Con đường "đa chức năng" trên đảo

09:04, 28/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, Lý Sơn không ngừng được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng. Song có lẽ công trình mang nhiều ý nghĩa nhất vẫn là tuyến đường cơ động đông nam đảo Lý Sơn. Đó không chỉ đơn thuần là một con đường, hơn thế nó được ví như chiếc “áo giáp” bảo vệ hòn đảo này...
 

TIN LIÊN QUAN


Đường và kè chắn sóng

Ra Lý Sơn, khi còn cách cảng vài hải lý, hướng mắt vào bờ sẽ thấy một màu trắng đục viền quanh chân đảo. Màu trắng ấy chính là đường cơ động phía đông nam đảo Lý Sơn (giai đoạn I)

Bước chân xuống cảng, con đường đưa du khách về trung tâm huyện không phải là con đường nhỏ nằm trong “nội ô” như hôm nào nữa. Mà nay là tuyến đường “ngoại ô” rộng, phẳng, uốn quanh chân sóng.

Đường cơ động phía đông nam đảo Lý Sơn (giai đoạn I) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đường cơ động phía đông nam đảo Lý Sơn (giai đoạn I) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.



Đường cơ động được xây dựng theo thiết kế: Đường giao thông kết hợp với kè bảo vệ mà thuật ngữ chuyên ngành gọi là: “Ta luy bảo vệ”! Đường trải tới đâu, “ta luy bảo vệ” chạy theo đến đó. Với chiều cao 5m, kết cấu đảm bảo ổn định, bền vững chống được bão cấp 12 và thủy triều ứng với tần suất 5%, “ta luy bảo vệ” này như một tấm chắn sóng, chống xâm thực của biển vào diện tích đất trên đảo.

Con đường cơ động phía đông nam đảo Lý Sơn hiện tại mới chỉ hoàn thành giai đoạn I, với tổng chiều dài 7,5km kéo dài từ cảng cá Lý Sơn (xã An Vĩnh) xuống đến vũng neo đậu tàu thuyền (xã An Hải). Tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng do Công ty Xây lắp Thành An 96- Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng thi công. Đây là đường giao thông cấp 4, nền đường rộng 6,5m, mặt đường rộng 3,5m đổ bê tông dày 22cm; hai bên lề đường rộng 1,5m. Vì thế, khi khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng hồi tháng 6.2013, tuyến đường này đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải cho tuyến đường trong “nội ô” huyện đảo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

Hoàn thiện dự án

Hiện nay, Công ty Xây lắp Thành An 96 - Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng đang ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công đường cơ động phía đông nam đảo Lý Sơn giai đoạn II. Mỗi ngày tầm 4 giờ sáng, trên công trường tiếng máy  nổ dồn vang, kéo dài đến tận 11 giờ khuya mới tắt. Trên những chiếc máy đào, máy xúc, máy trộn bê tông là những người “lính thợ” - lính công binh kiên cường.

Công ty Xây lắp Thành An – 96 Binh đoàn 11 đang đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn II tuyến đường cơ động.
Công ty Xây lắp Thành An – 96 Binh đoàn 11 đang đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn II tuyến đường cơ động.


Những ngày này, nhiều chiếc xà lan lớn chở vật liệu xi măng, sắt thép cập cảng, khẩn trương chuyển vật liệu lên bờ. Tại chân công trình là những khối bê tông đúc sẵn... Hàng chục người lính thợ đang miệt mài điều khiển những cỗ máy lớn vần những khối bê tông đúc sẵn vào vị trí.

Anh Nguyễn Thắng, kỹ sư xây dựng công trình cho biết: Thời tiết mùa này thuận lợi, Công ty đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Phấn đấu đến hết quý I/2015 sẽ hoàn thành giai đoạn II đường cơ động phía đông nam đảo Lý Sơn.

Đường cơ động phía đông nam đảo Lý Sơn do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ đầu tư có tổng vốn khoảng 650 tỷ đồng (vốn Chương trình Biển Đông hải đảo). Trong đó, giai đoạn I có tổng vốn khoảng 400 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Giai đoạn II, tổng mức đầu tư hơn 250 tỷ đồng, quy mô chiều dài đường hơn 1,8km; bề rộng nền đường 6,5m. Đường kết hợp ta luy bảo vệ cao 5m. Mục tiêu của dự án là tạo điều kiện đầu tư hạ tầng đảo Lý Sơn, đảm bảo an ninh quốc phòng, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo. Tuyến đường mới chỉ hoàn tất giai đoạn I nhưng thực tế đã phát huy tác dụng, mang lại niềm vui lớn cho nhân dân huyện đảo. Hiện tại, tuyến đường “nội ô” của huyện đảo Lý Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng, đang phải gia cố, sửa chữa, nhưng giao thông trên đảo vẫn đảm bảo thông suốt nhờ có tuyến đường này.

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Tuyến đường cơ động phía Đông Nam đảo vô cùng hữu ích. Dân cư ở đảo, rồi khách du lịch ra tham quan ngày càng đông, nếu không có tuyến đường cơ động này thì việc đi lại sẽ vô cùng khó khăn. Ngoài ra, đường kết hợp kè đã bảo vệ một cách hữu hiệu diện tích đất, nhà cửa của người dân trước nạn xâm thực của sóng biển”.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.