Gian khó Trà Xinh

12:12, 07/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa mưa, đường về Trà Xinh (Tây Trà) gập ghềnh đèo dốc. Cuộc sống của người dân nơi đây bộn bề trong gian khó.

Cà La thiếu đất, thiếu nước

Cách trung tâm xã Trà Xinh chưa đầy cây số, nhưng phải mất gần nửa tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được khu tái định cư (TĐC) Cà La. Đường dẫn về khu TĐC Cà La sạt lở, đầy bùn đất, còn chiếc cầu vượt lũ thì... ngập nước. Khu tái định cư Cà La được xây dựng cho 30 hộ dân thuộc diện di dời bởi Dự án hồ chứa nước Nước Trong. Hơn một năm qua, người dân nơi đây vẫn chưa có đất canh tác và nước sạch để sử dụng.

 

Nhiều căn nhà ở Trà Xinh xập xệ, dột nát.
Nhiều căn nhà ở Trà Xinh xập xệ, dột nát.


Chiều miền núi, mưa trắng trời. Ngồi trong căn nhà được xây dựng mới ở khu TĐC, ông Hồ Văn Lâm lắc đầu: “Không có đất sản xuất, mình ở nhà miết thôi! Mùa mưa như vầy, biết làm gì đâu! Không dám lên rừng nên cả nhà chạy ăn từng bữa”.

Từ khi về khu TĐC Cà La, hầu hết người dân chỉ biết lên núi phát rẫy làm nương. Nhưng đất núi dốc cao, khô cằn, năng suất rất thấp, làm không đủ ăn, quanh năm thiếu lương thực. Ông Hồ Thanh Thuyền - Chủ tịch UBND xã Trà Xinh, cho biết: Khu TĐC Cà La có 30 hộ, với gần 150 khẩu. Nhưng đến nay, đất sản xuất của người dân chưa có.

Hiện, Ban Quản lý hồ chứa nước Nước Trong đã tạo được quỹ đất khoảng 2ha để bàn giao cho người dân. Dù vậy, lãnh đạo xã vẫn chưa nghiệm thu diện tích đất này. Nguyên nhân là không đảm bảo nguồn nước tưới để người dân có thể sản xuất. “Mặc dù có công trình nước sạch, nhưng nước lại không về được khu TĐC. Bây giờ, cuộc sống của người dân ở khu TĐC Cà La chỉ hơn lúc trước mỗi căn nhà, còn thì khó khăn lắm!”- ông Thuyền lo lắng.

Trà Ôi mong có con đường

Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, đường về xã Trà Xinh đã được đầu tư xây dựng, “kéo” xã này về gần với trung tâm huyện Tây Trà hơn. Tuy nhiên, nguồn lực vẫn còn hạn chế, nên đường đến các thôn trong xã vẫn còn ngổn ngang, cách trở. Thôn Trà Ôi là vùng đất như thế.

Dốc dựng đứng. Đá lởm chởm. Đường về Trà Ôi xa ngái. Dù đã được Chủ tịch UBND xã Trà Xinh Hồ Thanh Thuyền dặn trước, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ với con đường về thôn Trà Ôi. Hai bên đường cây cối um tùm, vắng lặng. Chúng tôi như đang lạc vào một khu rừng chưa ai khai phá vậy. Lác đác có vài người dân kiếm củi trở về. Sau 5 cây số đường rừng trầy trật, chúng tôi cũng đến được với Trà Ôi. Những ngôi nhà thấp lè tè, mái tranh dột nát hiện ra trước mắt, trông thật ảm đạm.

Ông Hồ Văn Chúng - Trưởng thôn Trà Ôi, cho biết: “Cả thôn có 81 hộ dân, với gần 300 khẩu đều là những người đi bộ giỏi nhất huyện này đó. Đường về thôn mình chỉ biết đi bộ thôi. Ai cũng mong có con đường về thôn, để con cháu đi học được dễ dàng”. Ở Trà Ôi, cuộc sống của người dân còn lắm nhọc nhằn. Nhiều nhu yếu phẩm chẳng biết mua ở đâu. Ngày ngày, bà con chỉ biết đi làm rẫy, trồng lồ ô, rồi đi bộ vài cây số để đổi gạo ăn. Mùa mưa đến, con đường độc đạo dẫn về xã sạt lở, Trà Ôi bị cô lập. Khi ấy, cái đói như một nỗi ám ảnh  với người dân.

Theo ông Hồ Thanh Thuyền, xã đã tìm nhiều cách để giúp người dân Trà Ôi, nhưng những giải pháp đưa ra đều quá sức của xã. Mới đây, xã đã lập phương án chuyển đổi gần 200ha đất rừng phòng hộ sang đất sản xuất để cấp cho bà con canh tác. Nhưng chủ trương này, xã không thể quyết định được. Bây giờ, cũng đành phải chờ thôi. Rõ ràng, để cuộc sống của người dân Trà Xinh bớt khó khăn, thì chỉ riêng Trà Xinh nỗ lực thôi là chưa đủ. Trà Xinh rất cần sự chung tay, quan tâm của huyện Tây Trà và các cấp, ngành của tỉnh.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU


 


.