Biển yên, núi động

09:10, 17/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bão tan. Mưa tạm dứt. Người dân đồng bằng, miền biển thở phào nhẹ nhõm để lo dọn dẹp, khắc phục hậu quả bão lũ. Nhưng với bà con khu vực miền núi thì dường như, nỗi lo bây giờ mới bắt đầu…

TIN LIÊN QUAN


Nông dân dọn đồng, ngư dân ra biển

Sáng sớm ngày 16.10, bãi biển Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) đã trở lại sự nhộn nhịp vốn có của mình. Chị em phụ nữ tiếp tục dọn dẹp nhà cửa. Cánh đàn ông thì gọi nhau đi lai tàu thuyền sau 2 ngày tránh bão. Ngoài bãi, hàng trăm thúng, thuyền cỡ nhỏ cũng đã được tháo dây neo để chuẩn bị cùng ngư dân ra biển. Vừa sắp xếp lưới, đồ nghề vào khoang thuyền, anh Nguyễn Văn Sáng vừa tiết lộ rằng, bão về thường mang theo nhiều cá mực, đặc biệt là ở khu vực bãi ngang. Thế nên ngay từ chiều 15.10, nhiều người đã vội vã dong thuyền đánh bắt. “Biết là nguy hiểm nhưng sống với biển mà !...”, anh Sáng nói và nổ máy. Chiếc thuyền tròng trành một lát rồi lao vút ra khơi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ dặn dò người dân tổ 8, thôn Trà Ong không về nhà khi đất còn động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ dặn dò người dân tổ 8, thôn Trà Ong không về nhà khi đất còn động.


Trong khi ngư dân Phước Thiện - chủ yếu là những người đánh bắt gần bờ rộn ràng với vụ làm ăn mới, thì nông dân thôn Thanh Thủy lại đối mặt với bắp, hành bị bão quật ngã, dập nát. Nhìn ruộng hành đã cho củ bị vùi trong cát, còn đám bắp chưa kịp kết hạt nằm bẹp trên đất, bà Nguyễn Thị Hưng  không nén được nỗi xót xa. Bà bảo, toàn bộ công sức, vốn liếng gửi vào hai đám hành, bắp này, nhưng giờ đã bị cơn bão số 11 thổi bay.

Ở huyện Tư Nghĩa, nông dân cũng khốn khổ vì mía ngã đổ; còn mì, đậu, bắp và rau màu thì thối vì ngập úng. Thế nên từ sáng 16.10, khi thời tiết tạnh ráo, nông dân đã tranh thủ nhổ mì, tìm cách tháo nước để cứu đậu, bắp. “Được chừng nào hay chừng ấy chứ mì có mùi hôi rồi, chưa chắc thương lái đã chịu mua. Mà nếu có, thế nào họ cũng làm eo”, vừa lúi húi nhổ mì, bà Trần Thị Thu (Nghĩa Thắng) vừa góp chuyện.

Theo ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa, mưa to gió mạnh khiến bà con nông dân ở các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hà… bị thiệt hại nặng vì hơn 150 ha cây cối, hoa màu bị ngã đổ, hư hỏng và dập nát. Do đó hiện giờ, địa phương cùng với người dân tập trung dọn dẹp, thu hoạch phần hoa màu bị hỏng để bà con kịp tái sản xuất.

Kiên quyết “giữ” dân

15 giờ 30 phút chiều 15.10, mưa ở huyện miền núi Tây Trà đã bớt nặng hạt, nhưng đường về xã Trà Quân không vì thế mà dễ đi hơn. Nhiều đoạn sình lầy, trơn như da lươn khiến chiếc ô tô cứ trôi trên đường. Hơn 30 phút chật vật vượt đường, chúng tôi cũng đến được trụ sở UBND xã Trà Quân. Sau vài phút trao đổi với các cán bộ xã, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ quyết định đi bộ vào tổ 8, thôn Trà Ong để kiểm tra thực tế hiện tượng nứt núi, sạt lở đất cũng như tình hình sơ tán, di dời dân ở khu vực này.

40 phút sau, tổ 8 cũng hiện ra với hai căn nhà nhỏ, tối nhưng tấp nập người. Một cái toàn phụ nữ và trẻ em. Cái còn lại là của đàn ông, thanh niên. “Đây là chỗ ở tạm của 17 hộ dân có nhà gần khu vực núi bị sạt lở”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Như Lâm giải thích. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ thăm hỏi bà con về việc ăn ở, sinh hoạt; đồng thời dặn dò và động viên người dân không trở về nhà khi chưa được phép của chính quyền xã, dù mưa có dứt. ông Hồ Văn Lý nắm tay của Phó Chủ tịch tỉnh dắt đến căn nhà nhỏ, tựa mình vào vách núi Pe đã bị khoét một lỗ rồi nói: “Núi nó thế. Bà con mình không dám về nhà đâu”. Nói đoạn, ông Lý chỉ cho mọi người xem chỗ mái thủng, vách nhà bị rách do đất đá từ núi Pe đổ xuống cách đây vài ngày.

Không chỉ có núi Pe đứng sau lưng, mà 17 ngôi nhà của hộ dân ở tổ 8, thôn Trà Ong còn bị ngọn Ắc Lít án ngữ phía bên hông. Lo nhất là cả núi Pe lẫn Ắc Lít đều có những vết nứt dài và sâu, là hậu quả mà mùa mưa bão năm 2009 để lại. Thế nên khi nghe bão số 11 gây mưa to, UBND huyện Tây Trà và chính quyền xã Trà Quân đã gấp rút sơ tán, di dời 17 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi ở tạm an toàn từ đêm 14.10.

Đến chiều tối 15.10, dù thời tiết đã êm nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ vẫn yêu cầu địa phương kiên quyết không để dân về nhà khi núi vẫn còn động. Sau những ngày mưa kéo dài, vết nứt cũ thấm nước nên rất dễ xảy ra sạt lở. Đã thế, khu vực miền núi thường có mưa dông vào buổi chiều nên hiện tại, tổ 8 cũng như các điểm khác vẫn còn mất an toàn. Do đó, “xã phải bố trí lực lượng “giữ” dân tiếp tục ở chỗ tạm; đồng thời hỗ trợ bà con về lương thực, thực phẩm. Nếu để xảy ra thiệt hại về người tại các điểm này thì xã, huyện phải chịu trách nhiệm trước tỉnh”, Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ nhấn mạnh.

Theo báo cáo của huyện Tây Trà và Trà Bồng, hiện hai địa phương này có đến 10 điểm dễ xảy ra sạt lở núi, đe dọa tính mạng và nhà cửa của hơn 200 hộ dân. Thế nên ngay từ đầu mùa mưa bão, chính quyền hai huyện đã xây dựng phương án di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi núi có dấu hiệu nứt, sạt lở nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.