Chống lũ từ mùa hè

04:12, 13/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù là vùng rốn lũ, nhưng xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), chỉ bị thiệt hại về tài sản, còn con người thì an toàn. Vậy đâu là kinh nghiệm của người dân nơi đây…

TIN LIÊN QUAN

Là vùng bốn bề núi rừng vây quanh nên “thung lũng” Hành Tín Tây thường xuyên “gánh” những trận lụt kinh hoàng. Trước tình hình đó, ngoài việc các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ thì người dân ở đây cũng ý thức không kém. “Mình chủ động trong phòng và chống thì mới giữ được tài sản và quan trọng là tính mạng của chính mình. Đó là trách nhiệm, ý thức của bản thân mỗi người thôi. Không ai có thể cứu mình lúc nguy kịch cả nên không được chủ quan”, anh Nguyễn Trọng Thanh, thôn Phú Khương nói.

 

Nhờ có ghe và can nhựa mà các thanh niên ở thôn Phú Khương đã cứu sống hàng chục người dân bị nước lũ cô lập.
Nhờ có ghe và can nhựa mà các thanh niên ở thôn Phú Khương đã cứu sống hàng chục người dân bị nước lũ cô lập.


Khi mùa mưa bắt đầu cũng là lúc người dân ở đây đã chủ động đối phó với “thủy thần” bằng cách đưa lương thực đến gửi ở những nơi cao ráo. “Đề phòng lũ về bất ngờ nên sau khi thu hoạch lúa, mình mang đến gửi nhà người thân ở nơi cao ráo. Trận lũ vừa rồi có gây thiệt hại cho gia đình nhiều thứ, nhưng lúa thì không ướt, nên không sợ đói”, anh Cao Văn Hiệp, thôn Tân Phú 1 cho biết. Bên cạnh đó, để đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc, ngay sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu, nhiều người dân đã đem rạ khô đến những gò đất cao chất thành từng cây.

Những ngày qua, hàng nghìn người dân vùng rốn lũ đang tất tả dọn dẹp nhà cửa, sân vườn. Ai nấy đều phờ phạc và đắng lòng vì tài sản bao năm tích cóp đã trôi theo “thủy thần”. Thế nhưng điều khiến người dân vui mừng là địa phương không có gia đình nào mất người thân trong cơn lũ dữ. Theo người dân nơi đây, phao cứu sinh đặc biệt của mỗi gia đình nơi đây trong mùa mưa lũ là chiếc can nhựa. Nó đã trở thành vật bất ly thân của mỗi cá nhân khi có lũ về.

 Tác giả của phao cứu sinh “độc quyền” này là ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây. Nói về chiếc can nhựa, ông Tâm cười bảo, chỉ vì nghèo quá nên mới nghĩ ra cách này thôi. “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, từng chứng kiến hình ảnh nhiều người dân chết vì bị nước lũ cuốn trôi mà lẽ ra nếu có phao cứu sinh thì họ không phải chết. Nhiều lúc nghĩ đến chuyện mua phao tròn, áo phao thì đắt quá nên chỉ có can nhựa là rẻ nhất mà tác dụng cũng hữu hiệu không kém”, ông Tâm nói.

Đó là vào mùa mưa năm 2000, trong lúc địa phương đang bàn phương án cứu trợ lũ lụt, nhiều ý kiến đề xuất về việc mua áo phao, phao tròn, ai cũng gật đầu đồng ý, nhưng khi cử người đi hỏi giá thì mỗi cái lên đến hơn 100.000 đồng. Quá đắt nên không thể mua được. “Tôi băn khoăn mãi mới sực nhớ đến thời niên thiếu có một lần bắt gặp một người đàn ông ôm cái can nhựa bơi trên sông Vệ nên tôi nghĩ ngay sao không lấy can nhựa làm phao cứu sinh. Cái này vừa rẻ mà công dụng cũng đâu thua gì áo phao. Không ngờ với suy nghĩ đơn giản của tôi mà khiến ai nấy đều nhất trí. Chỉ mấy ngày sau, hàng trăm người dân trong xã ai cũng có can nhựa trong nhà hết”, ông Tâm kể.

Ngoài ra, hệ thống loa truyền thanh cũng luôn trong tư thế sẵn sàng, nên khi có lũ về là liên tục thông báo để người dân chủ động ứng phó. “Việc đầu tiên là di dời người già, trẻ em, người tàn tật đến nơi cao ráo. Thanh niên và người lớn ở lại di dời vật dụng cần thiết. Nhưng nếu một khi nước lên nhanh thì phương châm hàng đầu vẫn là bảo vệ tính mạng, nên người dân sẵn sàng bỏ tài sản để chạy, vì ai cũng quan niệm “người còn của còn”. Mình còn sống thì làm ra tài sản, chứ giữ được tài sản mà lũ dữ cuốn trôi thì giữ làm gì. Nên dù là vùng rốn lũ, nhưng ít bao giờ địa phương thiệt hại về người lắm”, ông Nguyễn Văn Như - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

Bên cạnh đó, tình làng nghĩa xóm ở đây cũng rất bền chặt. Nhiều gia đình ở những nơi cao ráo luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận bà con vùng trũng thấp lên trú lũ và chăm lo cơm nước rất nhiệt tình, nên dù có chạy lũ không mang theo lương thực thì người dân cũng không sợ đói.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.