Làng chài chủ động ứng phó với bão số 8

04:09, 18/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Hàng nghìn hộ dân ven biển Quảng Ngãi đang gấp rút gia cố lại nhà cửa, tìm nơi neo trú tàu thuyền an toàn trước khi bão số 8 đổ bộ. Tinh thần cảnh giác cao độ, ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra đã được lên dây cót sẵn sàng.

TIN LIÊN QUAN

Sau trận mưa rả rích cả đêm, sáng 18.9, các hộ dân ở làng chài An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn) đang khẩn trương thu dọn thuyền thúng và gia cố lại nhà cửa. Tiếng reo hò giục giã hòa vào tiếng sóng biển đang vỗ từng đợt ầm ầm ngoài bờ biển. “Phải nhanh lên, kẻo không kịp, chiều tối nay là bão vào rồi!”- Ông Hoàng Văn Tiến- trưởng thôn An Cường động viên các hộ dân đang kéo thúng.

 

Ngư dân làng chài An Hải đưa thúng vào bờ tránh bão.
Ngư dân làng chài An Cường đưa thúng vào bờ tránh bão.
 
 
Ông Tiến cho hay: “Thôn An Cường, xã Bình Hải là một trong những điểm chịu tác động mạnh của triều cường. Có gần 60 hộ dân sống dọc bờ biển dài 840m là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cứ qua một mùa mưa bão, 2-3 nhà ở ven biển bị sóng đánh sập trong tích tắc. Trận bão năm 2010, sóng mạnh quá cuốn luôn 2 ngôi nhà của ông Võ Hồng Khanh và bà Nguyễn Thị Cưu rồi”.
 
Chính vì vậy, ngay khi nghe thông tin bão số 8 sắp tiến vào đất liền, xóm biển An Cường không khỏi bồn chồn, tìm cách ứng phó. Người thì lo che chắn nhà cửa cẩn thận, người thì vác đá làm kè phòng triều cường. Niềm vui cho nhiều hộ dân An Cường chính là phần móng kè chắn sóng dài 260m  nay đã cơ bản hoàn thành, khoảng 20 hộ dân nằm dọc kè tạm thời an tâm. Hiện, kè chắn sóng đang được thi công, lắp đá và sẽ hoàn thành công đoạn này trước chiều tối ngày 18.9.
 
Bà Nguyễn Thị Lung vừa bảo đứa con trai đặt đá trên mái nhà kẻo gió to làm tốc mái, chia sẻ: Nhà tôi ở sát biển. Những năm trước không chỉ lo gió mà còn lo triều cường cuốn trôi mất nhà cửa, vườn tược. May thay, năm nay có cái kè nên hy vọng sóng biển không còn đe dọa nữa. Giờ chỉ lo che chắn mái nhà cẩn thận tránh gió là yên ổn.
 
Không may mắn như các hộ dân ở sống dọc kè đá dài 260m, hơn 30 hộ của thôn An Cường sống dọc bờ biển còn lại vẫn nơm nớp lo sợ. “Phải chi kè được xây dọc bờ biển thì cả thôn được nhờ. Đằng này, các hộ dân ở khu vực phía đông thôn An Cường vẫn phải tìm cách tránh sóng. Nếu bão mạnh, sóng lớn quá, thì chiều tối nay chúng tôi phải tổ chức di dời dân vào vùng phía trong an toàn hơn”- ông Tiến, Trưởng thôn An Cường cho biết.
 
Ông Nguyễn Văn Hai- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho hay: Ngoài thôn An Cường, các nơi có nguy cơ bị đe dọa về sạt lở và gió bão còn có thôn Phước Thiện và Thanh Thủy. Hơn 200 hộ dân ở Phước Thiện cũng đang bị đe dọa bởi triều cường. Gần 20 hộ dân ở thôn Thanh Thủy lại bị gió bão uy hiếp.
 
Ông Đoàn Hà Yên- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho hay: Tuy bão số 8 chưa đổ bộ nhưng lường trước tình hình, chúng tôi đã  di chuyển khoảng 20 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở tại thôn Phước Thiện về trú tại khu tái định cư.

 

Nhiều tàu của ngư dân tìm nơi trú bão an toàn.
Nhiều tàu của ngư dân tìm nơi trú bão an toàn.
 
“Đối với các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng, trước mắt, chính quyền địa phương động viên các hộ dân tự làm kè bằng đá, bao tải cát và lấy đá đè, chắn phần mái nhà cẩn thận. Khi bão đến, chúng tôi sẽ chủ động hướng dẫn bà con di dời vào nơi an toàn nếu tình huống xấu xảy ra”- ông Yên nói thêm.
 
Là một trong những hộ được chính quyền cho di dời khẩn cấp, ông Nguyễn Văn Liên, ngụ thôn Phước Thiện cho biết: Thấy trời trở gió, biển bắt đầu động mạnh, gia đình tôi vô cùng lo lắng vì có nhà ngay sát ven biển, vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, đến sáng nay, khi được chính quyền đến hướng dẫn di dời vào khu tái định cư để trú bão thì cả 5 người trong gia đình đều an tâm rất nhiều. Chờ đến khi bão tan thì chúng tôi sẽ lại về nơi ở cũ.
 
Cùng với xã Bình Hải, các xã ven biển khác cũng đang khẩn trương triển khai các phương án phòng chống bão lũ. Hơn 60 hộ dân ở thôn Châu Thuận và Châu Tân (xã Bình Châu) cũng đã chuẩn bị tinh thần ứng phó với bão. Ông Trần Cao Quát ngụ thôn Châu Thuận cho biết: Trong đợt mưa do ảnh hưởng áp thấp vừa rồi, gió đã quật hở mái nhà của tôi. Nên khi nghe thông tin chuẩn bị có mưa bão, tôi đã chuẩn bị đá lớn, chèn lại mái nhà.
 
Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UND xã Bình Châu cho biết: Hiện tại, các hộ dân trong vùng có nguy cơ cao đã được lên phương án phòng bị, ứng phó với bão rất chú đáo. Với phương châm ứng phó tại chỗ, kịp thời, chính quyền và nhân dân cùng đồng lòng phòng chống bão số 8 với tỷ lệ xảy ra rủi ro thấp nhất.
 
Cùng với việc di dời dân đến nơi an toàn và gia cố lại nhà cửa, việc neo trú tàu thuyền đã được ổn định. Riêng huyện Bình Sơn có 1.246 phương tiện đã về nơi neo trú an toàn. Trong đó có 104 tàu đã tìm được bến đậu tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.