Nỗi đau chưa bao giờ nguôi

03:03, 12/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh lùi xa gần 40 năm, nhưng nỗi đau, bất hạnh vẫn đang hiển hiện trong cơ thể của hơn 23.500 nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin ở các địa phương trong tỉnh. Đa phần họ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó nhiều người sau khi cha mẹ qua đời sẽ không biết nương tựa vào đâu.

Dù đã 90 tuổi, nhưng ông Nguyễn Chuân ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân (Mộ Đức) vẫn còn trĩu nặng nỗi lo. Bởi lẽ, đứa con trai của ông là Nguyễn Trung Hưng bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Dù đã 32 tuổi, nhưng Hưng không được như đứa trẻ lên 2, suốt ngày ngồi nhìn trời, mây và… cười. Ông Chuân kể, trong kháng chiến chống Mỹ, vợ chồng ông công tác ở Sông Bé và cả hai đều bị phơi nhiễm chất độc hóa học.

 

Hai người con trai của ông Nguyễn Đức Tự.
Hai người con trai của ông Nguyễn Đức Tự.


Năm 1982, vợ ông sinh Hưng nhưng khổ thay, Hưng lại bị tật nguyền rồi bà “ra đi”, để lại Hưng cho ông chăm sóc. Ông rơi nước mắt khi phải đưa Hưng đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhờ nuôi giúp  nhưng Hưng không thuộc diện này. Biết mình chẳng còn sống được bao lâu, ông lặn lội ra Làng trẻ SOS Hà Nội, rồi vào Sài Gòn, nhưng tất cả đều lắc đầu. Bí quá, ông đưa Hưng lên Bệnh viện tâm thần tỉnh chữa trị nhưng cuối cùng cũng ngậm ngùi đưa con về trong nước mắt của tuổi già.

Hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Đức Tự ở thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong (Đức Phổ) cũng éo le không kém, khi cả hai đứa con của ông là Nguyễn Đức Bảo và Nguyễn Đức Vệ đều bị phơi nhiễm chất độc hóa học do ông nội di truyền lại. Ông Tự, nói: Vợ chồng tôi thì già cả rồi, mà các con tôi thì còn trẻ, nay còn sức, tôi còn lo cơm áo cho nó được, mai mốt già rồi thì sao lo được cho chúng. Gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Lan ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) cũng vậy. Bà Lan đành bán căn nhà số 319 Quang Trung chuyển về Phổ Minh (Đức Phổ) ở cậy nhờ anh, em bà con giúp đỡ đứa con gái bị tật nguyền do bị phơi nhiễm chất độc hóa học khi bà mất đi.

Suốt những năm tháng chiến tranh, ông Lê Quang, thôn Bình Đông, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) từng vào sinh ra tử nhưng chưa một lần thấy sợ, nhưng nay hoà bình rồi mà ông lại canh cánh nỗi lo ai sẽ lo cho người mẹ già và đứa con gái thơ dại bị phơi nhiễm chất độc hóa học nằm một chỗ. “Tôi bất lực thật rồi !”, ông Quang thở dài. Những năm tháng chiến tranh, ông Quang sống, chiến đấu ở chiến trường miền Tây Quảng Ngãi…hứng chịu không biết bao nhiêu hóa chất của Mỹ rải xuống. Năm 1974 ông lập gia đình, đến cuối năm, vợ sẩy thai đứa con đầu lòng. Sang năm 1976 thì sinh Lê Thị Trang. Lúc sinh ra, Trang bụ bẫm, kháu khỉnh, nhưng vài tháng thì ốm đau triền miên và bị bại não nằm một chỗ cho đến tận bây giờ. Chứng kiến cảnh con mình lớn lên trong bệnh tật, vợ ông Quang đã “dứt tình” ra đi, để lại gánh nặng gia đình, con cái bệnh tật và người mẹ già nay gần 100 tuổi.

Ông Phan Thanh Long - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin của tỉnh cho biết: Chất độc da cam không chỉ gây cái chết thương tâm cho người nhiễm trực tiếp mà còn di truyền qua nhiều thế hệ. Ở Quảng Ngãi, di chứng chất độc da cam đã truyền sang thế hệ thứ ba. Đau xót hơn là đến nay nhiều trẻ em thuộc thế hệ này chưa được hỗ trợ. Nhiều đối tượng sống trong côi cút, không có nơi nương tựa.

 

Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.