“Ốc đảo” Đông Yên 3 bí lối qua sông

07:10, 11/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 1.400 khẩu ở thôn Đông Yên 3 (Bình Dương, Bình Sơn) đang có nguy cơ bị cô lập hoàn toàn trong mùa mưa bão. Không có cầu qua sông, phương tiện duy nhất vượt sông thì đã bị đình chỉ do không đủ tiêu chuẩn an toàn, hàng ngàn người dân và học sinh nơi đây đang trăn trở tìm lối vượt sông.


Nguy cơ bị cô lập hoàn toàn

Toàn thôn Đông Yên 3 có hơn 1.400 khẩu. Trong đó có gần 300 em đang ở độ tuổi đến trường. Thôn ngăn cách với trung tâm xã Bình Dương và trường học bởi đoạn sông Trà Bồng có bề rộng 220m. Vì thế việc đi lại, học tập của người dân Đông Yên 3 là cả một hành trình gian nan.

Mùa nắng, chiếc cầu tre nối đôi bờ là con đường độc đạo để người dân Đông Yên 3 rời khỏi “ốc đảo”. Chiếc cầu tre có bề ngang chỉ hơn 1m khiến việc lưu thông trở nên bất tiện, nhất là khi tối trời, họa hoằn lắm người dân mới đi qua cầu vì sợ bị ngã. Là phương tiện duy nhất vượt sông, nhưng người dân Đông Yên 3 vẫn chẳng thể gắn bó được với chiếc cầu tre quá 9 tháng. Bởi cứ  đến tầm tháng 9 hằng năm, khi mùa mưa bắt đầu, cũng là lúc người dân chua xót tự gỡ bỏ đi chiếc cầu “độc đạo” và cất vào kho bãi để bảo toàn cầu.

 

Lực lượng công an viên phải túc trực để kiểm soát số lượng và trao áo phao cho các em học sinh vào mùa lũ.
Lực lượng công an viên phải túc trực để kiểm soát số lượng và trao áo phao cho các em học sinh vào mùa lũ.


Để có thể “chiến đấu” qua mùa lũ, người dân Đông Yên 3 luôn chuẩn bị sẵn sàng về lương thực, nhất là gạo, mì tôm, nước mắm, cá khô và đèn pin. “Gần đến mùa mưa là tôi đi xay xát thật nhiều gạo rồi chuẩn bị sẵn chum cá muối phòng khi mưa lớn, không thể vượt sông để đi chợ”- Bà Hồ Thị Mình (thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương) cho biết. Không riêng gì người lớn chịu khổ mà ngay cả các em học sinh dù mới học tiểu học cũng phải tập quen dần với tình cảnh này. Đang học mà nghe nước dâng và được thông báo nghỉ học là mạnh ai nấy xắn quần, mặc áo mưa rồi tất tả chạy ra mé sông chờ đò.

Cần hỗ trợ gấp rút phương tiện vượt sông

Năm 2009, trong trận mưa bão lịch sử, bất chấp nguy hiểm, ông Phạm Đình Tuyên đã dùng chiếc xà lan sắt vẫn thường dùng vận chuyển hàng hóa để cứu 26 người bị nước sông cô lập trong cồn cát ven sông Trà Bồng. Từ đó, UBND xã Bình Dương đã hỗ trợ thêm 1 triệu đồng mỗi tháng để ông chuyên chở người dân Đông Yên 3 qua sông. Bởi theo ông Huỳnh Công Lập - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương, xà lan của ông Tuyên được làm bằng sắt nên vững chãi hơn rất nhiều so với những đò ngang không đảm bảo mà người dân vẫn thường dùng để vượt sông.

Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra ngày 17.9 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tỉnh đã lập biên bản đình chỉ hoạt động của phương tiện này. Việc đình chỉ trên là đúng với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, sau khi phương tiện của ông Tuyên bị đình chỉ thì câu hỏi về phương tiện vượt sông cho hơn 1.400 nhân khẩu thôn Đông Yên 3 và việc đến trường của gần 300 học sinh trong thôn lại chưa có câu trả lời.


Mùa mưa bão năm nay, 250 hộ dân thôn Đông Yên 3 chỉ khao khát một phương tiện lưu thông hợp chuẩn và an toàn. Còn ước mơ về một cây cầu vững chãi vượt lũ thì vẫn còn ở rất xa. Bởi tuyến sông này đã được UBND tỉnh quy hoạch là tuyến đường thủy nội địa từ Cà Đú- Sa Cần, do đó khi xây cầu phải đảm bảo khẩu độ cho tàu thuyền có thể qua lại an toàn. Mà ngân sách của địa phương thì còn nhiều hạn chế nên làm sao có thể xây được một chiếc cầu vừa đạt yêu cầu về khẩu độ vừa hợp theo nguyện vọng của người dân?


Bài, ảnh: Ý THU
 


.