Bao giờ hết "nước nổi"?

01:01, 13/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm nay, cứ vào mùa đông gần 100ha đất sản xuất tại các thôn Thạch Thang, Lâm Hạ xã Đức Phong (Mộ Đức) bị bỏ hoang do nước nổi. Thực trạng đó không những gây khó khăn trong sản xuất mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của gần 2.000 hộ dân trong vùng, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, để giải bài toán ngập úng này lại vượt quá khả năng của huyện, xã.

Ông Bùi Quảng Ngọc ở thôn Thạch Thang kể: Hai năm nay đỡ khổ rồi chứ mấy năm về trước nước ngập từ đồng đến ngõ, có khi vào trong nhà hơn một tháng mới rút. Heo, gà phải nhốt lồng cho lên gác lỡ hoặc gởi nhờ bà con; giếng nào cũng ngập nước không có nước để dùng. Không có nước sạch khiến sinh hoạt của hàng trăm gia đình trong thôn, không những khó khăn mà còn đe dọa đến sức khỏe của người dân, nhất là những gia đình có con nhỏ.

 

Do thường xuyên bị ngập nên chính quyền địa phương phải để bảng cảnh báo cho người dân.
Do thường xuyên bị ngập nên chính quyền địa phương phải để bảng cảnh báo cho người dân.


Ở ngoài đồng thì nước nổi 3 - 4 tháng mới hết, nên không sản xuất được. Năm nay do ít mưa, nên nước nổi không nhiều, nhưng giờ cũng chẳng ai trồng trọt gì vì sợ mưa xuống không thu hoạch được, mất cả chì lẫn chài. Còn ông Nguyễn Minh cho biết, đã nhiều năm nay, ông không còn canh tác trên 5 sào đất màu của gia đình. Trước đây với 5 sào đất này ông trồng mía, trồng mì cho thu nhập kha khá, nhưng mấy năm nay do giá cả thu mua không ổn định, cộng với việc ngập nước thường xuyên nên không canh tác nữa. Chỉ tính riêng thôn Thạch Thang đã có gần 90ha đất bị bỏ hoang. “Nếu có dự án chống ngập cho vùng này, tôi và bà con phấn khởi lắm vì đây là vùng đông dân, đất sản xuất lại ít mà bị bỏ hoang phí thế này thì cuộc sống của người dân làm sao phát triển được”, ông Minh nói.

Mùa nước nổi bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch. Cứ vào mùa này, người dân chăn nuôi không được; sản xuất mì, lúa, mía không phát triển; đi lại khó khăn, học sinh ở thôn Lâm Hạ phải đến trường bằng ghe. Hai năm nay, lượng mưa ít hơn nên tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt, mà chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất.

Đồng chí Phạm Thanh Bình - Bí thư Đảng ủy xã Đức Phong cho biết: Mùa nước nổi ở xã vùng đông Mộ Đức liên tục xảy ra, nhiều lần cử tri kiến nghị cần có giải pháp đối với vấn đề này trong các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh và mới đây là buổi tiếp xúc đối thoại với Bí thư Huyện ủy. Tuy nhiên, để khắc phục được điều này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, ngân sách của huyện, xã không đáp ứng được mà phải trông chờ vào cấp trên.

Tại buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trong xã, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã giải thích, phân tích rõ ràng và trả lời thấu đáo cho bà con về việc xử lý vấn đề này, nên nhân dân cũng thông cảm hơn rất nhiều. Mong rằng tỉnh, Trung ương sớm quan tâm giải quyết nguồn vốn đầu tư, để sau này thời tiết diễn biến phức tạp thì người dân không còn bị “nước nổi” làm ảnh hưởng đến đời sống, môi sinh, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Hiện nay, UBND huyện Mộ Đức đã lập dự án cơ hội xử lý nước nổi gây ngập úng tại các thôn Thạch Thang, Lâm Hạ và đăng ký với tỉnh bố trí vốn  đầu tư. Tổng dự toán của dự án này là 33 tỷ đồng.

Đức Phong là một trong những xã được Chính phủ công nhận xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển giai đoạn 2013-2015. Mong rằng, với sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh trong thời gian tới, bức xúc của người dân xã Đức Phong sẽ được giải quyết.


Bài, ảnh: Thanh Thuận
 


.