Bài học về dự trữ gạo mùa lũ

08:04, 07/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước mỗi mùa mưa lũ, gạo được chính quyền đến tận hộ dân chủ động dự trữ với quyết tâm không để “đứt bữa” xảy ra trong mọi tình huống. Thế nhưng, qua lũ, gạo dự trữ không dùng tới thì việc xử lý đôi khi chưa kịp thời. Thậm chí, một số nơi chính quyền đã để gạo hư hỏng, mục nát, gây bất bình trong nhân dân.

Chuyện “gạo mục” ở Sơn Linh

Tháng 3.2014, UBND xã Sơn Linh báo cáo với UBND huyện Sơn Hà về tình trạng gạo dự trữ lũ lụt bị hư hỏng. Theo đó 1.000kg gạo mà xã này được Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Sơn Hà phân bổ từ mùa mưa bão năm 2010, nhưng sau 4 năm “lưu kho” đã bị mục nát. Đây là báo cáo thực trạng, nhưng cũng đồng thời là “công văn xin chủ trương” cho thanh lý số gạo mục nói trên của UBND xã Sơn Linh.

 

Gạo dự trữ của huyện đảo Lý Sơn không sử dụng được bán lại cho người dân đảo Bé, để mua gạo mới dự trữ cho năm sau.
Gạo dự trữ của huyện đảo Lý Sơn không sử dụng được bán lại cho người dân đảo Bé, để mua gạo mới dự trữ cho năm sau.


Nhận báo cáo này, UBND huyện Sơn Hà rất ngỡ ngàng. Bởi lẽ, hằng năm Sơn Hà đều chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện phải thực hiện nghiêm túc việc dự trữ gạo đủ số lượng, phẩm chất, phục vụ việc cứu trợ cho dân mùa mưa bão. Sau mưa lũ, số gạo dự trữ không sử dụng phải thực hiện “đổi gạo cũ lấy gạo mới” đảm bảo chất lượng, dự trữ cho năm sau. Thế nhưng, gạo dự trữ đến 4 năm mà UBND xã Sơn Linh mới “phát hiện hư hỏng, báo cáo”, xin cơ chế bán thanh lý là quá chậm trễ, chưa tuân thủ nghiêm chỉ đạo của UBND huyện. UBND huyện Sơn Hà đã phê bình UBND xã Sơn Linh, yêu cầu xã này tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến việc để gạo cứu trợ 4 năm nằm trong kho. Hậu quả là gạo bị ẩm mốc, chuột cắn, mục nát.

Trao đổi với ông Đinh Văn Răng – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Linh về việc thực hiện chỉ đạo này của UBND huyện, ông Răng lại “né” sang chuyện khác. “UBND huyện đã thống nhất cho xã thanh lý số gạo nói trên. Hiện xã đang chờ Phòng Tài chính huyện thống nhất giá bán, để nộp tiền vào ngân sách. Gạo này bán chắc rẻ vì mốc hết rồi!”– ông Đinh Văn Răng nói.

1.000 kg gạo dự trữ có giá trị kinh tế không lớn, nhưng xét về ý nghĩa xã hội lại rất đặc biệt. Nó không những là “bữa cơm ngày lũ” của người dân khi cần thiết, mà trên hết là tinh thần, trách nhiệm trước nhân dân của chính quyền khi xảy ra thiên tai bão lũ. Việc để gạo “lưu kho” tới 4 năm, bị ẩm mốc, mục nát không những gây lãng phí mà còn thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ cần phải nghiêm túc chấn chỉnh.

Cách làm hay của Lý Sơn

Mỗi khi mùa mưa đến, hơn 22.000 dân huyện đảo Lý Sơn luôn phải đối mặt với tình trạng “biển động – cô lập”. Ít thì vài ba ngày, nhiều có khi đến cả tháng, tàu thuyền không ra vào được. Mọi cái từ hạt gạo đến cọng rau, người dân đảo phải tự cung tự cấp. Thế mà hầu như chưa khi nào Lý Sơn lại rơi vào tình trạng phải “cứu đói khẩn cấp”.

Sống nơi đầu sóng ngọn gió trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, mùa mưa bão đến, mỗi hộ gia đình ở đảo đều chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm chứ chẳng chờ chính quyền nhắc nhở, đôn đốc. Tuy nhiên, không vì dân chủ động mà chính quyền thờ ơ trong việc dự trữ lương thực mùa mưa bão.

Lý Sơn luôn chủ động sáng tạo, trong thực hiện công tác dự trữ gạo, có thể là bài học hay để các địa phương khác học tập. Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Đầu mùa mưa bão, UBND huyện chủ động tìm mua nguồn gạo đảm bảo chất lượng đưa vào kho dự trữ. Khi mùa mưa bão đi qua, lượng gạo còn lại trong kho chưa sử dụng tới được đem bán thanh lý với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 5% đến 10% cho người dân. Tiền bán gạo được “kết sổ”, tính toán cấp bù ngân sách huyện để thực hiện phương án mua gạo mới dự trữ.

Từ 3 năm nay, khi Công ty CP Lương thực Quảng Ngãi xây dựng cửa hàng kinh doanh gạo kết hợp kho dự trữ trên đảo Lý Sơn, toàn bộ gạo dự trữ được UBND huyện ký kết mua của công ty lương thực. Khi mùa mưa bão đi qua, số gạo dự trữ còn lại chưa dùng tới, UBND huyện yêu cầu công ty “đổi gạo mới” và thu mua số gạo cũ này để bán lẻ. Dĩ nhiên, UBND huyện Lý Sơn phải “bù lỗ” giá thành cho công ty khi thực hiện phương án “đổi gạo cũ lấy gạo mới”.

“Gạo dự trữ không thể để lâu ngày trong kho vì sẽ mất phẩm chất. Gạo đã mất phẩm chất mà đem cứu trợ cho dân là có tội. Vì thế huyện không để gạo dự trữ từ mùa mưa bão năm nay qua năm sau”, bà Phạm Thị Hương– Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.