Tàn nhưng không phế

10:09, 07/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đôi chân không còn lành lặn nhưng thương binh hạng 3/4 Đinh Văn Đôn, thôn Tà Vay, xã Sơn Long (Sơn Tây) đã dệt nên kỳ tích tại mảnh đất quê hương bằng sự cần cù, chịu khó và quyết tâm vượt lên chính mình.

TIN LIÊN QUAN

Đối với đồng bào CaDong ở Sơn Long dường như cái tên Đinh Văn Đôn đã trở nên quá quen thuộc. Mọi người biết đến già Đôn không phải đơn thuần chỉ vì ông giàu có hay giỏi làm kinh tế, mà là sự thán phục bởi nghị lực phi thường của một con người “tàn nhưng không phế” như ông.

Vượt lên chính mình

Năm 1986, khi đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, trong một đợt truy quét quân địch ông Đôn đã bị trúng mìn và bị đứt một chân. Những tưởng sự khuyết tật về thân thể sẽ khiến ông suy sụp, nản chí. Nhưng chính khuyết tật về thân thể lại làm nên sự “tròn trịa” trong nghị lực và tâm hồn ông. Đó là động lực để ông sống tốt hơn, lạc quan hơn và càng thêm quý trọng công sức, thành quả của lao động.

 

 Dù đôi chân không còn lành lặn, già Đôn vẫn miệt mài lao động.
Dù đôi chân không còn lành lặn, già Đôn vẫn miệt mài lao động.


Gần bước qua cái tuổi 70, nhưng trông già Đôn vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Chỉ còn một chân nhưng già Đôn vẫn lên rẫy đều đều bằng đôi nạng gỗ. Đối với ông, những con đường đá và những con dốc dường như đã trở nên quá quen thuộc. “Còn sống ngày nào là mình đi làm ngày đó. Làm để có tiền cho mấy đứa con đi học để nó có trình độ. Có học mới biết suy nghĩ, mới có cơ hội đi đây đi đó để học hỏi cái hay, cái tốt. Không có trình độ như mình là khổ miết thôi!”, ông Đôn tâm sự.

Nhìn xuống đôi chân không còn lành lặn, những ký ức về một thời đạn bom lại dội về trong ông. Ông Đôn bảo, dù chỉ còn một chân nhưng mình còn may mắn hơn bao nhiêu đồng đội khác đã vĩnh viễn nằm xuống. Có người hài cốt còn chưa được trở về với gia đình, với quê hương.

Làm giàu

Năm 1987, ông Đôn phục viên trở về địa phương và bắt đầu với cuộc chiến chống đói nghèo. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông đã lao động miệt mài, không ngừng nghỉ để vươn lên. Ông  tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất nên hiệu quả, năng suất nhờ thế cứ tăng dần.  “Muốn tăng thu nhập thì phải lấy cây ngắn ngày để nuôi cây dài ngày”, ông Đôn chia sẻ.

Nhìn những rẫy keo, rẫy mì, rẫy lúa xanh bạt ngàn trên mảnh đất đầy khó khăn, ít ai có thể tin rằng nó được tạo nên từ sự cần cù, chịu khó của một thương binh như ông. Mỗi một cây ông cắm xuống đất như chứa chan từng giọt mồ hôi mặn chát nhưng “quả” thì lại ngọt vô cùng!

Không chỉ làm giàu cho bản thân mà ông còn giúp đỡ nhiều bà con đồng bào Cadong vươn lên thoát nghèo. Mỗi khi Nhà nước hỗ trợ cây, con giống hay ít nước mắm, bột ngọt… già Đôn lại nhường cho những người khó khăn hơn ông. Những lúc nhàn rỗi, ông lại chống đôi nạn gỗ đến từng hộ gia đình trong thôn để vận động bà con không được uống rượu say, phải chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong khu dân cư già Đôn luôn là trung tâm hòa giải của mọi bất hòa, là cầu nối tuyên truyền mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vì thế, mọi việc lớn nhỏ trong thôn dân làng đều hỏi ý kiến ông. Những việc làm của già Đôn luôn được mọi người tin tưởng và  nhiệt tình ủng hộ.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, không ngại khó nên chẳng mấy chốc gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện tại ông đang sở hữu đàn bò 5 con, 10 con heo, 3 ha keo cùng 5.000 cây cau, 5 sào lúa nước và nhiều loại rau màu khác như ớt, cải, bí… Hằng năm, trừ các khoản chi phí, ông thu về hơn 40 triệu đồng.

Giờ đây dù đời sống kinh tế đã ổn định, gia đình hạnh phúc, song có lẽ niềm vui lớn nhất của ông Đôn vẫn là chứng kiến sự thành đạt của các con. Hiện tại hai đứa con lớn của ông đều là cán bộ xã, còn đứa con út đang học lớp 11  thiếu sinh quân tại Gia Lai.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.