Đường thủy trên non cao

07:12, 26/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, trên khu vực lòng hồ thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây) xuất hiện rất nhiều loại ghe, xuồng gắn máy hoạt động liên tục suốt cả ngày để vận chuyển hàng hóa và người qua lại từ các điểm xã Sơn Dung, Sơn Liên (Quảng Ngãi) và xã Đăk Nên (Kon Tum). Ở đây, đã dần hình thành nên loại hình giao thông đường thủy trên vùng cao Sơn Tây.

Vài tháng trở lại đây, khi đập thủy điện Đăkđrinh bắt đầu ngăn dòng, tích nước có rất nhiều người dân từ khắp nơi đổ về đây với các loại phương tiện như ghe, xuồng lớn, nhỏ có gắn động cơ để hoạt động. Từ đó, ở đây dần hình thành “bến cảng” để người dân các xã của tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum giao thương, trao đổi mua bán.

 

Một “bến cảng” trong lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, huyện Sơn Tây.                                                   Ảnh: THIÊN BẢO
Một “bến cảng” trong lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, huyện Sơn Tây. Ảnh: THIÊN BẢO


Một số hộ dân hay các công trình đang thi công tại khu vực xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) đã dùng loại phương tiện đường thủy này để vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa từ huyện Sơn Hà sang Đăk Nên, vì việc vận chuyển bằng đường thủy gần và dễ dàng hơn so với đường bộ, tiết kiệm được chi phí. Không những thế, nhiều hộ dân của xã Đăk Nên còn qua địa bàn huyện Sơn Tây để mua hàng hóa phục vụ việc buôn bán của mình, với các mặt hàng chủ yếu như: Bia, gạo, mì tôm và nhiều loại hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết khác. Nhiều hộ gia đình đã bỏ tiền ra đầu tư mua một chiếc ghe để vận chuyển hàng hóa của mình và có thể chở thêm khách qua lại.

Anh Đinh Văn Đường - người buôn bán tại xã Đăk Nên cho biết: “Đi bằng đường này gần hơn, dễ dàng hơn, ít tốn kém hơn. Hàng hóa ở trung tâm huyện Sơn Tây cũng đa dạng và phong phú không kém ở trung tâm huyện Kon PLông. Mua ghe về để chở hàng cho mình, vừa phục vụ khách qua lại hai xã Sơn Dung – Đăk Nên, kiếm thêm thu nhập”. Chi phí cho một chuyến đi và về tuy có hơi cao, nhưng cũng dễ dàng thỏa thuận. Bình quân 70.000đồng - 75.000 đồng/người/lượt, nếu có thêm phương tiện xe máy thì  từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/lượt. Nhiều thương lái ở khắp nơi cũng đã đầu tư mua ghe, xuồng để thực hiện việc thu mua keo, quế… của người dân tại khu vực ven hồ. Có hộ đã đầu tư gần 50 triệu đồng để đóng mới, mua lại các loại phương tiện đường thủy có công suất nhỏ để hoạt động.

Theo một số người dân dựng lều trại hoạt động tại khu vực này thì mỗi ngày có đến hàng trăm chuyến đò qua lại chở khách và hàng hóa qua hồ. Những chiếc xe “chợ di động” cũng qua đò đến xã Đăk Nên để bán hàng. Việc qua lại, giao thương trao đổi, mua bán của người dân đã làm nhộn nhịp cả khu vực lòng hồ thủy điện Đăkđrinh.  

Theo thống kê của Công an xã Sơn Dung (Sơn Tây) và Công an xã Đăk Nên (Kon PLông), đến thời điểm này đã có hơn 20 chiếc ghe, xuồng hoạt động trên khu vực lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. Tuy nhiên, cái lợi thường đi kèm với nhiều rủi ro. Nhiều chủ phương tiện trên hầu hết là chưa qua đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện đường thủy; nhiều phương tiện được mua lại từ các ngư dân ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi nên chất lượng đã bị xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo để lưu hành; nhiều ghe chưa trang bị áo phao, theo quy định.

Vận tải keo qua lòng hồ
Vận tải keo qua lòng hồ


Để kịp thời can thiệp và từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy trên khu vực này, chính quyền xã Sơn Dung đã chỉ đạo Công an xã phối hợp với Công an xã Đăk Nên tổ chức cuộc họp với các chủ phương tiện ghe, xuồng tại khu vực lòng hồ để quán triệt các nội dung và ký cam kết hoạt động. Anh Đinh Văn Sang – Công an huyện Sơn Tây, phụ trách địa bàn xã Sơn Dung cho biết: “Qua cuộc họp các chủ phương tiện ghe, xuồng vừa qua, chúng tôi vận động các chủ phương tiện khai rõ các thông tin sở hữu phương tiện và thực hiện ký cam kết hoạt động, đảm bảo trật tự giao thông đường thủy, đồng thời phổ biến Luật Giao thông đường thủy, bắt buộc mỗi phương tiện phải có đồ bảo hộ đúng quy định”.

Tuyến đường thủy này chỉ mới bắt đầu hoạt động vài tháng nay, cho đến thời điểm này hoạt động trao đổi, mua bán của người dân diễn ra tương đối thuận lợi, chưa xảy ra sự việc gì nghiêm trọng, an ninh trật tự tạm thời được đảm bảo. Tuy nhiên, nhiều phương tiện chưa đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định, nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Do đó rất cần sự quan tâm quản lý của địa phương và ngành chức năng.


Bài, ảnh: Thiên Bảo

 


.