Chông chênh theo con nước

06:08, 02/08/2013
.

(QNg)- Từ lâu, thôn An Phú, xã Tịnh An (Sơn Tịnh) vẫn quen được người ta gọi là xóm “ốc đảo” bởi đây là thôn duy nhất nằm giữa dòng sông Trà Khúc còn chưa được di dời cho đến nay. Tuy chỉ cách TP.Quảng Ngãi khoảng 1,5km về phía hạ lưu nhưng quanh năm người dân nơi đây phải đi bộ vì con đường nối ra thôn bị dòng nước sông Trà chia cắt thường xuyên.

TIN LIÊN QUAN

Mưa lác đác vài hột, thủy triều mon men… là con nước “thò” ra chia cắt cả xóm nghèo. Cứ vậy, cuộc sống của hơn 300 hộ gia đình hằng ngày chông chênh theo con nước.

Xóm “lụy” đò !

Về An Phú mùa tháng bảy, nắng như đổ lửa, cây cỏ ven đường chết khô queo quắt… chúng tôi mới thấy được cảnh tượng cực khổ người dân nơi đây phải gánh chịu. Ngồi thẩn thờ, đôi mắt nhăn nheo, đau đáu hướng về con đò đang từ từ rẽ nước ở bờ bên kia, bà Nguyễn Thị Thái (52 tuổi, ngụ thôn An Phú) cho biết: “Cảnh đâu mà khổ dữ vậy không biết. Ai đời, hoa màu chết khô chết khát ngoài đồng vì không có nước tưới, còn dân mình lại đi đò. Các con, các cháu, có tiền thì đi mua nhà ở nơi khác mà ở. Phải đành bỏ xứ, bỏ quê thôi. Ở thế này thì ai ở cho nổi. Lỡ nửa đêm nửa hôm, đau ốm chết cũng không chừng vì đò giang đâu mà đi”.

 

Con đò chở người dân “ốc đảo” An Phú vượt qua đoạn đường bị nước ngập chia cắt (Ảnh chụp ngày 23/7/2013). Ảnh: TỬ TRỰC
Con đò chở người dân “ốc đảo” An Phú vượt qua đoạn đường bị nước ngập chia cắt (Ảnh chụp ngày 23/7/2013). Ảnh: TỬ TRỰC


Cả đời gắn bó với “ốc đảo” An Phú, bà Thái từng trải hết bao khổ cực của vùng quê nghèo đầy khắc nghiệt. Bà kể, mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 12 (Âm lịch) thì dân ở đây phải chịu cảnh lũ lụt thường xuyên, nước tràn vào nhà cửa, cuốn trôi hoa màu, vật nuôi trong nhà. Con cháu đi học phải đi từ tờ mờ sáng, lội bùn, lội nước, qua đò qua sông mới đến được trường. Còn mùa nắng, cây cối chết khô queo quắt ngoài đồng, ruộng đất bỏ không vì không trồng được hoa màu. Một tuần ba bốn lần phải đi đò vì con đường “độc đạo” được người dân ở đây hằng năm hùn tiền lại mướn người đắp đất ngang qua bãi cát bị ngập nước thường xuyên do thủy triều hay những đợt mưa giông bất chợt. Đường ngập, xe cộ qua lại không được, cách duy nhất là phải gửi xe lại bờ bên kia rồi…  đi bộ qua đò về nhà. Bởi vậy dân làng ở đây quanh năm làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối ngoài đồng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Đến thế hệ con cháu, thanh niên trai tráng bây giờ chán nản, dần bỏ xứ đi hết…

Kể đoạn, bà Thái thở một hơi thật dài đến não ruột. Con đò chậm rãi cũng vừa cập tới. Bà lật đật vác chiếc xe đạp cà tàng của mình đưa lên đò. Đứng một lát có thêm 7, 8 người nữa cũng xuống đò. Không áo phao hay bất cứ một vật dụng bảo hộ nào. Con đò chông chênh rẽ nước hướng bờ bên kia.

“Cũng biết qua đò không áo phao là nguy hiểm, nhưng biết phải làm sao. Dân mình không có tiền mua cái áo phao. Hơn nữa, cảnh đò giang thế này đâu chỉ ngày một ngày hai, mỗi lần kêu họ mặc áo phao thì không ai chịu mặc cả… Mùa này còn đỡ, chứ mùa mưa nước sâu, sông rộng, học sinh đi học nhiều lại tranh thủ đi qua nên con đò nhỏ nhưng lúc nào cũng chở 25-30 người. Nói thì không nên, chứ có mệnh hệ gì chỉ có nước chết hết”, ông Nguyễn Văn Phố, người lái đò nói.  

Ước mơ cư dân “ốc đảo”  

Theo nhiều người dân ở đây kể lại, cách đây 5-10 năm về trước, con đường “độc đạo” nối thôn An Phú rất cao. Mỗi năm vào đợt mưa lũ thật lớn, nước sông dâng cao mới ngập qua con đường chia cắt thôn. Nhưng vì mấy năm qua, tình trạng lấy cát quá mức ở phía đầu nguồn (dưới chân cầu Trà Khúc) khiến con nước của sông Trà Khúc theo những điểm trũng này tạo thành dòng chảy chia cắt cả thôn.

“Ai đời, cát thì máy cạp ồ ạt xúc đi nơi khác. Nhưng con đường nối ra thôn, mỗi năm người dân chúng tôi cũng phải tự hùn 20-30 triệu đồng để đắp mới có đi, chứ xã, huyện có lúc thì hỗ trợ cho dân An Phú 5-10 triệu để làm đường, còn lại dân An Phú chúng tôi cũng phải tự “gánh” hết. Thế cũng chưa yên, cứ đường đắp ra, đụng con nước lớn, lại bị xói lở... Mỗi năm có 4-5 đợt phải đắp đi đắp lại như vậy”, ông Bùi Tỏi - Trưởng thôn An Phú cho biết.

 

Mỗi khi con nước lớn bất chợt, người dân An Phú phải tự “bơi” qua sông vì không có đò.
Mỗi khi con nước lớn bất chợt, người dân An Phú phải tự “bơi” qua sông vì không có đò.


Theo ông Tỏi, chỉ riêng thôn An Phú đã có gần 300 hộ, cộng thêm xóm Tân Lập (thôn Ngọc Thạch – nằm phía ngoài “ốc đảo” An Phú) gần 100 hộ nữa. Tổng cộng lại hơn 1.500 nhân khẩu. Cái cực khổ nhất của dân ở đây bây giờ là con đường nối thôn thường xuyên bị nước chia cắt, học sinh không được đến trường đúng buổi vì phải qua đò, qua sông. Bởi vậy, ước mơ lớn nhất của người dân ở đây là được Nhà nước xây cho cây cầu hoặc một con đường bê tông,  đủ sức cho người dân đi lại mỗi lần con nước dâng cao. “Số phận hơn 300 hộ dân ở đây cũng chông chênh như con đò trên nước vậy. Lúc lên lúc xuống theo con nước. Rồi có ngày xảy ra tai họa lúc nào cũng không hay… Việc này chúng tôi kiến nghị lên xã, lên huyện nhiều lần nhưng bao năm qua, dân chúng tôi cũng mãi chịu cảnh khổ triền miên”, ông Tỏi nói.

Được biết, thôn An Phú nằm trong quy hoạch dự án bán đảo Hồng Ngọc được UBND tỉnh có chủ trương xây dựng. Thế nhưng đã mấy năm qua, người dân ở đây đi không được ở cũng không xong vì đất đai, nhà cửa bán không ai mua do vướng quy hoạch. Cứ vậy, hằng ngày cuộc sống của hơn 300 hộ gia đình xứ chông chênh theo con nước.  


Bài, ảnh: Kiều Tử Trực
 


.