Ngổn ngang sau cơn lũ lịch sử

05:11, 16/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)-Cơn lũ lịch sử đi qua, nhà cửa, làng xóm trở nên tiêu điều. Ngay sau khi nước rút, người dân đang khẩn trương dọn dẹp vệ sinh. Nguy cơ dịch bệnh, nguồn nước bị ô nhiễm, đường sá, nhà cửa ngổn ngang bùn đất, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

 Xóm làng ngập trong bùn đất
 
Khi nước lũ rút, về các xã Tịnh Long, Tịnh An... (Sơn Tịnh), khắp các con đường vào thôn xóm đều ngập trong bùn đất. Những ruộng hoa màu bị lũ xô đổ không còn sự sống. Người dân mệt mỏi, ủ rũ sau đêm trắng chạy lũ lại đang vất vả để dọn dẹp lại đồ đạc ngập ngụa  trong bùn đất. 
 
Sáng 16.11, chúng tôi tiếp cận ốc đảo Ân Phú xã Tịnh An (Sơn Tịnh) nơi có hàng trăm căn nhà bị dòng nước lũ nhấn chìm, ngổn ngang bùn đất. Bì bõm trong trong bùn dọn dẹp đồ đạc, ông Đặng Thứ (54 tuổi) ở xóm Tân Lập, thôn Ân Phú cho biết: Nước lũ ào lên nhanh quá bà con chỉ kịp chạy lũ, toàn bộ tài sản cũng đành phó mặc. 

 

Những ngôi nhà ở ốc đảo Ân Phú ngập ngụa bùn sau lũ
Những ngôi nhà ở ốc đảo Ân Phú ngập ngụa bùn sau lũ
 
Trong ký ức của nhiều người dân tại đây, cơn lũ năm nay sẽ là cơn lũ kinh hoàng nhất từ trước đến nay. “Tui sống đã 54 tuổi rồi mà chưa thấy trận lũ nào nước khiếp như thế này. Năm 1999, cao lắm cũng chỉ tầm mức 1 mét chứ đâu có cao như thế này” - ông Thứ bàng hoàng kể lại.
 
Nước lũ lên quá nhanh khiến nhiều hộ dân ốc đảo Ân Phú dù đã quen "sống chung với lũ", cũng không kịp trở tay.  Nhiều đồ dùng, bàn ghế, quần áo, chăn màn cũng bị vùi dưới những lớp bùn vàng bóng... ngổn ngang, vương vãi khắp nhà.
 
Ông Bùi Tỏi- Trưởng thôn Ân Phú cho hay: Cả thôn Ân Phú có gần 400 hộ dân, nước lũ rút đi, toàn bộ các nhà đều bị bùn đất ngập trong nhà. Người dân ở đây giờ đang phải vất vả lau dọn nhà cửa, chùi rửa các vật dụng và quét dọn bùn, rác. Nước lũ rút, nhưng hiện tại đời sống của người dân tại đây vẫn rất khó khăn nhất là lương thực và nguồn nước. Phần lớn giếng ăn các hộ dân vẫn còn đục do bùn đất lấp, chưa thể sử dụng.
 
Bùn đất
Bùn đất "tấn công" hàng trăm nhà dân
 
Cùng với người dân Tịnh An, thì nhiều người dân Tịnh Long và nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Sơn Tịnh cũng đang rất đau đầu vì sự "tấn công" của "lũ bùn". 
 
Ánh mắt buồn rầu, ông Trần Văn Sương ở xã Tịnh Long than thở: Gia đình có 3 đứa con nhỏ nên trong đêm lũ về anh chỉ kịp bế con chạy lên gác xếp để bảo toàn tính mạng. Xe máy, tivi, tủ kệ… đều ngâm nước hết cả. 
 
Sau lũ căn nhà của anh bị phủ bởi một lớp bùn non nhão nhoét sau trận lũ. Lẫn lộn trong bùn đất là  chăn, màn và những bộ quần áo vẫn còn quện chặt một lớp bùn màu vàng quạch. 
 
Hì hụi xối nước rửa nền nhà ngập ngụa bùn, anh Sương chia sẻ: Quần áo và sách vở của con giờ  đều dính bùn, hư hỏng hết. Không biết sắp tới lấy tiền đâu để sắm sửa lại. 
 
Không riêng gì anh Sương mà nhiều hộ dân khác bị nước lũ tấn công cũng đang gập rất nhiều khó khăn. Người dân đang gượng dậy, khắc phục hậu quả. Những chuyến hàng cứu trợ, những thùng mỳ tôm, nước sạch… từ sự chung tay của cộng đồng đang tiếp tục đến với người dân để họ vượt qua những khó khăn, xây dựng lại cuộc sống mới.
 
Người dân tranh thủ dọn nhà khi nước lũ còn lấp xấp
Tranh thủ dọn nhà khi nước lũ còn lấp xấp

Thiệt hại nặng nề
 
Tính đến 15 giờ chiều nay, ở huyện Sơn Tịnh có 1 người chết đó là anh Lâm Quang Vinh, 38 tuổi ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà. Anh Vinh bị lũ cuốn vì đi cắt cỏ trong lúc lũ lên quá nhanh nên không kịp về nhà.
 
Ngoài ra, huyện Sơn Tịnh còn có 6 người bị thương, 10 ngôi nhà đổ sập, sạt vách, hơn 6.500 gia súc, gia cầm chết, hơn 20ha rau màu bị ngập úng… Ước thiệt hại gần 4 tỷ đồng.
 
Trả lời phóng viên Báo Quảng Ngãi vào chiều 16.11, ông Bùi Bình- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết, những người dân bị thương nói trên chủ yếu là do bị trượt ngã, rơi té khi tránh lũ và dọn dẹp sau lũ.

 

Bùn đất
Bùn đất ngổn ngang trên các tuyến đường.
 
 
Tại huyện Tư Nghĩa bị thiệt hại về người và tài sản rất lớn. Cháu Võ Văn Hợp, 11 tuổi ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà chết đuối vì bị trượt chân xuống nước và ông Tô Tỵ, 61 tuổi ở thôn Là Hà 3 bị chết vì trượt chân trên đường đi. Tại địa điểm đối diện cổng C19 thuộc địa phận xã Nghĩa Thương, người dân phát hiện 2 người chết, nhưng chưa xác định được danh tính.
 
Toàn huyện Tư Nghĩa có tới 30.750 gia súc, gia cầm bị chết, trong đó có 3.250 con bò, 7.500 con lợn và 15.000 con vịt bị trôi, 1 thuyền bị cuốn trôi, 35km hệ thống giao thông bị sạt lở nghiêm trọng…
 
Chiều 16.11, chúng tôi trở lại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), những vật dụng, những lớp bùn dày lên đến 20 cm, trụ điện ngã… ngổn ngang, vương vãi khắp nơi. 
 
Nhiều nhà dân tại “rốn lũ” thôn Ngân Giang từ chiều qua đã bị ngập sâu, có nơi sâu hơn 2m, khiến nhiều tài sản, lợn gà, vịt của bà con bị lũ cuốn trôi. Thấy nước lũ lên quá nhanh, hai vợ chồng anh Vương Văn Thạch sang nhà hàng xóm tránh lũ, đến sáng nay khi về nhà, nhiều vật dụng sinh hoạt, đàn gà, vịt đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. 
 
Nhìn thấy cảnh tượng tan hoang sau cơn lũ dữ vừa quét qua, anh Nguyễn Quang Thân ở thôn Thọ Lộc Bắc, xã Tịnh Hà vẫn chưa hết bàng hoàng: “Từ xưa tới giờ tôi chưa thấy cơn lũ quét nào kinh hoàng như thế. Nước lũ lên nhanh quá, lại vào ban đêm nên trở tay không kịp. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ nước đã lên đến hai phần vách nhà. Tôi và vợ con chỉ kịp chạy tránh lũ còn tài sản đều ngâm nước hết cả”.
 

 

Đến thời điểm này, Tỉnh Lộ 623 đoạn qua xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vẫn chưa thông tuyến.
Đến thời điểm này, Tỉnh Lộ 623 đoạn qua xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vẫn chưa thông tuyến.
 
Đến thời điểm này, thị trấn Sơn Tịnh vẫn còn ngập nước. Con đường vào thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông và Tỉnh lộ 623 đoạn qua xã Tịnh Hà vẫn bị cô lập.
 
Nước lũ chia cắt đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Công tác khắc phục hậu quả lũ diễn ra hết sức khẩn trương. Người dân các địa phương đã phải rất vất vả để rửa sạch bùn đất bám quanh nhà và đồ đạc trong nhà. Khó khăn lớn nhất hiện nay là điện bị cắt hoàn toàn, nguồn nước rửa không đủ, vì vậy công tác khắc phục sẽ phải kéo dài trong nhiều ngày tới.
 
 
 
 
Bảo Ngọc - Ái Kiều
 

.