Dân bức xúc vì... bằng khen xếp tủ

03:01, 07/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các loại bằng khen, huân, huy chương rồi Bằng Tổ quốc ghi công của các liệt sĩ, gia đình có công cách mạng... bị UBND xã Phổ Phong (Đức Phổ) cất giữ gần 40 năm giờ mới được gửi phát, khiến người dân vô cùng bức xúc…

Cất lâu, bằng khen mục nát!

Người dân xã Phổ Phong đã phải thốt lên rằng, công lao của họ bị "mối gặm" khi nghe chúng tôi đề cập đến chuyện gửi phát các loại bằng khen gia đình kháng chiến, gia đình cách mạng; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang và Bằng Tổ quốc ghi công… (gọi chung là Bằng khen) mà UBND xã Phổ Phong vừa thực hiện sau nhiều năm cất giữ. Bởi, nói như bà Nguyễn Thị Tình (60 tuổi), ngụ thôn Hiệp An thì: “Người ta bảo “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”. Nhưng gần 40 năm qua, ghi nhận của Nhà nước về sự “đỏ ngực” của gia đình tôi lại bị UBND xã… xếp tủ để mối gặm”.

 

Bà Vương rơm rớm nước mắt khi cầm trên tay tấm Bằng khen Gia đình kháng chiến được ký từ năm 1975.
Bà Vương rơm rớm nước mắt khi cầm trên tay tấm Bằng khen Gia đình kháng chiến được ký từ năm 1975.


Thế nên, khi nhận từ tay trưởng thôn Hiệp An một xấp giấy đã ố vàng gồm: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Huy chương Chiến sĩ vẻ vang của anh ruột Nguyễn Trọng Tâm, Bằng khen Gia đình kháng chiến của mẹ Huỳnh Thị Tòng và Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng tặng cho mình mà bà Tình rơm rớm nước mắt vì tủi thân. Tủi thân vì những phần thưởng cao quý ấy đã được Nhà nước gửi tặng từ cách đây 30 - 40 năm trước nhưng mãi đến giờ, nó mới đến được gia đình bà trong tình trạng... rách nát, mối gặm nham nhở khiến chữ còn chữ mất. Nhưng điều khiến bà Tình đau lòng nhất, chính là người mẹ - cụ Huỳnh Thị Tòng đã không kịp nhìn những ghi nhận công lao ấy của Nhà nước trước khi nhắm mắt xuôi tay.  

Còn cụ Huỳnh Thị Vương (74 tuổi) cũng không cầm được nước mắt khi cầm trên tay tờ giấy mỏng ký ngày 19.8.1975 - Bằng khen Gia đình kháng chiến vì đã có thành tích đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cụ Vương nói rằng, 39 năm nay, không lúc nào cụ thôi nghĩ đến tấm Bằng khen ấy. Vì đó là vinh dự của gia đình, là thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với những người đã không tiếc công sức, tiền của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thế nên, khi được xã gửi tấm Bằng khen trên, cụ Vương cứ vuốt ve, rồi lồng khung treo trang trọng trên tường.

Không chỉ bà Tình, cụ Vương mà rất nhiều hộ gia đình, thân nhân liệt sĩ ở xã Phổ Phong mừng mừng tủi tủi khi nhận được các loại Bằng khen, dù nó đã cũ rách, khung không còn mà kỷ vật, chế độ đi kèm cũng chẳng có. Nhưng những thứ ấy không làm người dân Phổ Phong bận tâm. Bởi điều họ bận tâm lúc này là còn bao nhiêu Bằng khen chưa về được với chủ? Và vì sao UBND xã Phổ Phong lại “giữ” Bằng khen của dân trong chừng ấy năm?

“Không cấp phát vì... không đủ điều kiện”

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Nguyễn Tiến Dũng trước việc UBND xã “giữ” Bằng khen của dân trong suốt thời gian dài. Theo ông Dũng, số Bằng khen được xếp trong tủ lâu nay là do khi cấp trên gửi về chỉ độc Bằng khen mà không đi kèm Quyết định, chế độ hay hiện vật. Vì thế nên nhiều người... chê,  không nhận. Số khác lại qua đời hoặc đi làm xa nên xã không thể tổ chức cấp phát. Còn chuyện Bằng khen bị mối “gặm”, ông Dũng bảo rằng lúc cán bộ xã nhận về, Bằng khen vẫn được lồng khung đàng hoàng. Nhưng do khung… xấu nên anh em gỡ bỏ, tính khi có kinh phí sẽ thay lại!

Tuy nhiên, câu trả lời của ông Dũng vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân. Lý do, bà con bảo rằng, chưa bao giờ họ nhận được thông báo về việc cấp phát Bằng khen của xã. Càng không có chuyện họ chê Bằng khen vì thiếu chế độ, hiện vật. “Nói thế là xúc phạm chúng tôi. Bản thân tôi đã nhiều lần lên xã hỏi thăm Bằng khen để bổ sung hồ sơ làm chế độ chính sách, nhưng cán bộ bảo chưa có”, cựu chiến binh Huỳnh Ngôn bức xúc.

Còn chuyện xã không xác định được chủ nhân hay thân nhân có Bằng khen là hoàn toàn vô lý. Bởi, những người như bà Tình, bà Vương, ông Ngôn… đều ngụ ở thôn Hiệp An, cách UBND xã chưa đầy 4 cây số. Chưa kể nhiều người còn là cựu binh, công an thôn thường xuyên lui tới xã như ông Nguyễn Thanh Trà, Huỳnh Thanh Sơn… nên không thể nói là mất địa chỉ. Hẳn vì điều này nên khi cầm tấm bằng Tổ quốc ghi công của em trai, Liệt sĩ Nguyễn Đức Thuận được Thủ tướng Phan Văn Khải đề ký năm 2005, ông Trà bảo: “Uất ức đến nghẹn lòng” khi mà phần thưởng cao quý ấy được xã xếp tủ 9 năm giờ chỉ còn là tờ giấy hoen ố. Đã thế, tấm giấy là Bằng Tổ quốc ghi công ấy được gửi tới ông Trà thông qua trưởng thôn chứ xã cũng chẳng hề tổ chức cấp phát. “Điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng liệt sĩ và gia đình họ”, ông Trà khẳng định.

Bằng khen chính là sự ghi nhận và biết ơn của Nhà nước đối với công lao các liệt sĩ, gia đình có công cách mạng trong hai cuộc kháng chiến nên nhất thiết phải được cấp phát kịp thời, trang trọng. Thế nhưng không hiểu vì sao, hàng loạt Bằng khen của người dân Phổ Phong lại nằm gọn trong tủ của xã mấy chục năm trời. Chẳng thế mà đến giờ, người dân nơi đây vẫn đau đáu với câu hỏi: Có bao nhiêu Bằng khen bị thất lạc vì sự xếp tủ này? Và có hay không các chế độ, hiện vật đi kèm? Câu trả lời xin dành cho các ngành chức năng huyện Đức Phổ và lãnh đạo UBND xã Phổ Phong qua các thời kỳ.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.