Phập phồng sống dưới đỉnh Hăng Rà Lừng

02:08, 20/08/2013
.

(QNg)- Theo báo cáo UBND xã Sơn Cao, hiện nay trên đỉnh núi Hăng Rà Lừng có nhiều vết nứt, sâu, dài ở phía bắc. Trong đó vết nứt lớn nhất có chiều rộng 3,2m; sâu 2m, dài 22m. Núi Hăng Rà Lừng có độ dốc 50 độ, khoảng cách từ chân núi đến điểm nứt khoảng 200m, điểm nứt cách khu dân cư khoảng 1 km.

TIN LIÊN QUAN

Những vết nứt trên đỉnh Hăng Rà Lừng đã khiến các hộ dân sinh sống dưới chân núi hoang mang. Họ sợ núi sẽ đổ sập vùi lấp nhà cửa bất cứ lúc nào. Họ muốn di chuyển đến nơi ở khác nhưng không có đủ điều kiện để “tự ra đi”…  

Chuyện nứt núi, gây sạt lở đang là mối quan tâm, lo lắng nhất của 17 hộ dân Làng Rưm, thôn Xà Ây, xã Sơn Cao (Sơn Hà) sinh sống dưới chân núi Hăng Rà Lừng. Mùa mưa bão đã đến gần, mối lo lắng càng tăng lên, nhất là khi có mưa giông vào ban đêm…

Những đêm cả làng không ngủ…

Từ xã Sơn Cao, vượt con đường đá khoảng 4 km là tới Làng Rưm. Chỉ tay về những đám ruộng bậc thang chạy sát tới ngõ nhiều ngôi nhà sàn dưới chân núi Hăng Rà Lừng, già làng Đinh Văn Bé nói: “Ngọn núi Hăng Rà Lừng kia đang nứt to lắm ! Nó đang đe dọa vùi lấp ruộng tốt, nhà sàn của dân mình. Ai cũng tiếc cái mảnh ruộng, thương cái nơi mình ở đã bao đời nay. Thế nhưng dân làng vẫn mong được giúp đỡ để chuyển nhà đi nơi khác. Sống ở đây sợ núi sạt lở lắm!”.

 

Dân Làng Rưm lo âu vì đang sống dưới ngọn núi bị nứt.
Dân Làng Rưm lo âu vì đang sống dưới ngọn núi bị nứt.


Già làng Đinh Văn Bé và hai cán bộ xã dẫn chúng tôi men theo con suối, băng qua nhiều rẫy mì, keo để leo lên đỉnh Hăng Rà Lừng. Trời mưa nặng hạt. Đất núi đỏ quạch, nhão ra bám chặt chân người. Hơn một giờ đồng hồ, từ chân núi chúng tôi đến được địa điểm xuất hiện vết nứt. Già Bé chỉ cho chúng tôi các vết nứt răng cưa đan xen chằng chịt, trong đó có một vết nứt tương đối rộng và sâu. Già Bé bảo: “Các vết nứt này xuất hiện từ năm 2009 rồi! Khi ấy những người đàn ông trong Làng Rưm làm nghề săn bắt, đốn củi phát hiện vết nứt đã báo với chính quyền xã”.

Xuống núi, chúng tôi gặp gỡ nhiều gia đình đang sinh sống dưới chân Hăng Rà Lừng. Anh Đinh Văn Bời bảo: “Cứ mỗi khi trời mưa là mình lại không ngủ được. Mà chẳng phải chỉ có mình đâu, làng này ai cũng trong tâm trạng đó cả. Vì mưa lớn núi Hăng Rà Lừng có thể bị vỡ ra, đổ đất đá xuống làng mình”. Anh Bời tâm sự rằng, rất muốn chuyển nhà đi nơi khác, nhưng hoàn cảnh khó khăn không tự làm nhà mới được.
 
Tiếp tục định cư là bất ổn !

Trước sự lo lắng của người dân Làng Rưm, xã Sơn Cao đã thành lập đoàn kiểm tra đến hiện trường xác định vết nứt, để có phương án xử lý. Ông Đinh Văn Bát – Chủ tịch UBND xã Sơn Cao cho biết: “Mặc dù từ năm 2009 đến nay vết nứt chưa có dấu hiệu nứt rộng thêm, nhưng đây là khu vực có nguy cơ cao về sạt lở. Để các hộ dân tiếp tục định cư dưới chân núi Hăng Rà Lừng là bất ổn”.

Xã Sơn Cao đã xây dựng phương án di dời 17 hộ dân đến khu tái định cư Pa Rin cách núi Hăng Rà Lừng một con suối và nửa giờ đi bộ. Hiện tại khu tái định cư này vẫn chỉ là một khu đất trống cỏ dại um tùm. Nếu di dân về đây phải tiếp tục đầu tư sửa sang lại. “Cái khó nhất là một số hộ dân tích cóp bao năm làm được cái nhà đẹp để ở, nay núi nứt đe dọa phải dời đi sẽ không còn tiền để làm nhà mới. Có lẽ cấp trên phải xem xét ưu tiên hỗ trợ cho 17 hộ dân này để họ có điều kiện ổn cư sau khi di dời” – Chủ tịch xã Sơn Cao Đinh Văn Bát nói.

Mới đây UBND huyện Sơn Hà đã báo cáo với UBND tỉnh về tình hình nứt núi Hăng Rà Lừng. Trong đó huyện kiến nghị lập dự án di dời 17 hộ dân Làng Rưm đang bị nứt núi đe dọa. Hiện dự án vẫn đang nằm chờ ý kiến của tỉnh.

Sơn Hà là địa phương đã nhiều lần xảy ra sạt lở núi. Vào mùa mưa năm 2010, xảy ra nứt núi làm sập nhà đè chết một bé gái 9 tuổi ở thôn Ca Long, xã Sơn Thành. Năm 2009, cũng vì nứt núi, đã có 65 hộ dân thôn Làng Bung (Sơn Ba) di dời đến nơi ở mới... Vì thế việc di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở do nứt núi Hăng Rà Lừng là việc cấp thiết, không thể chần chừ !


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.