi Phú Vũ – Phó Giám đốc Trung tâm TGPL (Sở Tư pháp), cho biết: Hằng năm, Trung tâm đã tổ chức hơn 97 đợt TGPL lưu động tại 91 xã, thị trấn, trợ giúp gần 4.000 vụ việc cho đối tượng là người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, mỗi năm, Trung tâm còn in ấn và cấp phát hơn 7.000 tờ gấp pháp luật về các lĩnh vực pháp luật quy định về TGPL, tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, phòng chống bạo lực gia đình… để nhân dân tìm hiểu và thực hiện. “Với người nghèo, họ không chỉ khó khăn về kinh tế mà còn hạn chế về kiến thức pháp luật. Khi có tranh chấp xảy ra, họ thường không biết xử lý thế nào. Do vậy, nếu đội ngũ TGPL nhận lời giúp đỡ, họ rất phấn khởi và trân trọng” - ông Vũ chia sẻ.

Đội ngũ TGPL “phủ sóng”

Sau 16 năm đi vào hoạt động, Trung tâm TGPL đã từng bước được kiện toàn cả về tổ chức, biên chế, lẫn nguồn nhân lực, để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Hiện nay, Trung tâm TGPL đã thành lập được 2 Chi nhánh TGPL ở các huyện Mộ Đức và Trà Bồng. Các xã, thị trấn của 13 huyện đã thành lập được 154 Câu lạc bộ TGPL; tổ chức thành công hơn 45 cuộc hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho chuyên viên, cộng tác viên và thành viên các Câu lạc bộ TGPL. Những năm qua, việc “phủ sóng” mạng lưới cộng tác viên TGPL luôn được Trung tâm TGPL chú trọng, nhất là địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 123 cộng tác viên, trong đó có 11 cộng tác viên là luật sư; 27 cộng tác viên cấp tỉnh; 12 cộng tác viên cấp huyện và 84 cộng tác viên là các cán bộ đang công tác tại các xã.

Theo ông Bùi Phú Vũ, thực hiện công tác TGPL lưu động, có lúc, đội ngũ TGLP đã phải đi bộ đến tận những xã, thôn xa xôi, thiếu thốn ở các huyện miền núi, để trợ giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số kiến thức pháp luật. Hầu hết những người được TGPL ít được học hành, có đối tượng không biết chữ, nên phải nhờ phiên dịch, dẫn đến hiệu quả TGPL chưa cao.

Từ thực tế đó, Trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động phát triển mạng lưới cộng tác viên pháp lý, xây dựng các câu lạc bộ pháp lý, tăng cường tập huấn kiến thức cho đội ngũ trợ giúp viên và cộng tác viên pháp lý để tập trung hướng về cơ sở thực hiện TGPL. Nhờ đó, nhiều người dân đã được tư vấn kịp thời những vướng mắc pháp luật, giúp hạn chế việc khiếu kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nâng cao hiểu biết về pháp lý cho người dân.

Ngoài ra, Trung tâm TGPL còn chú trọng và nâng cao vai trò của trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên trong công tác TGPL như: Tham gia vào hoạt động tố tụng, tư vấn pháp luật; kiểm tra, thẩm định đánh giá chất luợng các vụ việc bào chữa, tư vấn, để có cơ sở thanh toán thù lao thực hiện vụ việc theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, Trung tâm cũng thường xuyên thông tin và nâng cao nhận thức của người được TGPL về quyền được TGPL trong hoạt động tố tụng, làm sâu sắc về ý thức trách nhiệm và sự hỗ trợ, phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng của cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan, ban, ngành có liên quan.

Bài, ảnh: PV
 


.