Hiểm họa từ những tàu cá… chở khách

09:12, 28/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tàu cao tốc bị cấm đi lại trên biển do thời tiết bất lợi. Trước tình hình đó, nhiều chủ tàu cá đã lén lút chở hành khách từ đất liền ra đảo Lý Sơn và ngược lại, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng.

TIN LIÊN QUAN

Theo UBND huyện Lý Sơn, tính đến nay huyện đảo đã bị cô lập hơn 10 ngày và hầu hết các hoạt động vận tải trên tuyến đường biển Lý Sơn-Sa Kỳ và ngược lại bị ngưng trệ. Do đó, việc nhiều người dân và du khách bị mắc kẹt trên đảo dài ngày là khó tránh khỏi, nên rất nhiều người muốn vào đất liền hoặc ra đảo để hoàn thành công việc đã chọn tàu cá để đi lại.

 

Hành khách lên tàu cá ra đảo và ngược lại.
Hành khách lên tàu cá ra đảo và ngược lại.


 “Nhiều người chọn tàu cá để đi lại trong những ngày qua là có thật. Việc đi lại này rất nguy hiểm và hậu họa khó lường. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, quản lý tàu cá không cho xuất bến trong thời tiết bất lợi hiện nay", ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nói.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết tàu cá chở hành khách đều không được các cơ quan chức năng cấp phép xuất bến trong thời gian biển động nên các chủ tàu cá và hành khách thường chọn vào buổi tối khuya hoặc sáng sớm lén lút nổ máy xuất bến. Nhiều hành khách mắc kẹt trên đảo quá lâu, ảnh hưởng đến công việc nên “liều mạng” đi tàu cá để sớm về đất liền. Người dân mắc kẹt ở cảng Sa Kỳ cũng cùng chung tâm trạng như vậy. “Biết là nguy hiểm, nhưng giờ không còn cách nào khác”, anh Tâm chờ liên hệ tàu cá để ra đảo nói. Còn các chủ tàu cá thì cho biết, họ chẳng muốn phá lệ nhưng vì hành khách nài nỉ mới đi, dù biết đi như vậy là nguy hiểm và sai quy định, có thể bị cơ quan chức năng bắt giữ và xử phạt nên mới lén đi vào ban đêm.

Việc đi lại bằng tàu cá là rất nguy hiểm. Mới nhất là vào trưa ngày 24.12, tàu kéo chở cát của ông Nguyễn Văn Pháp, ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn), trong lúc đi vào đất liền đã lén lút chở 12 hành khách rời đảo vào đất liền thì bị nạn trên biển. Rất may, tàu phát tín hiệu cầu cứu và đã được tàu cao tốc An Hải, đang neo trú ở âu thuyền An Hải xuất bến ra cứu kịp thời và lai dắt về đảo an toàn.

Việc đảo bị cô lập cũng khiến cho hàng hóa trên đảo tăng lên so với ngày thường. Tuy vậy, lương thực dự trữ trên đảo vẫn đủ dùng cho người dân trong 1 tháng nên không có gì đáng lo ngại. "Nếu tình hình thời tiết này kéo dài thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc mua sắm Tết của người dân”, ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nói.

Bài, ảnh: PV
 


.