Người dân gượng dậy sau lũ

10:11, 17/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Những ngày này, người dân ở vùng lũ huyện Tư Nghĩa đang phải gắng gượng vượt qua thời điểm khó khăn. Làng mạc, đường sá vẫn còn ngập trong nước. Tài sản bị ngâm nước hư hỏng nằm la liệt. Tan thương bao trùm lên những ngôi nhà bị mất người thân.

TIN LIÊN QUAN

Chiều 17.11, trở lại xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa), nhìn những khuôn mặt hốc hác, thất thần vì mất ngủ, mệt mỏi rã rời vì dầm mình trong lũ dữ, chúng tôi cảm nhận họ đã phải cực khổ, chống chọi mấy ngày qua với tử thần như thế nào.
 
Nhiều người dân tranh thủ nước rút đến đâu tiến hành lau dọn, dội rửa đồ đạc đến đó. Trên các con đường, xác súc vật trôi nổi. Nhiều đồ đạc trong nhà của người dân bị ngâm nước đã hư hỏng. Những ruộng rau, ruộng hoa mới vài ngày trước còn xanh mượt nay lấm lem bùn đất và bắt đầu héo úa. 
 
 
Tranh thủ trời nắng ráo, chị Vào đổ bắp ra phơi.
Tranh thủ trời nắng ráo, chị Vào đổ bắp ra phơi.

 

Tranh thủ trời nắng ráo, chị Nguyễn Thị Vào ở thôn Thanh Khiết mang 5 tạ bắp bị ướt ra phơi. Dù trận lũ lịch sử đã qua 2 ngày, nhưng chị vẫn chưa hết bàng hoàng. Vẻ mặt phờ phạc, chị Vào kể: 3 giờ chiều lũ mon men đến đầu sân. Chỉ vài phút lũ đã lên phần vách nhà. Thấy dòng nước đục ngầu, ào ào đổ vào nhà lúc đó, tôi nghĩ chỉ còn chờ chết thì may mắn có xuồng cứu hộ đến cứu 4 đứa nhỏ, còn hai vợ chồng tôi trèo lên cây rơm ngồi. Cũng may cây rơm không trôi chứ không giờ cũng chẳng biết tính mạng mình ra sao? Chỉ một đêm, “thủy thần” đã cướp mất của gia đình chị Vào toàn bộ lợn, vịt gà. 

Ở cùng thôn, cụ Nguyễn Thị Năm (84 tuổi) cho hay, cả đời cụ chưa bao giờ thấy trận lũ khủng khiếp như vậy. Lúc đầu cụ được con trai kê cái ghế lên trên cái gường cho cụ ngồi tưởng là lũ sẽ không với tới. Ai ngờ càng lúc nước càng lớn, nếu không được lực lượng cứu hộ đưa lên ghe đón lên núi Vàng thì cụ đã bỏ mạng rồi.
 
Lũ dữ đi qua, căn nhà vách đất của cụ Năm chỉ còn trơ trọi mành tre, vách đất đã trôi theo dòng lũ dữ. Nhiều mảng tường lớn bị lũ cuốn sập. Cỏ rác cuốn theo lũ vướng đầy trên nền nhà. Lũ dữ còn để lại trong nhà, sân, vườn của cụ Năm khối bùn đất khổng lồ, đặc quánh.
 

 

Người dân vất vả khi xử lý lớp bùn đất đặc quánh.
Người dân vất vả khi xử lý lớp bùn đất đặc quánh.

 

Là vùng rốn lũ, nằm sát con sông Trà, Nghĩa Hà là nơi ngập sâu nhất của huyện Tư Nghĩa. Lũ về bất ngờ và lên quá nhanh, nhiều gia đình ở xã Nghĩa Hà chỉ kịp đưa trẻ con, người già ra đường vẫy tay cầu cứu lực lượng cứu hộ. Trong vòng vài giờ, lúa gạo, ngô, tài sản… bị nhấn chìm, trâu bò, lợn gà bị trôi, tài sản đều theo dòng lũ ngầu đục.
 
Về xã Nghĩa Hà, chúng tôi được chứng kiến nhiều cảnh tượng cảm động khi ba mẹ đi làm ăn xa, lũ lên bọn trẻ cô độc chống chọi với “thủy thần”. Mặc cho mọi thứ còn ngổn ngang sau lũ, em Mai Thị Cẩm Ly, học sinh lớp 9, Trường THCS Nghĩa Hà cẩn thận lần mò dưới đống bùn lầy với hy vọng tìm được sách vở. 
 
Nhà ở vùng rốn lũ, ba mẹ lại vào Sài Gòn làm thuê, bốn chị em chưa kịp chuyển đồ đạc lên cao thì nước bất ngờ ào ào ập tới. Chưa đầy 5 phút sau, chị gái Ly quay lại nói với các em "nước ở đâu ra mà dâng nhanh lắm em ơi". Nói rồi bốn chị em chỉ kịp bỏ của chạy lấy người. Nước rút, các em trở về thấy một phần nhà bếp bị đổ sập, bãi bùn đặc quánh hòa lẫn với gạo, áo quần, nồi niêu, sách vở, giày dép, xoong nồi, chén đĩa…

 

Ông Mai Văn Thiệt xót xa vì hũ gạo trộn chung với bùn đất.
Ông Mai Văn Thiệt xót xa vì hũ gạo trộn chung với bùn đất.

 

Mấy đứa vội vã xách từng thúng nước lau rửa đồ đạc, nhưng không thể cứu nổi đống sách vở đã nát nhừ dưới bùn. Tay trắng sau một đêm lũ lớn, đến cả chiếc nồi cũng không còn để mấy chị em Ly nấu cơm đành ăn mì tôm sống. Nhặt nhạnh những trái đu đủ còn vương lại quanh vườn, mếu máo vì tiếc của, ông nội của Ly không biết làm gì trước rổ đu đủ lấm lem bùn đất. “Cái đói, cái khổ của người lớn chúng tôi chịu được, còn sách vở hư hết, biết làm sao để chúng nó đi học?”- ông Mai Văn Thiệt rơm rớm nước mắt.
 
Lũ quét qua đã khiến nhiều gia đình thiệt hại quá sức chịu đựng, nhưng không có gì đau buồn hơn gia đình rơi vào cảnh tang thương.
 
Sau khi nước lũ rút, tang thương bao trùm lên gia đình em Võ Văn Hợp (11 tuổi) ở thôn Bình Tây. Khóc nức nở trước thi hài con, anh Võ Văn Nam, bố của Hợp nói: “Lũ rút rồi, lúc đó tôi quá mệt mỏi vì cả ngày lẫn đêm dầm trong nước lũ nên bảo chúng nó lên gác ngủ tí rồi ba dậy dọn nhà cửa. Ai ngờ, tôi mới thiu thiu ngủ được 15 phút thì hàng xóm hớt hải chạy báo tin con mày chết rồi Nam ơi”.
 
Khi tìm thấy xác con, anh chỉ biết khóc chứ không nói được một lời. Đứng bên linh cữu con, nước mắt anh, vợ và các con anh cứ trào ra trong đau đớn đến tận cùng. Không ngờ chỉ trong phút chốc mà anh Nam đã mất con vĩnh viễn.

 

Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa đến viếng và trao tiền hỗ trợ cho gia đình em Võ Văn Hợp.
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa đến viếng và trao tiền hỗ trợ cho gia đình em Võ Văn Hợp.

 

Ngay sau khi nước rút, huyện Tư Nghĩa cùng các xã đã cử người và thuyền cứu hộ đi phát mỳ tôm, nước uống cho các hộ dân. Ngày hôm nay, lãnh đạo huyện cũng đã đến thăm viếng và trao tiền hỗ trợ cho các gia đình có người chết trong lũ. 
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều

.