Tư Nghĩa: Nan giải xóa bỏ lò gạch thủ công

08:03, 06/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 31.12. 2013, các lò gạch thủ công ở các huyện đồng bằng phải ngưng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Thế nhưng, sau Tết Giáp Ngọ - 2014, lao động ở các lò gạch thủ công huyện Tư Nghĩa không có việc làm, cuộc sống túng thiếu nên họ phải nổi lửa để bước vào vụ sản xuất gạch mới...
 

TIN LIÊN QUAN

Vất vả nghề làm gạch

Thôn Phú Mỹ xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) được xem là "thủ phủ" sản xuất gạch thủ công. Sau Tết Giáp Ngọ, các lò gạch chen chúc trong các khu dân cư, xen lẫn trong các nhà dân đã nổi lửa nung gạch. Đứng ngoài xa, nhìn vào thấy những cột khói bay cao trên các nóc nhà. Trong sân, than, củi chất ngổn ngang. Tiếng máy nổ nhào đất, cắt gạch... vang cả một vùng.

 

Các lò gạch thủ công giải quyết nguồn lao động lớn tại huyện Tư Nghĩa.
Các lò gạch thủ công giải quyết nguồn lao động lớn tại huyện Tư Nghĩa.


Mỗi lò gạch ở đây thu hút từ 10-15 lao động. Chủ lò gạch Nhất thôn Phú Mỹ, bảo: "Họ đặt hàng nhiều quá, người vài thiên, đến vài chục thiên. Giờ, phải lo sản xuất chứ mùa mưa năm qua lò ngưng hoạt động liên tục nên sau Tết ai cũng hết tiền chi tiêu".

Ở phía đông cầu sông Vệ các lò gạch thủ công cũng đang bước vào vụ sản xuất. Quanh khu vực các xã Nghĩa Thương, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), khói bay mịt trời vì lò gạch nổi lửa. Trao đổi với nhiều chủ lò gạch, họ đều có chung những câu trả lời: "Không ai muốn làm trái quy định của Nhà nước, không muốn bà con xóm giềng phàn nàn vì chuyện gây ô nhiễm môi trường, nhưng chưa có việc làm khác, vì cuộc sống nên phải sản xuất".  

Không khí quanh các khu vực sản xuất gạch thủ công thật ngột ngạt. Ở  lò gạch của ông Nhất có 6 lao động đang liên tục làm theo dây chuyền, theo nhịp của chiếc máy nổ. Hai người đàn ông nhào đất, cắt cục đưa vào máy. Lao động nữ, người ngồi cắt viên, người đem phơi, người đưa gạch vào lò. Sau khi nung chín, lại tập kết chất đống bên ngoài, để đưa đi tiêu thụ.

Lao động nghèo làm việc nơi đây hằng ngày phải hít thở khói, khí độc từ các lò gạch. Trời trở lạnh, nhưng ai cũng túa mồ hôi. Chị Trần Thị Xuân Thủy, giới thiệu người đàn ông có thân hình cao, gầy, đang bưng đất đã có thâm niên làm nghề gạch thủ công trên 10 năm tên Hùng. Chị cũng giới thiệu mình đã làm việc tại các lò gạch 5 - 6 năm. Các chị Lê, chị Hai ở xã Nghĩa Hiệp cũng đã làm nhiều năm. Công việc tuy nhọc nhằn, nhưng nhờ đồng tiền này mới lo được cho bọn nhỏ đến trường.

Chị Thủy đã  tiếp sức cho hai người con mình bước vào giảng đường đại học, cao đẳng bằng những đồng tiền công làm gạch ngói thủ công. Không chỉ chị Thủy, mà gần 1.200 lao động ở hơn 117 lò gạch ở huyện Tư Nghĩa hằng ngày vẫn âm thầm làm việc này để mưu sinh.

Nan giải xóa lò gạch thủ công

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT - TTg ngày 16.4.2012 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ngãi đã có kế hoạch chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công vào năm 2013 và đến năm 2015 chấm dứt hoạt động  lò gạch liên tục kiểu đứng. Huyện Tư Nghĩa là địa phương có số lò gạch thủ công lớn nhất nhì tỉnh.

Theo quy định, đã nhiều lần huyện Tư Nghĩa bàn đến chuyện này, nhưng vẫn không khả thi. Bởi, toàn huyện hiện có 117 lò gạch thủ công, giải quyết việc làm cho gần 1.200 lao động, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Việc xóa bỏ lò gạch này thì số lao động làm việc ở các lò gạch không có nghề để mưu sinh. Huyện Tư Nghĩa đã nhiều lần tính đến việc giải quyết nguồn lao động bằng cách đưa vào các doanh nghiệp, công ty may ở cụm công nghiệp La Hà, nhưng đa số lao động này  đã lớn tuổi.

Năm 2014, huyện Tư Nghĩa cũng chưa có phương án cụ thể để giải quyết lò gạch thủ công. Bà Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, cho biết: "Đầu năm 2014 này, huyện vẫn chưa tìm được giải pháp cụ thể để giải quyết nguồn lao động này để tiến đến xóa bỏ lò gạch thủ công. Tạm thời, vẫn để các lò gạch hoạt động chứ chưa có biện pháp cụ thể".

Theo Quyết định số 222 của UBND tỉnh, sau khi chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công thì các sở, ban, ngành cùng nhau giải quyết việc làm cho người lao động. Dựa trên quyết định về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của UBND tỉnh, huyện Tư Nghĩa nên thực hiện lộ trình trong giai đoạn từ 2011 - 2015 tìm cách giải quyết việc làm cho người lao động trước khi xóa bỏ lò gạch thủ công. Có vậy, khi xóa lò gạch mới không ảnh hưởng đến kinh tế người lao động nghèo; các chủ lò gạch mới không lén lút sản xuất đây đó; ô nhiễm môi trường từ các lò gạch mới được cải thiện.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.