"Nghẽn" lối đến Tân Long Trung

10:12, 12/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiếc cầu treo bắc qua thôn Tân Long Trung, xã Ba Động (Ba Tơ) đưa vào sử dụng chưa tròn một năm thì bị nước lũ cuốn trôi và dòng chảy của sông Liêng qua đoạn này cũng thay đổi. Chính quyền lo ngại nguy hiểm, không dám cho dân chống đò qua lại, nên sau lũ  "nghẽn" lối đến Tân Long Trung…

TIN LIÊN QUAN

Hiện nay, học sinh chuẩn bị thi học kỳ 1 và với nhà nông thì vụ sản xuất đông xuân cũng bắt đầu. Nhu cầu qua lại sông Liêng của bà con thôn Tân Long Trung càng cấp thiết hơn. Thế nhưng, chiếc cầu treo bị  lũ cuốn trôi, dân lại không được chống đò nên cuộc sống trong vùng gần như đảo lộn...

Gần trường, xa ngõ…

Nửa tháng nay, vợ chồng anh Hồ Ngọc Dùng phải dậy sớm hơn thường ngày để cho con ăn uống rồi chở đến trường. Dắt chiếc xe máy qua mố cầu Hóc Kè, anh bảo: "Hồi trước, chưa có chiếc cầu treo thì "lụy" đò. Khi có chiếc cầu con cái tự đến trường. Giờ thì phải đi đường vòng để đến trường, đến trung tâm xã. Con đường từ thôn Tân Long Trung đến trường phải đi qua nhiều đoạn lầy lội, lởm chởm đá. Khi đi phải ngược xuống phía đông chừng 3km, qua cầu Hóc Kè, đến Quốc lộ 24 rồi lại đi ngược lên, tính ra hơn 7 km. Đường xa và bùn lầy lại men theo triền núi, mố cầu Hóc Kè lại bị sạt lở, anh Phạm Văn Hiển thôn Huy Ba II, xã Ba Thành, lo ngại: "Chở con đi còn sợ, nếu để chúng tự đi thì nguy hiểm lắm!". Thấy quá nguy hiểm, địa phương đã đan phên và dùng tre gác tạm ngay mố cầu cho bà con đi lại.

 

Cầu Tân Long Trung bị gãy nhịp chưa được khắc phục.
Cầu Tân Long Trung bị gãy nhịp chưa được khắc phục.


 Thấy đến trường khó khăn, một số gia đình đông con, ngày hai bữa phải đưa đón. Mùa vụ đang đến gần. Nhiều cánh đồng sau lũ bị cát bồi lấp nghiêm trọng cần phải cải tạo, nên một số gia đình đành cho con nghỉ học theo kiểu giã gạo để có thời gian lo việc đồng áng. "Lo cho con đến trường thì việc đồng áng bê trễ. Nhưng không đưa đón thì chúng làm sao theo kịp bạn bè. Khổ quá !" - anh Lê Quốc Vương nói. Ở thôn Long Trung có khoảng 40 học sinh gặp khó khăn khi đến trường bởi đường đi không thuận tiện, nên có nguy cơ bỏ học dần.

 Hàng cứu trợ không đến được

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng thôn Tân Long Trung, cho biết: "Thôn Tân Long Trung có khoảng 80 hộ, thôn Huy Ba (xã Ba Thành) có khoảng 40 hộ thường ngày qua lại sông Liêng. Từ ngày cầu treo bị đứt, chuyện đi lại, làm ăn của người dân thêm bê trễ, gián đoạn".  

Đã có nhiều đoàn từ thiện nghe dân Tân Long Trung khó khăn nên tìm về cứu trợ. Nhưng vì không có đường qua sông nên các đơn vị đành tổ chức cấp phát ở trụ sở UBND xã. Người có xe máy thì đi vòng sang nhận. Người không có xe thì nhờ người khác chở giúp hàng cứu trợ. Một số thành viên của đoàn cứu trợ muốn đến Tân Long Trung, nhưng cầu treo bị đứt, muốn đến phải đi đường vòng quá khó khăn nên họ đành quay về.

Việc nhận hàng cứu trợ đã khó khăn, còn việc mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu chuẩn bị cho mùa vụ càng vất vả. Chị Nguyễn Thị Thủy, một người dân trong thôn nói: "Phải chi sông không bị uốn dòng thì đi đò tuy cực nhọc, nhưng vẫn còn khỏe hơn đi vòng !".  

 Khổ nhất là người ốm lên Trung tâm y tế huyện khám bệnh phải đi đường vòng. Ông Nguyễn Thanh Hương đứng nhìn chiếc cầu treo bị nước lũ cuốn đứt rồi nhìn xuống dòng sông thở dài: "Năm ngoái cũng thời điểm này bà con ăn mừng vì có chiếc cầu mới. Giờ thì…". Ông Hương bỏ lửng câu nói rồi lại ngước nhìn về phía bên kia sông. Chiếc cầu treo là mơ ước của nhiều thế hệ dân Tân Long Trung. Giờ cầu treo bị đứt, dân khắc khoải chờ khắc phục.

Ông Võ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND xã Ba Động, cho biết: Xã khó khăn nên chuyện bỏ kinh phí để khắc phục cầu treo là  ngoài khả năng. Do vậy, xã đã có tờ trình xin huyện hỗ trợ kinh phí để sửa chữa cầu, giải quyết khó khăn về đi lại cho dân. Trước mắt, xã đã huy động lực lượng thanh niên dùng cột tre, đan phên bắc qua mố cầu Hóc Kè cho bà con đi lại tạm thời. Nhiều người dân Tân Long Trung đề nghị cho đò hoạt động trở lại, nhưng thấy không đảm bảo an toàn nên xã không cho phép.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.