Lá lành đùm lá rách

10:11, 24/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Thiên tai đã qua, nhưng hậu quả mà nó để lại cho người dân là vô cùng to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong những ngày gian khó này, tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc ta đang được phát huy cao độ.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày qua, bão lũ đã để lại những hậu quả nặng nề về người và của cho dải đất miền Trung nói chung và người dân tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Chúng tôi đã có dịp theo chân Đoàn cứu trợ của tăng ni, phật tử, đạo hữu của chùa Nam Lộ (TP. Quảng Ngãi) và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh lên đường đến với người dân vùng lũ ở các địa phương trong tỉnh. 
 
Để có chuyến quà đầy ý nghĩa này, Ban Trị sự chùa Nam Lộ đã kêu gọi các tăng ni, phật tử, gia đình đạo hữu đóng góp. Người có tiền thì ủng hộ tiền, người bán gạo thì ủng hộ gạo, người bán mắm thì ủng hộ mắm, người có mì tôm thì ủng hộ mì tôm, người bán quần áo thì ủng hộ quần áo… Tất cả những gì quyên góp được họ đã chia đều thành 330 phần quà cùng với quần áo được họ mang đến và trao tận tay cho người dân vùng lũ của huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức.

 

Tăng ni, phật tự, đạo hữu Chùa Nam Lộ và cán bộ Hội LHPN tỉnh trao quà cứu trợ cho bà con.
Tăng ni, phật tử, đạo hữu chùa Nam Lộ và cán bộ Hội LHPN tỉnh trao quà cứu trợ cho bà con.

 

Ngồi trên chiếc xe chở những phần quà nghĩa tình, sư Vân chia sẻ với chúng tôi, nhiều đêm sư không thể ngủ được bởi vì bị ám ảnh trước hình ảnh một gia đình cử hành đám tang trong mưa, người dân dở ngói chui lên nóc nhà vẫy tay kêu cứu, rồi các em nhỏ khóc nức nở vì sách vở vùi trong bùn đất. Sư Vân nói “Chao ôi. Tội ơi là tội”. 
 
Chính những hình ảnh ấy đã thôi thúc các tăng ni, phật tử, đạo hữu của chùa Nam Lộ đến để san sẻ nỗi đau, mất mát với bà con. Trong hành trình tiếp sức cho người dân vùng lũ, có hai nơi mà lòng tôi day dứt khôn nguôi, đó là xã Hành Thiện và Hành Tín Tây (Nghĩa Hành). Nơi đây là một xã thuần nông, gần như bà con không còn gì khi trận lụt lịch sử đi qua. 
 
Tài sản, vật nuôi trôi theo dòng lũ dữ, vườn tược, đường sá vẫn còn ngập trong lớp bùn dày cộm, tường nhà còn loang lổ những ngấn bùn đất của trận lụt kinh hoàng. Bộ đội cùng bà con đang oằn mình khắc phục hậu quả, phong cảnh làng quê thật tiêu đìu. 
 
Bà con đang rất thiếu lương thực, thiếu nước uống, thuốc men, quần áo… Bởi thế, được báo tin 15 giờ đoàn cứu trợ sẽ đến, nhưng mới 13 giờ bà con đã tập trung tề tựu đông đủ tại ủy ban nhân dân xã. Những gương mặt nông dân nghèo ấy toát lên một vẻ thánh thiện. Họ chờ đợi, dẫu những gì họ nhận được không thấm tháp gì so với cái mà họ mất mát.

 

nnnn
Đã già nua nhưng nhiều cụ già vẫn nhờ cháu nội chở ra tận nơi để chờ nhận hàng cứu trợ.
 
 
Bà Nguyễn Thị Một ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện rưng rưng nước mắt: “Khổ quá các cô ơi. Tui không con không cái, ở có một mình. Đầu đuôi có con bò mẹ với con nghé con, 2 con heo xác và 10 con gà ráng nuôi chúng lớn bán gom góp làm cái nhà, giờ trôi sạch trơn. Hai mùa góp được 10 bao gạo cũng trôi luôn. Nhà thì vách rã hết”.
 
Cái lưng còng vì đã chất đầy gánh nặng của một đời lao nhọc, cụ Nguyễn Thị Tạo ở xã Hành Tín Đông vẫn nhờ cháu nội chở ra tận nơi để chờ nhận hàng cứu trợ. Đôi mắt mờ đục ngân ngấn, đôi tay run run bởi đời cụ hẳn chưa bao giờ có được những giây phút cảm động thế này. “Vậy là có cái ăn rồi.”- cụ Tạo thốt lên, ánh mắt ngập tràn niềm hy vọng, rồi bà vui vẻ đưa tay vuốt lọn tóc đã bạc phơ, vừa cười vừa nói.
 
Phần quà họ nhận được so với những gì họ mất đi như là muối bỏ biển, nhưng quý giá đến nhường nào bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bởi tinh thần tương thân “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp bao đời của dân tộc ta.

 

Hàng cứu trợ không chỉ là gạo, mì tôm, nước uống mà cả quần áo.
Hàng cứu trợ không chỉ là gạo, mì tôm, nước uống mà cả quần áo.
 
 
Đến với bà con vùng lũ, tôi còn được nghe những câu chuyện về tình người, tinh thần tương thân, tương ái trong cơn lũ dữ rất cảm động. Ấy là bộ quần áo, hạt gạo nghĩa tình mà người dân vùng cao, vùng ngập nhẹ chia sẻ đến đồng bào những nơi ngập nặng.
 
Chị Nguyễn Thị Ninh ở thôn Kỳ Thọ Bắc (Hành Đức) xúc động kể: “Quần áo, chăn màn, đồ đạc trôi hết, tui chỉ còn có mỗi bộ đồ trong người. Cũng may cháu hàng xóm không trôi quần áo nên cho tui một bộ. Bà già đành chịu mặt bộ đồ hoa hòe của con gái. Trong hoạn nạn mới thấu tình người”.
 
Trận lũ vừa qua đã gây biết bao thiệt hại nặng nề cả về người và của cho đồng bào miền Trung ruột thịt. Ở vùng đất luôn phải chịu những thiệt thòi do thiên tai gây ra, họ phải kiên cường gồng mình chống chọi với mọi hoàn cảnh khắc nghiệt. 
 
Với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nhân dân cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt với mong muốn góp sức người, sức của để giúp các gia đình bị nạn sớm vượt qua đau thương, ổn định cuộc sống.
 
Chia tay đồng bào vùng lũ, tôi nhớ đến hình ảnh bà con cẩn thận cột bao gạo sau xe đạp, chở về trong cơn mưa, những đôi tay run rẩy, không còn nguyên vẹn vì trầy sướt, chai sần đưa ra nhận hàng cứu trợ, ánh mắt ngời sáng niềm tin trên gương mặt cụ già khắc khổ. Nhân dân vùng lũ đang cần lắm những tấm lòng, những cánh tay đưa ra để cùng chia sẻ đau thương mất mát.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.