Những mảnh đời bất hạnh

01:04, 28/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh đến tháng 1.2014 toàn tỉnh có gần 58 nghìn hộ nghèo. Trong đó hơn 23 nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Trong những năm qua, các cấp ngành, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ hơn 16 nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và có gần 5 nghìn hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần sự sẻ chia của cộng đồng.

Tuy mới 50 tuổi nhưng chị Hồ Thị Yến, thôn Thế Long, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) có vẻ già hơn so với tuổi. Có lẽ những khó khăn vất vả của cuộc sống đã lấy một phần nào sự trẻ trung của bản thân chị. Chồng mất do tai biến, đứa con trai duy nhất cũng bị tai nạn giao thông rồi đến cái chết của đứa con gái lớn.

 

 Chị Tùng và cụ Quế.
Chị Tùng và cụ Quế.


Nỗi đau dồn dập khiến khuôn mặt người phụ nữ trung niên này dày đặc những nếp nhăn, người gầy gò tưởng chừng như không thể trụ nổi. Nhưng rồi chị vẫn cố vực dậy để chăm đứa con trai bệnh tật do biến chứng của vụ tai nạn giao thông cùng 2 đứa cháu ngoại.

Chị kể, năm 2009 đứa con trai Nguyễn Sinh Công đang học lớp 11 tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thì bị chiếc xe tải tông vào khi đang trên đường đi học về. Sau khi chữa chạy tại các Bệnh viện Đà Nẵng, Huế rồi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, cuối cùng em cũng qua cơn nguy kịch nhưng biến chứng do tai nạn khiến em không có sức khỏe để lao động lo cho bản thân. Từ đó, cứ 6 tháng 1 lần chị Yến phải đưa con vào TP. Hồ Chí Minh để tái khám.

Sau một thời gian, gia đình không có điều kiện nên Công không được đi tái khám. “Thương con ốm đau nhưng giờ số tiền nợ đã gần 300 triệu đồng thì lấy đâu ra tiền để tiếp tục tái khám và tiếp tục điều trị cho cháu. Giờ có muốn vay cũng không ai dám cho vay”, chị Yến rớm nước mắt. Rồi đứa con gái mất sau khi sinh đứa con thứ hai chưa được bao lâu. Hằng ngày ngoài việc chăm sóc đứa con trai, 2 đứa cháu ngoại (đứa lớn được 7 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi), chị còn làm gần 1 sào rau màu và đi làm thuê cho những hộ gia đình khác khi có nhu cầu để kiếm thu nhập lo cho bữa ăn hằng ngày.

Cũng như chị Yến, đã hơn 1 năm nay, chị Châu Thị Tùng (34 tuổi), thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) phải một mình nuôi 4 đứa con nhỏ (đứa nhỏ nhất 3 tuổi và lớn nhất 9 tuổi). Chị kể: “Sau khi cưới nhau, nhà chồng đã cho hai vợ chồng tôi mượn mảnh đất xây ngôi nhà tạm để sinh sống. Khi tôi có bầu đứa con thứ 4 thì cũng là lúc anh mắc bệnh tim. Sau 3 năm thuốc thang chữa chạy, anh ra đi để lại cho tôi một khoản nợ lớn gồm 12 chỉ vàng và 110 triệu đồng cùng 4 đứa con nheo nhóc”.

Sau khi chồng mất, hằng ngày chị Tùng phải đạp xe hàng chục cây số để mua phế liệu kiếm tiền nuôi các con. Với khoản thu nhập không đáng là bao nên 5 mẹ con bữa đói bữa no. “Hôm nào may mắn mua được nhiều thì kiếm được năm bảy chục nghìn. Nhiều hôm chỉ được 20- 30 nghìn đồng. Bữa ăn hằng ngày đã là quá sức với 5 mẹ con thì kiếm đâu ra tiền trả nợ”, chị Tùng ứa nước mắt.

Còn với cụ Nguyễn Thị Quế (83 tuổi), thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), chồng và các con mất do bệnh tật nên đã nhiều năm nay cụ chỉ sống một mình, không người thân thích. Mỗi tháng cụ Quế được Nhà nước trợ cấp 180 nghìn đồng và 10kg gạo từ việc cho thuê nửa sào ruộng. Với số tiền ít ỏi đó cũng chỉ giúp cụ có bữa cơm rau, mắm hằng ngày. Những lúc ốm đau, bà con hàng xóm đến chăm sóc, lo cho cụ từng miếng ăn, ngụm nước. Tình làng nghĩa xóm ấy đã giúp cụ trụ đến ngày hôm nay.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn cần lắm sự quan tâm sẻ chia của cộng đồng không chỉ về vật chất mà cả tinh thần để họ có thể vươn lên trong cuộc sống.

 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.