Giảm thiểu mất cân bằng giới tính

02:12, 20/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay đang đặt ra thách thức cho các ngành chức năng. Nhằm từng bước khống chế hệ quả trên, từ năm 2010 đến nay, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh triển khai Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”(MCBGTKS) trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chi Cục DS-KHHGĐ tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng MCBGTKS hiện nay chủ yếu về văn hóa, phong tục tập quán. Chính vì vậy, nhằm từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng về hệ lụy của vấn đề phân biệt giới tính, tác động của tình trạng MCBGTKS trong đời sống xã hội trong tương lai, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, trong đó chú trọng xây dựng các CLB, nhóm sinh hoạt. Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều xây dựng và duy trì CLB "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế",  "Phụ nữ không sinh con thứ 3"… Qua các đợt sinh hoạt đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép các nội dung về giới và giới tính khi sinh.

 

Các em nữ Trường THCS Hành Trung (Nghĩa Hành) tham gia sinh hoạt câu lạc bộ
Các em nữ Trường THCS Hành Trung (Nghĩa Hành) tham gia sinh hoạt câu lạc bộ "các bạn gái tiêu biểu".


Nghĩa Hành là một trong những địa phương triển khai hiệu quả Đề án MCBGTKS. Đến nay, huyện đã xây dựng 14 CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 với gần 500 thành viên tham gia các hoạt động của mô hình. Các thành viên được trang bị đầy đủ những kiến thức về giới, giới tính, nguyên nhân, hậu quả của việc MCBGTKS, các nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ, chăm sóc nuôi dạy con và chăn nuôi, phát triển sản xuất.

Trong năm 2013, ngành dân số tỉnh cũng đã triển khai xây dựng điểm 15 CLB “Các bạn gái tiêu biểu” tại các huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi. Đối tượng tham gia CLB là các bạn gái đang học các trường THCS có thành tích học tập khá giỏi là con các gia đình một bề là nữ. Hằng quý, CLB sẽ sinh hoạt 1 lần. Mỗi trường THCS ở các địa phương có mô hình sẽ xây dựng một CLB từ 25-30 em.  Nói về mô hình này, ông Lê Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Nghĩa Hành chia sẻ: “Khi tham gia sinh hoạt, các em nữ sẽ được tư vấn kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kỹ năng sống. Tại đây, các em được giao lưu, trao đổi hỗ trợ về học tập giữa các thành viên trong câu lạc bộ. Cuối năm, các em có thành tích xuất sắc sẽ được cấp học bổng học tập. Mỗi suất 400 -500 nghìn đồng”.

Trong 3 năm qua,  Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã triển khai Đề án "Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS" tại 184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Từ khi triển khai Đề án, các địa phương đã tăng cường cung cấp thông tin về giới và MCBGTKS cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai; những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.

Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với các cơ sở đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho cộng đồng, tuyên truyền cho các cặp vợ chồng sắp đăng ký kết hôn tại các xã, phường hiểu biết tác hại của thực trạng trên. Đặc biệt, huy động đội chuyên trách viên và cộng tác viên ở từng thôn, bản thường xuyên đến thăm và tư vấn trực tiếp ngay tại hộ gia đình nhằm thay đổi hành vi của người dân.

Nói về mô hình giảm thiểu MCBGTKS, chị Nguyễn Thị Tiếp- cán bộ dân số xã Nghĩa Kỳ, bộc bạch: “Khó khăn lớn nhất đối với những người làm công tác dân số như chúng tôi là không thể quản lý được việc xét nghiệm giới tính trước khi sinh của các bà mẹ. Để từng bước thay đổi nhận thức của các cặp vợ chồng khi sinh con thì phải đi từ giải pháp “Mưa dầm thấm lâu”. Làm sao để nó trở thành “mối bận tâm hằng ngày” của các chị, các mẹ. Nhiều chị em đã thể hiện sự hiểu biết và đồng tình ủng hộ mô hình. Điều này chứng tỏ công tác truyền thông đã có hiệu quả…”.

Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, ngành dân số tiếp tục triển khai Đề án với các giải pháp trọng tâm là, tăng cường cung cấp thông tin tuyên truyền; khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong học tập, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển sản xuất; tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất hoạt động của các phòng khám siêu âm. Bên cạnh đó, Chi cục còn tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở Y tế và phòng y tế các huyện tổ chức các đợt thanh tra các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai để tuyên truyền những văn bản, quy định về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh.


  Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.