Cả thôn làm thủy điện

01:08, 26/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không điện lưới, không sóng di động, đường đi vô cùng vất vả, kinh tế còn rất khó khăn, thế nhưng hơn 300 người dân là đồng bào dân tộc Cor sinh sống ở lưng chừng núi vẫn có đời sống tinh thần vui vẻ, cứ gọi là tạm đủ. Họ có thể xem ti vi, nghe nhạc, nhà nhà rực sáng ánh điện đêm.

TIN LIÊN QUAN

Cách trung tâm huyện Trà Bồng chừng chục cây số theo đường chim bay, nhưng thôn Tây, xã Trà Sơn vẫn là vùng khó khăn nhất của xã, chưa có điện lưới quốc gia.

Đổi trâu lấy ánh sáng

Chúng tôi theo con đường độc đạo từ trung tâm xã vào thôn Tây. Dốc cao dựng đứng, mặt đường lởm chởm toàn đá, có đoạn thì nhão nhoẹt bùn đất do những cơn mưa chiều. Sau gần một giờ vượt dốc, lội bùn chúng tôi cũng đến nơi. Quanh co theo con đường đèo là con suối Nang dẫn chúng tôi vào thôn Tây.

 

 Người dân thôn Tây đã có nguồn điện sinh hoạt nhờ mô hình thủy điện nhỏ.
Người dân thôn Tây đã có nguồn điện sinh hoạt nhờ mô hình thủy điện nhỏ.


Điều bất ngờ nhất khi vào đến đầu thôn là những bóng đèn điện ngoài hiên của những ngôi nhà ven đường đều đang sáng, dù lúc này trời đã gần trưa. Tôi thầm nghĩ, nơi đây làm gì có điện mà lại có đèn sáng, nhạc mở xập xình nên liền hỏi một người dân. Hóa ra nơi đây nhà nào cũng có điện từ những tuabin phát điện bằng sức nước dưới con suối sau nhà. Thì ra, chính quyền nói nơi đây chưa có điện tức là nói đến điện lưới quốc gia.

Nói về thời điểm hiện diện của những thủy điện mini đầu tiên ở đây, trưởng thôn Hồ Minh Thư kể: “Bà con ở đây đã biết sử dụng điện kiểu này khoảng vài chục năm nay rồi, nhưng tôi không nhớ ai là người đầu tiên dùng loại máy phát điện này. Cách đây hơn chục năm, một người dân ở tổ 4 phải đổi 4 con trâu để có một chiếc như thế”.

Mỗi nhà một… thủy điện

Cư dân nơi đây được thiên nhiên ưu ái dành tặng cho hai con suối men theo các tổ trong làng. Suối Kết và suối Nang mang lại nguồn nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt. Nhờ các con suối có độ dốc lớn chạy dọc các khu dân cư nên người dân nơi đây tận dụng sức nước để chạy máy phát điện. Men theo một đoạn suối, tôi thấy có nhiều thác nước do các vực đá tạo thành. Đó cũng là nơi đặt những chiếc tuabin phát điện nhờ sức nước của người dân. Có chỗ thuận lợi, người ta đặt đến vài chục máy. Đường ống dẫn nước vào máy được cột thành chùm tựa theo vách đá và những cành cây.

Loại máy phát điện nhỏ dùng sức nước này rất đơn giản. Nó gồm một môtơ có chức năng tạo ra dòng điện khi quay được gắn cánh quạt. Khi nước được dẫn từ trên cao chảy qua máy làm cánh quạt quay và phát ra điện. Mỗi chiếc máy đang được người dân ở đây dùng chỉ có công suất 2- 3kwh. Vì thế chỉ sử dụng được vài bóng đèn, tivi và máy nghe nhạc chứ không thể nấu cơm, hay dùng tủ lạnh… Dù lượng điện rất khiêm tốn, nhưng người dân ở đây lại chơi rất “sang”,  bóng đèn được bật sáng suốt ngày, máy nghe nhạc hay ti vi cũng được dùng “xả láng” vì không phải trả tiền điện.

Máy phát điện mini người dân ở thôn Tây dùng hiện nay được mua từ Quảng Nam. Mỗi tuabin phát điện này có giá khoảng 3 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải mua đường ống dẫn nước, dây điện cũng mất chừng ấy tiền. “Nhờ cây keo, cây mì, con bò, con trâu nên bà con nơi đây cũng tích góp mua máy về để có điện thắp sáng. Hiện tại, chỉ trừ một số ít những hộ gia đình già yếu, còn hầu hết nhà nào cũng có điện. Nhờ có nguồn điện này mà bà con ở đây có đời sống văn hóa tinh thần tạm ổn, dù kinh tế còn rất khó khăn”- Trưởng thôn Hồ Minh Thư chia sẻ.

Mong được có điện quốc gia

Do các con suối nơi đây có độ dốc lớn, lại là vùng núi thường có mưa lũ bất thường nên chuyện máy bị cuốn trôi xảy ra thường xuyên. Chị Hồ Thị Thắm, người dân ở tổ 1 cho biết, cứ nghe ầm ầm là xem như mất máy vì không biết nước lũ đến khi nào mà mở máy mang về cất. Sau mỗi cơn lũ đi qua, máy điện bị cuốn trôi, dù có khó khăn thì họ cũng phải chạy vạy để có tiền mua lại máy.

Thôn Tây có 74 hộ dân với 337 nhân khẩu, chủ yếu là người Cor. Kinh tế chủ yếu là làm nương rẫy, chăn nuôi nên đời sống còn nhiều khó khăn. Dù vậy, để đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần, người dân vẫn bỏ ra khoản tiền tương đối lớn để duy trì nguồn điện sử dụng. Người dân nơi đây đang mong mỏi Nhà nước sớm đưa nguồn điện về để cuộc sống của họ có điều kiện phát triển hơn.

Đổ dốc trên con đường về, tôi nhận ra mình có 2 cảm giác trái ngược đan xen. Đó là sự phấn khích vì được chứng kiến cách đồng bào Cor biết dựa vào thiên nhiên làm ra điện để phục vụ nhu cầu cuộc sống, nhưng lại rùng mình với những chùm dây điện chất lượng kém chằng chịt như mớ bòng bong nằm bệt dưới nước nơi đặt những tuabin. Chắc rằng không mấy người dân ở đây hiểu nhiều về điện.


Ghi chép của X.THIÊN

 


.