Nỗi niềm vượt biển làm từ thiện

10:11, 01/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 24.10, đoàn cán bộ của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đã trao 20 suất quà cho người nghèo Lý Sơn (mỗi suất trị giá khoảng 500.000 đồng); trao tặng 200 triệu đồng và một số phần quà gồm quần áo, thịt hộp, mì tôm thông qua Uỷ ban MTTQVN huyện giúp bà con Lý Sơn khắc phục hậu quả bão số 11; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 500 trẻ em Lý Sơn, tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.

TIN LIÊN QUAN

Sáng 24.10, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng I đã ra đảo Lý Sơn thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. 6 giờ sáng, đoàn bắt đầu khởi hành từ TP. Quảng Ngãi đi cảng Sa Kỳ. Ai cũng vội vàng, khẩn trương vì trưởng đoàn thông báo: 7 giờ tàu Sa Kỳ - Lý Sơn rời bến. Vì mới phải trải qua một chặng đường dài hơn 800 cây số từ TP.HCM-Quảng Ngãi, những người bạn Sài Gòn còn không ít mệt mỏi nhưng nghe ra đảo Lý Sơn ai cũng háo hức mong chờ.

 

Tặng quà cho người nghèo Lý Sơn.
Tặng quà cho người nghèo Lý Sơn.


Đến cảng, nhân viên cảng Sa Kỳ lại thông báo: “Hôm nay tàu lớn nên không vội vàng gì. Tàu nhỏ 7 giờ xuất bến, còn tàu lớn phải 8 giờ hơn”. Bác sĩ Tuấn nhìn đồng hồ nhẩm tính: Ồ, phải đợi 1,5 tiếng đồng hồ nữa! Không có chỗ ngồi chờ. Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Mọi người dạt đi tìm chỗ núp. Anh Lê Tùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty, trưởng đoàn công tác từ thiện hỏi anh nhân viên cảng:  Tàu chạy ở đây không chạy theo lịch à? Anh nhân viên chỉ mỉm cười rồi lắc đầu.

Cuối cùng thì cũng đến giờ tàu xuất bến. Một trục trặc nữa lại xảy ra. Thuyền trưởng tàu khách An Vĩnh được lệnh “cấp trên” phải tham gia lái tàu đi cứu nạn vì có hai tàu đâm nhau bị chìm cách cảng Sa Kỳ khoảng 6 hải lý. Anh thuyền trưởng rời buồng lái, nhảy phắt sang tàu đi cứu hộ. Khi tàu cứu hộ rời cảng đã xa, hành khách mới nhận được thông báo vắn: “Mời hành khách lên bờ, vì thuyền trưởng đã lái tàu đi cứu nạn”.  “Thế tàu cứu nạn kia không có thuyền trưởng à? – Trưởng đoàn từ thiện Lê Tùng lại hỏi anh nhân viên cảng. Anh này bảo: Có chứ! Nhưng sao họ lại điều thuyền trưởng của tàu khách đi? “Ồ cái này thì tôi không có quyền phát ngôn!”, anh nhân viên cảng nói.

Cả tàu gần 200 hành khách đành nằm lại trên tàu, sóng xô dồn dập, tàu lắc lư liên hồi, nhiều người đã lăn ra vì say sóng. Những cuộc điện thoại giữa hai đầu cầu: Sa Kỳ - Lý Sơn liên hồi. Người chờ tàu chạy – người đợi tàu ra đảo. 10 giờ kém 15 phút, thuyền trưởng sau khi lái tàu đi cứu hộ không thành công mới trở về tàu khách và bắt đầu nổ máy. Khoảng 11 giờ trưa tàu mới tới đảo. Chậm hơn tính toán của đoàn đến 3 tiếng đồng hồ.

Cách bố trí công việc thiếu khoa học, phân công phân nhiệm không rạch ròi của các đơn vị phối hợp đã kéo dài thời gian chờ đợi của đoàn công tác từ thiện ngày hôm ấy. Xuống cảng Lý Sơn, lên xe để về điểm tập kết cũng hết gần một tiếng. 12 giờ trưa, đoàn chia ra làm hai “tuyến”: Bác sĩ khám bệnh; Tổng Công ty đi trao quà.

Tại xã An Hải, 7 cụ già đã chờ đợi từ 8 giờ sáng. Trưởng đoàn Lê Tùng xin lỗi vì để các cụ chờ lâu do tàu trục trặc. Quà nhanh chóng được trao tận tay các cụ.  Sau đó đoàn  lại lên xe di chuyển về xã An Vĩnh tiếp tục thăm, tặng quà.

Tại Bệnh viện dân quân y kết hợp Lý Sơn, đoàn bác sĩ đang khám bệnh. Mưa, đông người, chỗ ngồi chờ chật hẹp, không có lối chen chân. Các bác sĩ có người còn say tàu, mặt xanh mét nhưng vẫn cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình. Chị Dương Thị Thắm dẫn con trai Nguyễn Văn Tín đi khám bệnh nói: “Tội nghiệp các bác sĩ, lẽ ra đến đảo sớm hơn thì họ đã có thời gian nghỉ ngơi chút đỉnh cho đỡ mệt”. Sự thông cảm từ phía người dân là động lực để các bác sĩ vượt qua cơn đói và  say tàu.

Bác sĩ Tuấn - Bệnh viện Nhi Đồng I chưa kịp ăn sáng xin nước chế mì tôm. Thế nhưng ở bệnh viện này không có căng tin cũng không có cả nước sôi. Gần 2 giờ chiều, đoàn bác sĩ phải tạm dừng khám bệnh để di chuyển đến quán cơm cách bệnh viện khoảng 3 cây số để ăn trưa. 3 giờ các bác sĩ quay trở lại bàn khám. Họ ước ao giá mà có bát mì tôm hoặc cơm hộp ngay tại nơi khám bệnh thì họ đã không mất thời gian, không phải để bệnh nhân chờ thêm nữa…

Cuối ngày, khi đã hoàn thành công tác từ thiện, tàu khách chở đoàn rời đảo. Mưa chiều làm cho đêm đến nhanh hơn mọi khi. Biển đen ngòm, sóng dữ chồm lên. Tàu đến cảng Sa Kỳ chậm hơn mọi ngày. Các cán bộ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn lại vội lên xe ra Quảng Nam để kịp chuyến bay đêm. Chia tay họ, tôi nghe lòng trĩu nặng những câu nói “giá mà”. Câu nói ấy chúng tôi đã được nghe nhiều trong những lần từ thiện khác.


Bài, ảnh: Thanh Nhị
 


.