Công tác BHXH, BHYT: Nhiều chuyển biến tích cực

02:03, 03/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020”, công tác BHXH - BHYT ở Quảng Ngãi có nhiều chuyển biến rõ rệt.

TIN LIÊN QUAN

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Từ khi Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời, chính sách BHXH - BHYT được nâng lên một vị thế mới. Nghị quyết nêu rõ: “Chính sách BHXH - BHYT là hai chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước”. Để nhanh chóng đưa Nghị quyết 21 đến với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 21; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. BHXH tỉnh cũng ban hành Chương trình hành động số 555/CTr-BHXH về thực hiện Nghị quyết số 21và triển khai thực hiện trong toàn ngành. Đồng thời kết hợp tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 21 trong đợt tập huấn cho Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân các huyện, thành phố.

 

Cán bộ BHXH tỉnh tham gia lớp đào tạo đánh giá nội bộ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 tại đơn vị.
Cán bộ BHXH tỉnh tham gia lớp đào tạo đánh giá nội bộ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 tại đơn vị.


Ông Tiêu Sinh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: BHXH tỉnh đã phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21 trong toàn đơn vị, nâng cao nhận thức và xác định nhiệm vụ trọng tâm của các phòng chuyên môn, BHXH các huyện, thành phố, tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao, phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, kế hoạch được giao và những mục tiêu của nghị quyết đặt ra. Từ đó, chính sách BHXH, BHYT đã được tuyên truyền sâu rộng đến tất cả đảng viên, cán bộ, nhân dân, giúp toàn hệ thống chính trị và nhân dân hiểu sâu, rộng hơn về chính sách”. Hệ thống đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, thành phố đều có chương trình hành động thực hiện NQ 21, xây dựng chỉ tiêu cụ thể của mỗi đơn vị, đặc biệt là chỉ tiêu về thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Mỗi ngành, địa phương đều được giao nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện nghị quyết.

Những tín hiệu vui

Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 21, đối tượng tham gia BHXH, BHYT được mở rộng. Nếu như năm 2009, trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 ngàn người tham gia BHXH, BHYT thì đến nay toàn tỉnh đã có hơn 70.500 người tham gia BHXH bắt buộc; gần 813 nghìn người tham gia BHYT; hơn 3.600 người người tham gia BHXH tự nguyện và hơn 55 nghìn người tham gia BHTN. Số thu BHXH tự nguyện, BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT đều vượt kế hoạch. Nếu năm 2009, số thu hơn 402 tỷ đồng thì đến năm 2013 ngành BHXH đã thu đạt hơn 1.325 tỷ đồng, đạt 109,9% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Công tác KCB BHYT cũng đạt được một số kết quả nhất định. Chất lượng của các dịch vụ y tế dần được cải thiện. Quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được bảo đảm, nhất là đối với các đối tượng người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi...  Toàn tỉnh có 24 cơ sở KCB có ký hợp đồng KCB BHYT, đồng thời thông qua BVĐK/TTYT huyện triển khai KCB BHYT đến 179 trạm y tế xã, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng khi KCB BHYT. BHXH tỉnh đã giải quyết giám định và thanh toán chi phí KCB cho hơn 1, 4 triệu lượt người, với tổng chi phí KCB BHYT ước tính hơn 366 tỷ đồng.


Công tác giải quyết chế độ BHXH cho người lao động được BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố thực hiện đảm bảo chính xác, đúng quy định của pháp luật. BHXH các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp với ngành bưu điện, các cơ quan đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt công tác chi trả các chế độ BHXH cho đối tượng một cách an toàn, đầy đủ, kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được hiện nay việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, đặc biệt là việc phát triển đối tượng hộ cận nghèo tham gia BHYT. Ông Tiêu Sinh cho biết thêm, đối tượng cận nghèo theo Quyết định 797/QĐ-TTg hiện nay, Nhà nước hỗ trợ mức đóng là 70% nhưng thực tế đối tượng này tham gia BHYT còn quá ít (53%). Đề nghị các cấp có sự phối hợp, chỉ đạo, tác động ngân sách nhà nước Trung ương hoặc địa phương hỗ trợ 30% còn lại để tạo điều kiện cho đối tượng tham gia, tiếp cận dịch vụ BHYT nhiều hơn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành sớm có hướng dẫn để xác định đối tượng là hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp được Nhà nước hỗ trợ  30% mức đóng đối với hộ có mức sống trung bình theo Luật BHYT quy định để đối tượng không bị thiệt thòi quyền lợi KCB BHYT.
 

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.