Thủy điện Nước Trong xả nước: Cuộc sống của người dân Sơn Bao gặp khó khăn

01:01, 08/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ khi thủy điện Nước Trong (Sơn Bao, Sơn Hà) xả nước phục vụ  thi công, phát điện đến nay, 250 hộ dân của xã Sơn Bao đã bị cô lập bởi lưu lượng nước xả quá lớn, tạo thành một dòng sông chia cắt đôi bờ. Đi lại, học hành khó khăn đã đành, chuyện vận chuyển mì, keo sau thu hoạch đưa đi tiêu thụ cũng hoàn toàn ách tắc. Người dân, chính quyền đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu lãnh đạo Công ty thủy điện Nước Trong quan tâm điều tiết lượng nước xả hợp lý, nhưng đáp lại là sự thờ ơ, coi trọng lợi ích doanh nghiệp, khiến dư luận bất bình.

 Mì, keo “chết đứng”

Mấy năm trước, thời điểm này là ngày mùa vui của gần 250 hộ ở Nước Bao, Mang Nà, xã Sơn Bao. Vì xe tải tấp nập về thu mua mì, keo chở về nhà máy. Còn năm nay, nhánh sông Tang đầu làng nước dâng cao bất ngờ, xe tải không về được nữa. Mì vì thế đứng chết rũ, thối củ. Còn keo đến tuổi thu hoạch cứ đứng ngất ngưỡng trên rừng. Người dân không bán được keo, mì, không có thu nhập, không có tiền lo cho cuộc sống.

 

Nước từ cống xả của thủy điện, tạo nên dòng sông, gây chia cắt, người dân phải qua lại bằng đò.
Nước từ cống xả của thủy điện, tạo nên dòng sông, gây chia cắt, người dân phải qua lại bằng đò.


Chiều đông chúng tôi về ngã ba sông Tang, xã Sơn Bao chờ đò để vượt sông về Nước Bao, Mang Nà. Gió thổi lồng lộng, nước sông cuồn cuộn chảy, lạnh tê người. Anh lái đò Đinh Văn Cheng tỏ ra bải hoải, rã rời sau gần một ngày vật lộn với con nước nên chẳng còn vui khi thấy khách xuống đò qua sông nữa. Một lượt đi – về cả người lẫn xe máy hết 10.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Hơn, ở thôn Mang Nà nhà có tiệm tạp hóa nhỏ cứ hai ngày đi lấy hàng một lần, chi phí qua sông bằng đò hết 20.000 đồng, được chị cộng vào chia đều cho từng món hàng. Và vì thế, giá tất cả các mặt hàng từ cây kim, sợi chỉ, lon gạo, gói trà, chai dầu ăn… ở Mang Nà, Nước Bao cũng đều tăng mạnh kể từ khi Thủy điện Nước Trong xả nước, gây cô lập vùng này.

“Đi lại, học hành dù gì cũng có đò đưa. Riêng bán keo, mì mới khổ. Nước sông dâng cao chia cắt, xe tải không qua được, mì, keo của bà con chẳng biết bán cho ai. Nhiều nhà đã rơi vào cảnh đói, vì không còn tiền mua gạo” , ông Đinh Văn Thọ - Trưởng thôn Mang Nà cho biết. Cuộc sống của 250 hộ dân của hai thôn Mang Nà, Nước Bao dựa cả vào cây keo, cây mì. Vì thế mì, keo không bán được, bữa cơm không còn đủ no, trời lạnh áo đã không còn đủ ấm. Cái khổ đang vây chặt từng mái nhà sàn bên kia sông Tang.

Một số gia đình thấy mì chết rũ, thối củ tiếc của, đã nhổ mì, thuê người vác ra bến, thuê đò chở mì vượt sông, rồi lại thuê người vác mì từ đò lên đường để chờ xe tải đến mua. Sau khi bán mì, trả tiền vận chuyển còn chẳng mấy đồng. Chị Đinh Thị Phí, thôn Nước Bao, bảo: “Tiền thuê người nhổ, vận chuyển mì qua sông đi bán hết hơn 4 triệu đồng, trong khi tổng tiền bán mì chỉ có 4,6 triệu.  Mua 50 kg gạo là hết sạch tiền”. Nhiều nhà dân ở Mang Nà có rẫy mì ở xa, đường giao thông cách trở, lại gặp thêm cảnh sông Tang chia cắt, nên họ không dám thu hoạch mì sợ không đủ tiền trả các chi phí.

Ngặt hơn, việc xả nước của Thủy điện Nước Trong ngoài làm cho nước sông dâng cao còn tạo nên tốc độ dòng chảy rất lớn. Anh Đinh Văn Cheng – người chèo đò ở bến sông này bảo: “Gần đây, nước chảy xiết lắm, không dám nhận chở mì, keo sang sông vì sợ lật đò”. Bị chủ đò từ chối, người dân Mang Nà, Nước Bao chẳng còn cách nào để đưa mì, keo qua sông bán. “Keo thì cũng còn vớt vát, chờ đến lúc nào nước thuận thì mình đốn. Còn mì, không nhổ kịp thì sẽ bị thối củ hết. Khổ lắm !”, bà Đinh Thị Biên, thôn Mang Nà than thở.

Từ khi bị cô lập, qua sông phải “gọi đò” nên 250 hộ dân Mang Nà, Nước Bao lo nhất là ốm đau đột ngột. Chị Nguyễn Thị Hơn, thôn Mang Nà, bảo: Người làng nửa đêm chuyển dạ sinh con, chở ra bến sông, gọi đò không được, quằn quại trên bến cho đến sáng. “Mong sao thủy điện và chính quyền có cách nào giải thoát cho dân bớt khổ”,  chị Hơn nói như khẩn cầu.

Lãnh đạo Thủy điện Nước Trong nói gì?

Sau nhiều lần nhận được phản ánh của người dân, ngày 20.8.2013, ông Đinh Văn Phèng-Chủ tịch UBND xã Sơn Bao đã có văn bản gửi Công ty CP Thủy điện Nước Trong – cơ quan chủ quản thủy điện này. Công văn nêu rõ: Từ tháng 8 đến hết năm 2013, bà con hai thôn Mang Nà, Nước Bao thu hoạch nông, lâm sản để bán cho các công ty trong và ngoài huyện. Để tạo điều kiện cho nhân dân thu hoạch, vận chuyển các mặt hàng nông sản này đến nơi bán, UBND xã Sơn Bao đề nghị Công ty CP Nước Trong sắp xếp lịch ngăn nước 2 lần/ngày. Cụ thể: Sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30 phút; chiều từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30.

Đáp lại yêu cầu của nhân dân và cũng là đề nghị chính thức của UBND xã Sơn Bao, ngày 30.8.2013, ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Công ty CP Nước Trong đã ký văn bản gửi xã Sơn Bao, nội dung: Công ty thủy điện Nước Trong được UBND tỉnh cho phép đầu tư Nhà máy thủy điện Nước Trong. Mục tiêu của dự án là tận dụng lưu lượng nước xả qua cống lấy nước để phát điện. Hiện nay, cụm đầu mối đang thi công, đơn vị thi công thực hiện đóng xả nước theo yêu cầu của Ban quản lý thủy điện Nước Trong. Vì vậy đề nghị của quý ủy ban là không thể thực hiện được. Công ty chỉ có thể linh động đóng xả nước phục vụ việc vận chuyển nông lâm sản của nhân dân trên địa bàn khi không làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.

Rõ ràng, phía công ty đã không có sự thông cảm cho nỗi khổ của nhân dân Mang Nà và Nước Bao. Bởi việc đóng nước tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thủy điện. Lời khẩn cầu của nhân dân vì thế cứ trôi theo dòng nước. Ngày ngày nước từ cống xả của nhà máy thủy điện này cứ phăng phăng tuôn thẳng xuống sông Tang, tiếp tục gây chia cắt, cô lập, cuộc sống của dân vì thế mà gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sơn Hà cho biết: “Cử tri địa phương đã phản ánh nhiều lần đến HĐND các cấp. Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn chưa được phối hợp giải quyết”. Theo ông Chủ tịch HĐND huyện Sơn Hà thì phía gần cụm đầu mối cống xả nước của Thủy điện có một cây cầu bắc qua sông. Từ cây cầu này, chỉ cần mở thêm một con đường khoảng 1km là thông với đường giao thông của thôn Mang Nà, Nước Bao. “Huyện sẽ đề nghị với công ty cùng phối hợp mở tuyến đường này, để nhân dân thuận tiện đi lại, ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Thái nói.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.