Thấy gì sau lũ lịch sử

09:12, 11/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cơn lũ lịch sử đã đi qua gần 20 ngày. Thế nhưng, nhìn lại những gì mà nó gây ra, hẳn nhiều người phải rùng mình sợ hãi. Tuy nhiên biện pháp ứng phó của người dân và chính quyền cơ sở một số nơi cũng có vấn đề cần xem lại...

TIN LIÊN QUAN

Dân còn chủ quan

Sau lũ, theo chân đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đến thăm một số gia đình bị thiệt hại nặng do cơn lũ gây ra ở huyện Nghĩa Hành. Có mặt tại ngôi nhà mái ngói, vách đất của ông Trần Văn H. ngụ thôn Hòa Mỹ, xã Hành Phước, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn cách “trốn” lũ có một không hai của gia đình này. Đó là thay vì tháo chạy ra khỏi căn nhà ọp ẹp, rệu rã vì nước thì ông H. lại dùng hai cây sào tre gác lên đà nhà, rồi chất lên đó… 6 cái nong để làm giường nằm!

 

Sau lũ, anh Nguyễn Dũng ở thôn Phú Lâm Đông, xã Hành Thiện phấn khởi vì lúa vẫn khô ráo nhờ được gửi ở nhà tránh lũ bà Ái.
Sau lũ, anh Nguyễn Dũng ở thôn Phú Lâm Đông, xã Hành Thiện phấn khởi vì lúa vẫn khô ráo nhờ được gửi ở nhà tránh lũ bà Ái.


Điều đáng nói là căn nhà trên tọa lạc ngay khu vực thấp trũng, lại sát kênh mương, nhưng vì lý do “vừa giữ nhà vừa nhìn nước lũ” mà ông H. đã “treo” tính mạng của vợ chồng già lẫn đứa cháu 9 tuổi ngay trên biển nước. Bởi, ngôi nhà cũ nát bị nước nhấn chìm đến hơn 2 m nên vách đất rất dễ sạt, dẫn đến sập đổ. Mà nhỡ điều đó xảy ra giữa lúc mưa to, điện tắt, nước lũ dâng cao thì hậu họa thật khó lường. Chẳng thế mà khi nhìn “sáng kiến” trú lũ của ông H., Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan đã thốt lên: “Bà con quá chủ quan!”.

Trong khi đó, tại xã Hành Thiện - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do cơn lũ gây ra cũng xảy ra tình trạng người dân chủ quan, lơ là khi ứng phó với lũ. Chẳng là họ nghĩ, nền nhà cao, nước lũ có vào cũng chỉ ở mức 0,5 - 1m như năm 1999 là cùng. Thế nên dù từ chiều ngày 15.11, lực lượng cứu hộ của xã, thôn đã tỏa về các khu vực trũng để di dời nhưng đều nhận được cái lắc đầu “không hề gì” của nhiều người. Đến khi nước lên cao 1,5 - 2 m, họ lại gọi điện thoại, nhắn tin kêu cứu. Lỗi trên một phần do sự chủ quan của người dân, phần vì diễn biến quá đột ngột của nước lũ. Điều này thì có lẽ không riêng người dân xã Hành Thiện.

Bằng chứng là toàn tỉnh có đến 16 người chết và mất tích do bị nước lũ cuốn trôi. Đáng nói là trong số này, không ít trường hợp tử vong vì chính sự chủ quan của nạn nhân như chèo thúng dọc sông, trượt chân ngã sau khi nước lũ rút… Đặc biệt, nhiều người còn xem thường tính mạng của mình đến nỗi ngang nhiên vượt cầu tràn, khu vực đường đang còn ngập sâu trong nước dù đã bị lực lượng chốt chặn ngăn cản. Vì vậy, ngay trong cuộc họp đánh giá thiệt hại và tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cũng đã nhấn mạnh: “Các ngành, địa phương phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân hết sức cẩn trọng và bảo đảm an toàn tính mạng trong quá trình tổ chức khắc phục, dọn dẹp nhà cửa, công trình công cộng. Tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người sau lũ”.

Hiệu quả, an toàn: Nhà tránh lũ

Trận lũ vừa rồi, căn nhà nằm cách bờ sông Vệ chưa đầy 50m của vợ chồng ông Mai Văn Tú ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) bị nước nhấn chìm trên 2m. Thế nhưng, dường như vợ chồng ông Tú cùng toàn bộ vật dụng, tài sản vẫn bình yên vô sự. Có được may mắn này, ông Tú bảo rằng “nhờ cái nhà tránh lũ”. Quả thật, căn nhà cấp 4 được xem là nhà tránh lũ của ông Tú sẽ chẳng có gì lạ nếu cái gác lửng trông giống… lô cốt! Và chính cái lô cốt ấy đã giúp vợ chồng ông Tú an toàn, ấm áp trong suốt trận đại hồng thủy vừa rồi. Vì với độ cao 3,7 m (tính từ nền nhà) thì phải còn lâu, cái lô cốt trên mới bị nước nhấn chìm.

Còn ngôi nhà tránh lũ của bà Cao Thị Ái ở thôn Phú Lâm Đông thì không chỉ giữ được tính mạng, tài sản cho gia chủ mà còn giúp hàng chục người hàng xóm an toàn trong lũ. Chẳng thế mà anh Nguyễn Dũng - một trong những hộ bị lũ cuốn phăng nửa cái nhà, nhưng may mắn bảo toàn được tính mạng của cả gia đình nhờ trú trên gác lửng của nhà bà Ái, nói chắc nịch: “Sau trận này, tôi phải bàn với vợ xây nhà như cô Ái”.

Cùng với ông Tú, bà Ái thì xã Hành Thiện còn có 48 căn nhà tránh lũ của những hộ nghèo; người sống ven sông, vùng ngập trũng vừa được xây dựng. Và trong trận lũ vừa rồi, nó đã bộc lộ rõ nhất tính năng của mình trong việc tránh lũ. Mà nói như Chủ tịch UBND xã Hành Thiện Mai Duy Tuấn thì: “Nếu không có 50 cái nhà tránh lũ, hẳn Hành Thiện đã có thiệt hại về người”. Thế nên khi nhìn lại diễn biến, cách ứng phó của người dân và chính quyền trong trận lũ vừa rồi, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình kết luận: “Nhà tránh lũ hộ gia đình và nhà tránh lũ cộng đồng chính là biện pháp tránh lũ hiệu quả, an toàn nhất”.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.