Việt Nam đạt thành tựu về phát triển con người

02:07, 05/07/2013
.

Báo cáo phát triển con người năm 2013 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho thấy Việt Nam xếp thứ 127/187 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng. So với báo cáo năm 2011, các chỉ số phát triển con người đã tăng một bậc, từ 128/187 năm 2011 lên 127/187 năm 2013.
 

Việt Nam đã có nhiều chính sách dành riêng cho những người dân vùng sâu, vùng xa để đảm bảo phát triển đồng đều, bình đẳng
Việt Nam đã có nhiều chính sách dành riêng cho những người dân vùng sâu, vùng xa để đảm bảo phát triển đồng đều, bình đẳng



Với chủ đề “Sự trỗi dậy của phương Nam: Sự tiến bộ của loài người trong một thế giới đa dạng”, báo cáo phát triển con người năm 2013 được UNDP và Bộ Ngoại giao chính thức công bố ngày 3/7. Báo cáo trên đã phân tích những tiến bộ về phát triển con người ở Việt Nam dựa trên các chỉ số chính là HDI (chỉ số tổng hợp đo lường về y tế, giáo dục và thu nhập), GDI (chỉ số phát triển giới), chỉ số nghèo đói ở con người (HPI), chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI). Báo cáo đã nhận diện những thách thức mà nhiều người Việt Nam đang phải đối mặt trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và đưa ra khuyến cáo về những định hướng chính sách.

Cố vấn kinh tế của UNDP Michaela Prokop cho biết:  Chỉ số HDI của Việt Nam có sự thay đổi đáng kể nhờ phát triển kinh tế lẫn việc cung cấp dịch vụ công. Kết quả khảo sát cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt tăng lên 75,4 tuổi. Số năm đi học dự đoán của người dân là 11,9 năm và mức thu nhập bình quân đầu người là 2,970 USD. “Với mức tăng 41% trong 2 thập kỷ qua,  Việt Nam được xếp trong nhóm 40 nước đang phát triển đạt được những tiến bộ hơn cả mong đợi về phát triển con người trong những năm gần đây”, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam nhận định.

Tuy nhiên, bà Pratibha Mehta cũng lưu ý Việt Nam cần khắc phục sự khác biệt vùng miền và địa lý, trong đó đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng giới và đói nghèo đa chiều. Hiện tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Quốc hội mới trên 24%, giảm 3% so với Quốc hội khóa trước, tỷ lệ nam có trình độ trung học trở lên vẫn cao hơn nữ (28% và 24,7%). Điều này cho thấy Việt Nam cần thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của người dân, đối mặt với các thách thức về môi trường và kiểm soát những thay đổi về nhân khẩu.

Từ báo cáo trên, các chuyên gia của UNDP cho rằng Việt Nam nên tập trung hơn nữa các chính sách để đầu tư cho con người. Bà Pratibha Mehta khuyến cáo: Đầu tư vào con người có ý nghĩa sống còn giúp Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh và nhờ đó được hưởng lợi đầy đủ khi tham gia hội nhập quốc tế. Theo đó, Việt Nam cần chú trọng vào giáo dục, dinh dưỡng, y tế và các kỹ năng lao động nhằm tăng khả năng tiếp cận công ăn việc làm và tạo cơ sở cho phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
 

Theo M. Ngọc(GD&TĐ)

 


.