Một gia đình khốn khổ vì chuyện đền bù (Kỳ 1)

09:12, 11/12/2013
.
Bài 1: Ba năm khiếu nại chưa được giải quyết
 
(Baoquangngai.vn)- Hai lần được phong tặng dũng sĩ diệt Mỹ, nước mắt ông chưa từng rơi trong cuộc chiến. Nhưng, lại có lúc ông cảm thấy bất lực, kiệt quệ trong thời bình chỉ vì giải tỏa đền bù. Đó là câu chuyện của ông Phạm Thanh Hải ở thôn La Vân, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ).

TIN LIÊN QUAN

* Thiệt thòi vì có sổ đỏ

Trong những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc, vùng đất Đức Phổ là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Như bao chàng trai, cô gái, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc, chàng thanh niên trẻ Phạm Thanh Hải một lòng theo cách mạng, không tiếc gì máu xương và tuổi thanh xuân của mình.
 
Ông Hải kể, chứng kiến người dân lầm than, sự tàn nhẫn của Mỹ -Ngụy, năm 13 tuổi, ông tình nguyện theo cách mạng làm du kích mật. Nhiều lần ông đã cùng đồng đội đánh đồn, bót, tiêu diệt ác ôn. Thời ấy, ông nổi tiếng là người gan dạ, dũng cảm. Ngày ngày ông dò la tin tức, hễ nghe có xe tăng, xe Jeep có giặc vào làng là ông gài lựu đạn hoặc tìm cách bắn tiêu diệt.

 

Đã 3 năm qua, vợ chồng ông Hải, bà Cúc đã gõ cửa khắp các nơi, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Đã 3 năm qua, vợ chồng ông Hải, bà Cúc đã gõ cửa khắp các nơi, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
 
 
Trong thời điểm nước sôi lửa bỏng, sự mưu trí, ngoan cường của chàng trai trẻ này góp phần rất lớn cho thắng lợi của bộ đội, dân quân du kích ở địa phương. Ông đã 2 lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. 
 
Chiến tranh qua đi, dù đã trải qua lớp đào tạo cán bộ nguồn của Ban Thống nhất Miền Nam, nhưng ông lại về và gắn bó với mảnh đất quê hương và nên duyên vợ chồng với chị Lê Thị Cúc, người cùng quê.
 
Vợ chồng lấy nhau chẳng có gì làm của hồi môn ngoài miếng đất nhỏ sát chân đường sắt Bắc - Nam do cha mẹ để lại. Sau một thời gian, những đứa con kháu khỉnh lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của đôi vợ chồng trẻ. Làm lụng quanh năm suốt tháng, nhưng cuộc sống khó khăn vẫn hoàn khó khăn, thu nhập từ vài sào ruộng chẳng thấm tháp gì khi gia đình có tới 8 miệng ăn.
 
GCNQSDĐ của vợ chồng ông Hải.
GCNQSDĐ của vợ chồng ông Hải.
Những năm 1990, chính quyền địa phương khuyến khích người dân trồng cây gây rừng. Thế là ông quyết định lên núi Hang Cọp ở xóm Tân An, xã Phổ Thạnh, đây cũng là nơi có một phần diện tích đất của ông bà ông Hải để lại. “Tôi thấy nếu cứ bám cây lúa thì đói dài, phải liều để tìm hướng làm ăn khấm khá, nên quyết định lên đây canh tác rồi khai hoang, đốt rẫy thêm để trồng rừng sản xuất và trồng cây hằng năm." - ông Hải bộc bạch.
 
Cũng từ đó, ông bà đành cho những đứa con ở nhà, đứa lớn chăm đứa bé, hai vợ chồng ông lên núi Hang Cọp dựng một túp lều nho nhỏ tá túc, làm việc chăm chỉ. Không chỉ trồng cây gây rừng, vợ chồng ông còn trồng mì, đậu phụng, bắp, khoai lang, lúa và nuôi bò để tăng thêm thu nhập… Chưa một ngày được nghỉ ngơi, chỉ mong các con đủ ăn, đủ mặc và học hành đến nơi đến chốn. 
 
Nỗi vất vả, nhọc nhằn của hai vợ chồng được đền đáp xứng đáng khi đứa con đầu lòng của ông Hải thi đỗ vào Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Đứa thứ hai cũng đã đỗ vào hệ trung cấp dược cùng trường với chị.
 
Với ý thức chấp hành pháp luật cao, năm 2008, ông Hải đã làm đơn đề nghị và được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho diện tích đất mà mình đang sản xuất, với tổng diện tích là 8,9644 ha. 
 
Với bản chất thật thà, sau khi nhận được GCNQSDĐ, vợ chồng ông Hải, bà Cúc cất giữ mà không xem kỹ mục đích sử dụng toàn bộ diện tích đất của mình là “Đất rừng sản xuất”. Mãi đến đầu năm 2011, trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng Dự án hồ chứa nước cây Xoài, Hội đồng Đền bù Dự án thực hiện đền bù áp giá cho những hộ dân có diện tích đất nằm trong dự án.
 
Trong khi tất cả các hộ dân khác không có GCNQSDĐ được đền bù theo hiện trạng đất thực tế đang sử dụng. Nghĩa là đất hoa màu thì đền bù theo giá đất hoa màu, đất lúa được đền bù theo giá đất lúa, đất rừng thì đền bù theo giá đất rừng…, chỉ mỗi gia đình ông Hải có GCNQSDĐ thì được đền bù theo đất rừng sản xuất. 
 
Bức xúc trước sự việc trên, ông Hải đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng yêu cầu được đền bù đúng mục đích theo hiện trạng. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như UBND huyện Đức Phổ chỉ đạo các phòng, ban của huyện và UBND xã Phổ Thạnh nhanh chóng tiến hành kiểm tra và giải quyết cho gia đình ông Hải theo hiện trạng thực tế đất đang sử dụng để đền bù thỏa đáng cho gia đình ông Hải.
 
* Khốn khổ chờ đền bù
 
Đã gần 3 năm trôi qua, ông Hải bà Cúc đã “gõ cửa” kêu cứu khắp nơi, nhưng sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng cộng với thủ tục hành chính rườm rà đã khiến gia đình ông rơi vào cảnh khánh kiệt. 
 
Ba năm ròng rã, không đất sản xuất, không có tiền trang trải cuộc sống, 3 trong 6 đứa con của ông đành phải ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ đến trường đi làm thuê kiếm tiền gửi về quê cho bố mẹ trang trải cuộc sống. Đứa con út của ông Hải, bà Cúc là em Thanh Hương hiện là học sinh lớp 5 đang thoi thóp vì bị bệnh tim bẩm sinh mà không có tiền chữa trị. 
 
Ông Hải đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi, từ vay mượn bạn bè và họ hàng thân thiết, đến bán lần lượt tất cả những gì có giá trị trong nhà, trâu bò, đến đàn heo mà vẫn không đủ tiền cho Hương chữa bệnh. Giờ trong ngôi nhà của vợ chồng ông chẳng có gì đáng giá ngoài mấy vật dụng thiết yếu.

 

Mang trong người căn bệnh tim bẩm sinh, em Hương chưa được mổ vì gia đình không có tiền.
Mang trong người căn bệnh tim bẩm sinh, em Hương chưa được mổ vì gia đình không có tiền.
 
Để có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học, chữa bệnh cho con, ông Hải đã xin tạm ứng một ít tiền đền bù, nhưng Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đức Phổ không chấp thuận. Không có tiền, con gái đầu của ông Hải xin bảo lưu kết quả 1 năm, nhưng giờ đã 2 năm nên nhà trường không cho học nữa. Hai đứa em kế cũng nghỉ học đi làm công nhân. 
 
“Bác sỹ bảo phải tốn cả trăm triệu mới mổ được cho nó mà số tiền lớn vậy chúng tôi chẳng biết vay mượn đâu ra? Nếu chính quyền quan tâm giải quyết cho gia đình tôi thì đâu ra nông nổi thế này. Mỗi khi nhìn nó lên cơn đau tim, tôi làm mẹ lòng đau như cắt”- Bà Cúc bộc bạch.
 
Ông Hải tiếp lời vợ: “Không có 3 đứa lớn đi làm công nhân giày da gửi tiền về chu cấp, 5 con người ở nhà chẳng biết lấy gì mà ăn? Nói xin lỗi cô chứ, nhà tôi bây giờ đi ăn giỗ cũng phải mượn tiền. Thời chiến chưa bao giờ tôi rơi nước mắt, không ngờ thời bình lại rơi nước mắt vì bất lực nhìn vợ con phải khổ sở như thế này đây…”, nói đến đây, ông Hải nghẹn ngào không thốt nên lời, nước mắt ngắn dài lăn đều trên khuôn mặt. 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 
 
*Bài 2: Trên bảo dưới không nghe
 
 

.