Thấp thỏm nỗi lo sạt lở trong mùa mưa bão - Kỳ 1

10:09, 15/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Mùa mưa bão đang đến gần. Kéo theo đó là nỗi thấp thỏm của hàng nghìn hộ dân sống ở các huyện miền núi, dọc ven sông, vì tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Công tác phòng chống, di dời dân khi trường hợp xấu xảy ra đang được gấp rút chuẩn bị.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ 1: Nỗi lo từ ven sông

Trong năm 2013, huyện Sơn Tịnh lên kế hoạch có 8.600 hộ với 33.000 người ở những vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao cần di dời khẩn cấp. Mỗi lần mưa bão đi qua, là mỗi là các hộ dân này phải đối mặt với nguy cơ mất đất, mất nhà và bị đe dọa tính mạng.


Đắng lòng nhìn sông “ngoạm” đất

Khu vực phía đông bắc thôn Ân Phú, xã Tịnh An là một trong những nơi bị dòng sông Trà xoáy sâu, gây sạt lở nhiều nhất. Qua hơn 7 mùa mưa bão, hơn 1ha đất ở và đất sản xuất của người dân địa phương đã bị cuốn theo dòng nước.

 

Thôn Ân Phú, xã Tịnh An đã bị sông Trà ngoạm hơn 1ha đất trong vòng 7 năm qua
Thôn Ân Phú, xã Tịnh An đã bị sông Trà ngoạm hơn 1ha đất trong vòng 7 năm qua.


Với việc gây sạt lở nặng khoảng 200m dọc bờ, dòng sông Trà đang đe dọa cuộc sống yên bình của 14 hộ dân nơi đây. Từng mét đất bị mất đi, thì nỗi lo lắng của người dân nơi đây lại càng thêm nặng.

Trời mưa gió tầm tã, con nước dâng cao, ông Nguyễn Văn Phụng- ngụ thôn Ân Phú vội khoác tạm chiếc áo mưa ra sau vườn trông chừng. Chỉ tay về phía những gốc tre ngập trong dòng nước, ông Phụng xót xa: Cứ qua một mùa nước lớn là hàng chục, thậm chí hàng trăm gốc tre trong vườn nhà bị cuốn. Sức nước mạnh quá, tre vốn nổi tiếng là giữ đất tốt mà trụ không được thì chẳng còn cách nào khác. Cứ mỗi lần mưa lớn là tôi phải ra trông chừng xem đất vườn có bị sạt lở gần đến nhà chưa, để biết đường mà… chạy.

“Ngày trước, mép sông cách nhà phải đến 50m. Mà giờ ngoảnh đi, nhìn lại thì mép sông chỉ cách nhà chừng 20m. Năm nay, nếu mưa bão lớn chắc phải bỏ nhà cửa mà đi chỗ khác”- ông Phụng tiếp lời.

Đó cũng là nỗi niềm chung của các hộ dân sống gần khu vực bị sạt lở. Ông Nguyễn Đơm bày tỏ: Ngày xưa, người ta hay nói câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Ai có nhà ở gần chợ hay gần sông là coi như có vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất. Nhưng nay tôi lại thấy, có nhà ở gần sông, mà lại bị sạt lở thì lúc nào cũng canh cánh một nỗi băn khoăn.

 

120 hộ dân ở xã Tịnh Long cũng bị đe dọa bởi vấn nạn sạt lở bờ sông
120 hộ dân ở xã Tịnh Long cũng bị đe dọa bởi vấn nạn sạt lở bờ sông.


Cùng nỗi lo với người dân thôn Ân Phú, xã Tịnh An còn có hơn 120 hộ dân ở thôn An Đạo, xã Tịnh Long. Nhà của họ được ngăn cách hờ hững với bờ sông bằng một con đường đất rộng chừng 5m. Cứ qua một mùa mưa lũ thì, khoảng 1-2 mét đất lại bị con nước “ăn” bớt.

Ông Đỗ Văn Ba- Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cho biết: Đến nay, khu vực thôn An Đạo đã mất khoảng 10m đất vì nạn sạt lở ven sông Trà. Những lần họp dân, tiếp xúc cử tri, chính quyền đều ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của người dân ở đây, nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở ngày càng nặng này. Việc xây kè, ngăn sạt lở lại vượt quá tầm tay của chính quyền xã nên chỉ biết trông chờ vào cấp trên. Hiện tại, người dân chỉ ngăn chặn tạm thời bằng cách đổ đá và trồng tre giữ đất. Cứ để như vậy thì chẳng mấy chốc hơn 100 nóc nhà ở đây cũng bị nước lũ cuốn trôi mất.

Chủ động di dời dân khi cần thiết

Không riêng các hộ dân ở xã Tịnh An, Tịnh Long, nạn sạt lở còn đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở các xã Tịnh Minh, Tịnh Sơn, Tịnh Khê… Việc xây kè, giữ đất, giữ người là điều ai cũng muốn. Song đến giờ vẫn chưa có kè, thì người dân ở các vùng sạt lở này phải tính chuyện phòng chống sạt lở qua mùa mưa bão năm nay. Hiện tất cả các địa phương có dân sống trong vùng sạt lở đều đã lên phương án di dời kịp thời khi cần thiết.

Ông Trần Công Hiệp- Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: Huyện Sơn Tịnh đã lên kế hoạch di dời khoảng 8.600 hộ dân với 33.000 người đang nằm trong vùng sạt lở khi trường hợp xấu xảy ra. Ở các điểm có nguy cơ sạt lở cao, chúng tôi đều tăng cường vận động và tập huấn cho người dân trong việc phòng tránh các nguy cơ do mưa bão, sạt lở gây ra. Sắp tới, huyện Sơn Tịnh sẽ khảo sát, kiểm tra lại toàn bộ các điểm sạt lở ven sông để lên kế hoạch di dời dân, bố trí chỗ ở mới lâu dài, ổn định trong thời gian gần nhất có thể.

 

Ghe thuyền và các dụng cụ cứu hộ khác đã được chuẩn bị sẵn sàng nhằm ứng cứu kịp thời các hộ dân trong vùng nguy cơ bị sạt lở
Ghe thuyền và các dụng cụ cứu hộ khác đã được chuẩn bị sẵn sàng nhằm ứng cứu kịp thời các hộ dân trong vùng nguy cơ bị sạt lở


Hiện xã Tịnh An và Tịnh Long đều đã chuẩn bị các ghe, thuyền, áo phao và nơi di dời cho các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Cùng với hai địa phương này, nhiều nơi khác cũng triển khai diễn tập ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.

Xã Tịnh Sơn có 106 hộ dân ở thôn Tây nằm trong vùng sạt lở ven sông đã được chuẩn bị chu đáo, di dời đến khu vực gò Đồn. Bà Nguyễn Thị Hoa ngụ tại thôn Tây, xã Tịnh Sơn chia sẻ: Nhà tôi chỉ cách bờ sông chừng 5m nữa thôi. Cứ vào mùa nước nổi thì tôi và nhiều gia đình sống ven sông khác phải luôn chủ động. Hễ nước lớn quá thì lo thu xếp đồ đạc, di dời đến nơi chính quyền xã đã chuẩn bị sẵn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn cho biết: Chúng tôi đã chuẩn bị 3 ghe chèo tay, 10 phao cứu sinh cùng các vật dụng đèn pin, hàng trăm chiếc áo phao để sẵn sàng ứng cứu người dân ở vùng sạt lở.

 

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, năm 2013, có hơn 2.700 hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở sông, suối, nứt núi… Hiện chỉ mới di dời, ổn định chỗ ở lâu dài cho khoảng 200 hộ. Do đó, bước vào mùa mưa bão sắp tới, các địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng lên kế hoạch di dời tạm thời các hộ dân này khi thiên tai xảy ra. Các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cũng như trang thiết bị và nguồn nhân lực đã được chuẩn bị chu đáo.

 

Kỳ 2:  Thấp thỏm ở miền núi

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.