Quà đầu xuân

07:02, 01/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiếm khi nào mà người dân xã Thanh An (Minh Long) lại hồ hởi, rạo rực như lúc này khi mà cùng lúc, họ được nhận hai món quà đặc biệt: Trạm y tế xã và cầu Thanh Mâu hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp Tết đến Xuân về...
     

Trạm y tế xã Thanh An có diện tích sàn 338 m2 với quy mô 2 tầng, 10 phòng chuyên môn; chi phí đầu tư hơn 3,7 tỷ đồng. Cầu Thanh Mâu có chiều dài 12m loại bê tông cốt thép vĩnh cửu. Tổng mức xây dựng hơn 6,9 tỷ đồng. Cả hai công trình trên đều được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Nối nhịp cầu vui

Chiều 17 tháng Chạp, mưa trút, gió thổi khiến cái lạnh ở vùng cao Thanh An càng thêm se lại. Ấy thế mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số thôn Thanh Mâu vẫn rủ nhau ra xem cầu Thanh Mâu-cây cầu mơ ước từ bao đời nay của người dân nơi đây được nghiệm thu. “Cầu to quá ! Tết này mình không phải lội suối rồi!”, vừa địu con, chị Đinh Thị Ý vừa đi qua đi lại trên cầu đến... 3 lần. Còn chị Đinh Thị Đước thì dù vai nặng gùi mì nhưng cũng chẳng buồn cân, cứ thế xăm xăm trên con đường bê tông to rộng. Khi đến giữa cầu Thanh Mâu, chị Đước đứng nhìn dòng suối Pà Giang êm ả chảy, rồi ôm mặt khóc ngon lành như đứa trẻ. Thấy thế, Chủ tịch xã Thanh An Đinh Dông vội giải thích: “Bà ấy vui quá đấy mà!”.

 

Cầu Thanh Mâu hoàn thành, người dân nơi đây không phải mạo hiểm tính mạng với con suối Pà Giang
Cầu Thanh Mâu hoàn thành, người dân nơi đây không phải mạo hiểm tính mạng với con suối Pà Giang


Hóa ra, thôn Thanh Mâu (dưới) tọa lạc bên dòng Pà Giang có hơn 30 hộ đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Tuy cách trung tâm xã Thanh An chỉ 4,5 km nhưng cuộc sống của người dân nơi đây thường rơi vào cảnh “biệt lập” mỗi khi mưa lũ. Lý do là cứ đến mùa mưa, con suối Pà Giang trở nên hung dữ. Nước ở đâu đổ về cuồn cuộn, cuốn phăng tất cả mọi thứ, kể cả cây cầu tre mà bà con dựng tạm.

Điều này không chỉ khiến việc đi lại của người dân khó khăn, nguy hiểm mà các loại nông sản, sản phẩm như keo, mì, mây và chè cũng... ế khách, vì chẳng ai dám liều mình chuyển chúng qua con suối dữ ấy. Chẳng thế mà ngay khi nghe Chủ tịch UBND huyện Minh Long Nguyễn Văn Thuần tuyên bố cầu Thanh Mâu bằng bê tông cốt thép chính thức đưa vào sử dụng, phục vụ người dân vào ngày 17 tháng Chạp (vượt tiến độ hơn 3 tháng) chủ vựa thu mua mây Phạm Văn Mác liền bấm điện thoại gọi bạn hàng: “Mai cho xe vào thẳng ngõ nhà mình. Cầu, đường bê tông xong rồi. Mưa cũng không sao!”.

“Trạm y tế xã mình đẹp nhất”

Đó là lời khen mà bà con Thanh An dành cho trạm y trạm y tế xã mình. Chẳng trách dù mưa lạnh nhưng sáng sớm ngày 17 tháng Chạp, rất nhiều người dân tề tựu ở trạm y tế. Ngỡ có chuyện gì, hóa ra bà con đến xưởng chè (cũ) để khám bệnh, xin thuốc thì được các y sĩ hướng dẫn đưa vào trạm mới. Nhưng vì không tin “cái nhà to, đẹp này là trạm y tế” nên bà con chần chừ, ngần ngại không chịu vào. Đến khi trưởng trạm, bác sĩ Nguyễn Diên Ngôn giải thích cặn kẽ bằng tiếng Hrê rằng: “Có bệnh là bà con đến nhà này, để bác sĩ “bắt” bệnh và cấp thuốc nhé” thì họ mới chịu bước vào. Sau khi được bác sĩ Ngôn đưa đi tham quan và giới thiệu các phòng khám, phòng sinh, phòng tiệt trùng... bà con ai cũng xuýt xoa, trầm trồ.

Trong khi người dân Thanh An liên tục kéo đến... xem trạm y tế mới thì, các y bác sĩ của của trạm cũng hối hả lau cửa, chùi sàn, rồi chuyển trang thiết bị khám chữa bệnh từ chỗ tạm sang để kịp phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của bà con. Lý giải sự khẩn trương này, trưởng trạm Nguyễn Diên Ngôn, bảo: “Mình phải về nhà mới trước Tết cho bà con vui”. Nói đoạn, bác sĩ Ngôn đưa tôi đi xem xưởng chè-nơi khám và chăm sóc sức khỏe cho người dân đã ẩm thấp lại chật chội. Có lẽ vì  thế mà khi trạm y tế xã hoàn thành và bàn giao vào đúng dịp xuân Giáp Ngọ (vượt tiến độ hơn 2 tháng), bác sĩ Ngôn đã thốt lên: “Chúng tôi quá hạnh phúc vì món quà Tết đặc biệt này”.


Có lẽ đó cũng là tâm trạng của người dân xã Thanh An trước thềm xuân Giáp Ngọ.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.