Sơn Hà đi lên từ gian khó

04:03, 31/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- 39 năm (1975-2014), một cột mốc thời gian đủ để cho người ta trưởng thành và cũng để cho chúng ta suy ngẫm về một chặng đường đi qua đầy những khó khăn nhưng dẫn đến những thành công nhất định. Ở đây, tôi muốn nói về vùng quê anh hùng Sơn Hà, một vùng đất đi lên từ gian khó.

TIN LIÊN QUAN

Một thời gian khó

Năm 1994, khi có quyết định chia tách huyện Sơn Hà thành hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây, trung tâm thị trấn Di Lăng ngày ấy chỉ là một vùng đất nghèo với những căn nhà cấp 4, khu vực Hàng Gòn trước chợ Di Lăng số nhà xây kiên cố chỉ tính trên đầu ngón tay. Chợ Di Lăng tạm bợ, đội quân chợ di động len lỏi vào xóm đổi cá lấy gạo, đổi muối lấy bắp, đậu ngày một đông. Kinh tế khó khăn dẫn đến các hoạt động văn hóa xã hội thường chỉ ở mức “duy trì”, tỷ lệ hộ nghèo đói của huyện thường chiếm trên 70%. Với bà con lúc này thì “cái chữ không bằng no cái bụng”, chính vì vậy mà việc huy động ra lớp xóa mù chữ thời bấy giờ hết sức khó khăn. Do trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục lạc hậu còn tồn tại, lại thêm sinh đẻ không có kế hoạch làm cho cái nghèo cứ đeo đẳng mãi...

 

Một góc thị trấn Di Lăng -Huyện Sơn Hà.Ảnh T.L
Một góc thị trấn Di Lăng -Huyện Sơn Hà. Ảnh T.L


Nỗ lực vươn lên

Sau một thời gian tách huyện Sơn Hà và Sơn Tây, Đảng bộ, quân và dân huyện Sơn Hà đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Mười năm trở lại đây, huyện Sơn Hà đã đầu tư xây dựng trên 300 công trình phúc lợi lớn nhỏ, ưu tiên phát triển hạ tầng trường, lớp đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho công tác giáo dục. Đến nay, các trường học trên địa bàn đều được xây dựng kiên cố, đảm bảo hằng năm huy động hơn 15.000 học sinh ra lớp ở các cấp học. Hệ thống giao thông được mở rộng, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, các khu vực thuộc diện vùng lõm được quan tâm đúng mức, các chính sách dân tộc, miền núi được triển khai đồng bộ, người dân ai cũng được hưởng lợi. Đồng chí Đặng Ngọc Dũng - Bí thư Huyện ủy Sơn Hà bộc bạch: “Để có bộ mặt trung tâm thị trấn Di Lăng như ngày hôm nay, ngoài sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, sự đồng tâm hiệp lực của toàn Đảng bộ, còn có sự đồng thuận của nhân dân. Ở đâu mà ý Đảng lòng dân gắn kết, thì mọi khó khăn rồi cũng sẽ vượt qua”.

Sau hơn hai năm triển khai xây dựng, bộ mặt thị trấn Di Lăng đã từng bước đổi thay. Đường sá khu vực trung tâm được mở rộng, nhiều cây cầu mới được xây dựng tạo điều kiện cho người dân giao lưu đi lại. Hơn 2 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, huyện Sơn Hà đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình trọng yếu như làm đường giao thông, xây cầu, mở rộng diện tích đất ở và làm kè Tà Man, kè Sông Rin giai đoạn I, bảo vệ đất đai, hoa màu cho người dân mỗi khi mưa lũ đi qua.

Ban đêm, Di Lăng tràn ngập ánh đèn, xe cộ tấp nập, dòng người đổ về trung tâm thị trấn để vui chơi, thăm thú công viên tạo cho Di Lăng trở thành khu phố sầm uất.

Anh Đinh Văn Thớt, ở tổ dân phố Nước Bung, là người dân tộc Hrê sinh ra đúng ngày quê hương Sơn Hà được giải phóng. Sau khi học xong PTTH, anh Thớt đi bộ đội rồi lập nghiệp ở Tây Nguyên. Mới đây có dịp về lại Sơn Hà, khi bước xuống ở trạm dừng xe buýt giữa trung tâm thị trấn, anh cứ ngỡ mình đi lạc đường, bởi anh không thể hình dung được khi cách đây 5 năm, một Di Lăng còn chật hẹp mà bây giờ đã trù phú. Người đàn ông 39 tuổi này đã phải thốt lên: “Di Lăng bây giờ còn đẹp hơn cả một khu phố ở Tây Nguyên, Tết năm sau tôi sẽ đưa vợ, con về thăm quê để thấy được sự thay đổi của quê nhà”.

Cùng với Di Lăng, các địa phương trong huyện cũng phát triển đồng bộ. Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới lan tỏa, nhận được sự đồng thuận của người dân. Trong sản xuất bà con người địa phương đã từng bước xóa bỏ thế độc canh cây lúa, đưa các loại cây hàng hóa vào trồng đại trà để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế được hình thành, góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế của huyện duy trì ở mức 16-18%.


Sơn Hà đang thay đổi và dường như ai cũng thấy được điều này.               

Đức Toàn
 


.