Thấp thỏm nỗi lo sạt lở trong mùa mưa bão - Kỳ 2

02:09, 16/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Mùa mưa bão đang đến gần. Kéo theo đó là nỗi thấp thỏm của hàng nghìn hộ dân sống ở các huyện miền núi, dọc ven sông, vì tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Công tác phòng chống, di dời dân khi trường hợp xấu xảy ra đang được gấp rút chuẩn bị.

TIN LIÊN QUAN

Bài 2:  Thấp thỏm ở miền núi

Trong khi hàng ngàn hộ dân ở các ven sông "mất ăn, mất ngủ" khi mưa lũ về thì hàng trăm hộ dân sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở ở huyện miền núi Tây Trà, Trà Bồng lại nơm nớp lo sợ và luôn sống trong tư thế sẵn sàng di tản để tránh mối nguy hiểm do nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đến hẹn lại...lo

Hằng năm, cứ vào mùa mưa bão, nguy cơ sạt lở là nỗi lo chung của các huyện miền núi ở Quảng Ngãi và trong mùa mưa bão năm nay, là một huyện miền núi của tỉnh, Trà Bồng cũng không phải là ngoại lệ.

Chỉ riêng trong mùa mưa bão năm 2012, trên địa bàn huyện Trà Bồng đã xảy ra 7 điểm sạt lở núi ở 5 xã, gây ảnh hưởng đến đời sống của 173 hộ dân với 820 nhân khẩu. Cùng với những thiệt hại về nhà ở, đường giao thông, công trình hạ tầng, nông nghiệp... uớc tính, tổng thiệt hại do mưa lũ mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện Trà Bồng trong năm 2012 khoảng trên 2,6 tỷ đồng.

Theo khảo sát của UBND huyện Trà Bồng, hiện nay trên địa bàn huyện còn tồn tại 10 điểm có nguy cơ sạt lở tại các điểm: tổ 1, 2, 5 thôn Trà Khương, xã Trà Lâm; thôn 1, xã Trà Giang; tổ 1 và tổ 3 thôn Tây, xã Trà Sơn; khu dân cư thôn Tang, xã Trà Bùi và tổ 3 thôn Nguyên, tổ 2 thôn Cả, tổ 3 thôn Băng xã Trà Hiệp.
 
Tổng số hộ cần phải di dời tạm trong mùa mưa bão năm 2013 là 173 hộ (với 820 nhân khẩu). Cùng với đó, nguy cơ sạt lở, lũ quét cũng đe dọa  gần 60 hộ dân thuộc các xã Trà Bình, Trà Phú sống dọc ven sông Trà Bồng. Mỗi mùa mưa đến, các hộ dân sống ở điểm có nguy cơ sạt lở núi, sạt lở sông của huyện lại phải ở trong tư thế sẵn sàng di tản để tránh nguy hiểm.

 

Mỗi mùa mưa bão đến, nhiều hộ dân sống ở thôn Trà Khương, xã Trà Lâm lại lo sợ sạt lở nú
Mỗi mùa mưa bão đến, nhiều hộ dân sống ở thôn Trà Khương, xã Trà Lâm lại lo sợ sạt lở núi


Ông Hồ Văn Minh ở tổ 3, thôn Tây, xã Trà Sơn cho biết: Khu vực này đã từng bị sạt lở nhiều lần nên người dân ở đây rất lo lắng. Đêm nào trời mưa là cả nhà tôi không ngủ được, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị di tản. "Mới năm trước, đợt mưa bão năm 2012, tại khu vực núi Ca Nhia phía sau nhà tôi đã  sạt lở dọc theo chân núi khoảng 120m, khiến gần 60 hộ dân ở đây hết sức lo sợ".

Cùng chung nỗi lo sạt lở trong mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân ở huyện miền núi Tây Trà sống ở những điểm có nguy cơ sạt lở cũng rất lo lắng.

Ông Phan Văn Hiền- Phó Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện Tây Trà cho biết, huyện Tây Trà có địa hình phức tạp, hiểm trở. Mùa mưa, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có thể xảy ra hiện tượng sạt lở núi, sa bồi, thủy phá do dòng chảy quá mạnh từ các khe suối lớn nhỏ. "Hiện, trên địa bàn huyện có 15 điểm có nguy cơ sạt lở núi ảnh hưởng đến 135 hộ với 626 nhân khẩu nằm ở các xã: Trà Quân, Trà Nham, Trà Phong, Trà Thanh, Trà Khê"- ông Hiền cho hay.

Một trong những điều khó dự báo nhất trong mùa mưa bão với chính quyền địa phương và người dân chính là nguy cơ sạt lở núi. "Sợ nhất là mưa mấy ngày xong, sau đó trời trở nắng khoảng một ngày, là khoảng thời gian dễ làm cho núi sạt lở nhất”- ông Hồ Văn Thảo ở tổ 1, thôn Trà Lương, xã Trà Lãnh chia sẻ.

 

Dọc tuyến đường lên vùng cao Tây Trà có nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm
Dọc tuyến đường lên vùng cao Tây Trà có nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm.


Mặc dù những hộ dân sống ở các điểm sạt lở thường xuyên sống trong nỗi thấp thỏm lo sợ, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên không có hộ nào tự di dời được, mà đều đang chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần đến các điểm có nguy cơ sạt lở khảo sát tình hình và lên phương án di dời, thế nhưng do nguồn kinh phí còn hạn chế, khó khăn trong việc tìm địa điểm tái định cư, nên đến nay vẫn chưa di dời hết được những hộ dân này đến nơi an toàn.

Không chủ quan

Hằng năm luôn chịu tác động của thiên tai, vì vậy trước mỗi mùa mưa bão công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai luôn được chính quyền huyện Trà Bồng và Tây Trà quan tâm, đặc biệt là các điểm có nguy cơ sạt lở. Các phương án phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, đã được Ban chỉ huy PCLB và TKCN các huyện quán triệt đến các xã, thị trấn, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chỉ đạo bám sát từng địa bàn, để kịp thời xử lý những tình huống khi mưa bão xảy ra.

Ông Phan Văn Hiền- Phó Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện Tây Trà cho biết: Trước mùa mưa bão, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên cảnh giác, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN huyện và chính quyền địa phương đã chủ động kiểm tra, lập phương án chi tiết, chuẩn bị bố trí trước địa điểm di dời dân đến nơi ở an toàn trong những trường hợp cần thiết. Các địa phương hướng dẫn và cắm biển báo vùng có nguy cơ sạt lở núi để người dân biết, chủ động đề phòng và sơ tán kịp thời.

 

Mưa lớn kéo dài, rất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở ở các Khu dân cư
Mưa lớn kéo dài, rất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở ở các Khu dân cư


Đồng thời, để giúp dân trong trường hợp bị chia cắt, các địa phương kiểm tra chặt chẽ việc bố trí các trang thiết bị, nhu yếu phẩm, thuốc men và lương thực theo phương châm "4 tại chỗ", xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống chi tiết cho những vùng trọng điểm, vùng xung yếu để hạn chế việc bị động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; chuẩn bị lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng cứu và giúp dân khắc phục hậu quả của bão lũ, sạt lở.

Một mùa mưa bão nữa lại đến. Và thêm một lần nữa hàng trăm hộ dân ở huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà  lại tiếp tục phải sống trống trong tình trạng lo sợ bởi sự đe doạ của sạt lở núi. Những giải pháp sơ tán, di dời dân trong mùa mưa bão chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài các cấp, ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ để người dân di dời đến nơi ở mới an toàn, để không còn cảnh thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến.



Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 


.