Trao yêu thương, gieo hy vọng

05:08, 10/08/2013
.

(QNĐT)- Tuy không may mắn vì bị nhiễm chất độc da cam- di chứng đau lòng của chiến tranh, nhưng các nạn nhân luôn nhận được sự chia sẻ và tình yêu thương từ cộng đồng. Nhiều năm qua, sự yêu thương ấy được tiếp nối giúp nguôi ngoai nỗi đau và gieo vào lòng họ những tia hy vọng về ngày mai tươi sáng.

TIN LIÊN QUAN

Bằng nhiều cách khác nhau, sự quan tâm, chia sẻ của các nhà hảo tâm đã đến được với các nạn nhân chất độc da cam thông qua hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Từ năm 2005 đến nay, Hội đã vận động trên 13 tỷ đồng để giúp đỡ nhiều nạn nhân về nhà ở, kinh tế, chăm sóc y tế…

Bò vàng trao tay!

Tự hào khoe với chúng tôi con bò có màu lông vàng óng mới được bàn giao cách đây 3 hôm, bà Trần Thị Lễ ngụ ở thị trấn Đức Phổ nói: Đó là con bò vàng, bò bạc của nhà tôi đấy. Nhờ có sự hỗ trợ hơn 14 triệu đồng từ dự án MCC (dự án hỗ trợ nạn nhân da cam nuôi bò của tổ chức Mennonite Central Committee-PV) gia đình mới có đủ can đảm đi vay mượn thêm ít tiền để sắm được con bò giống này.

 

Có 20 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ bò từ dự án MCC
Có 20 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ bò từ dự án MCC

Bà Lễ vốn là bộ đội Hồng Gấm từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Đức Phổ trong giai đoạn 1970-1975. Sau khi chiến tranh kết thúc, bà lấy chồng cũng là bộ đội và sinh ra 4 người con. Bất hạnh đổ xuống gia đình bà khi đứa con lớn mới sinh ra đã mang dị tật và mất lúc tròn 5 tuổi. Đó cũng là lúc bà biết mình bị nhiễm chất độc hóa học từ khi còn tham gia kháng chiến.
 
Bao nhiêu năm nay, dù nhận được tiền trợ cấp nhưng gia đình bà vẫn sống thiếu thốn trong điều kiện kinh tế không ổn định vì sức lao động của vợ chồng bà đã không còn. Do đó, khi nhận được tin mừng là gia đình bà sẽ được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế, bà Lễ vui mừng khôn xiết. Bà bộc bạch: Việc nuôi bò cũng khá nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của tôi mà lại có lãi suất cao nữa. Rồi đây, tôi lại có hy vọng thoát khỏi mối lo cơm áo gạo tiền!

Cùng chung niềm vui với bà Lễ còn có 19 gia đình nạn nhân chất độc da cam khác ở hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ nhận được hỗ trợ từ Dự án MCC. Mỗi gia đình đều nhận được số tiền 14,4 triệu đồng để mua bò giống phát triển kinh tế. Với các nạn nhân, họ luôn chịu thiệt thòi không chỉ về cơ thể bệnh tật mà còn đối mặt cuộc sống nghèo khó. Việc hỗ trợ giống như chiếc đòn bẩy giúp họ “đổi đời”.
 
 
Việc hỗ trợ bò giống giúp các gia đình có động lực vươn lên, thoát khỏi đói nghèo
Việc hỗ trợ bò giống giúp các gia đình có động lực vươn lên, thoát khỏi đói nghèo


Ông Phan Thanh Long- Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Đây là lần đầu tiên gia đình các nạn nhân được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế. Đợt này, dự án MCC hỗ trợ số tiền gần 335 triệu đồng để mua bò giống cho 20 hộ gia đình nạn nhân. Sau 3 năm, khi bò đã đẻ con thì chúng tôi tiếp tục chuyển giao bò giống cho các hộ nạn nhân khác để họ có cơ hội vươn lên vượt khó.

Ông Trần Thế Cảnh ngụ ở thôn Đông Quang, xã Phổ Văn (Đức Phổ) cũng nhận được bò trong đợt hỗ trợ lần này. Là gia đình có đến 3 người bị nhiễm chất độc da cam trong khi tham gia kháng chiến, cuộc sống lúc tuổi xế chiều trong căn nhà chật hẹp của ông Cảnh khá bế tắc vì nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Khi nhận được bò giống, ông Cảnh không giấu nổi xúc động mà rằng: Tôi sẽ vỗ béo con bò cho đến khi nó đẻ bê, như vậy là có một số tiền lãi kha khá để trang trải nhiều thứ trong cuộc sống rồi. Cách giúp đỡ này thật ý nghĩa. Cho tiền thì tiêu cũng hết, nhưng cho bò thì bò mẹ sẽ đẻ bê con rồi chúng tôi tiếp tục nuôi và phát triển dần.

Tiếp nối sẻ chia

Ngoài việc hỗ trợ bò giống phát triển kinh tế, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã phối hợp với nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ nạn nhân bằng cách thường xuyên giúp đỡ về tiền mặt, nhà ở và chăm sóc y tế.

Chị Lê Thị Thúy ngụ ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) có con là cháu Nguyễn Phương Trang từ nhỏ đã bị dị tật, không thể đi đứng bình thường. Từ khi Trung tâm phục hồi chức năng xã Nghĩa Thắng đi vào hoạt động từ năm cuối năm 2011, chị Thúy dẫn con đến đây luyện tập.

 

Các nạn nhân chất độc da cam được luyện tập về cử động cơ học tại Trung tâm phục hồi chức năng xã Nghĩa Thắng
Các nạn nhân chất độc da cam được luyện tập về cử động cơ học tại Trung tâm phục hồi chức năng xã Nghĩa Thắng


Sau gần 2 năm, cháu Trang đã có tiến bộ rõ rệt với các cử động tự lập. Chị Thúy chia sẻ: Chính nhờ Trung tâm mà con tôi mới có thể đứng vững bằng đôi chân vốn không bình thường. Không chỉ vậy, mỗi năm gia đình tôi còn được các nhà hảo tâm thường xuyên thăm hỏi, tặng quà. Những sự sẻ chia như vậy, các gia đình nạn nhân như chúng tôi cảm thấy ấm lòng và có động lực vượt qua khó khăn.

Trường hợp của gia đình chị Thúy là một trong số rất nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ về nhiều lĩnh vực trong thời gian qua. Ông Phan Thanh Long cho biết: Việc giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin là trách nhiệm của toàn xã hội. Và những năm qua, chúng tôi đã tích cực thực hiện trách nhiệm đó. Riêng năm 2013, Hội đã vận động được 1,9 tỷ đồng giúp đỡ xây dựng 16 nhà tình thương, tặng 4.927 suất quà cho các gia đình nạn nhân.

Tuy nhiên, những sự giúp đỡ ấy vẫn chưa đủ với hơn 23 nghìn nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Quảng Ngãi. “Chúng tôi rất mong sẽ thành lập được quỹ xã hội, ở đó nhận được sự giúp đỡ thường xuyên để trích ra hỗ trợ lại cho các nạn nhân. Với họ, sự sẻ chia, quan tâm của cộng đồng thật cần thiết để họ có chỗ dựa, có niềm tin vươn lên”- ông Long bày tỏ.
 

Bài, ảnh: Thanh Phương


.