Tiền đền bù hỗ trợ cho dân thuộc DA thủy điện ĐăkRinh: Chảy vào túi ai?

08:07, 14/07/2013
.

(QNg)- Mấy chục năm sống trong cơ cực và nghèo khó, người dân xã Sơn Liên (Sơn Tây) hy vọng được đổi đời khi Dự án thủy điện ĐắkRinh được triển khai. Nhưng rồi, số tiền đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hàng tỷ đồng lại không vào túi họ và nơm nớp lo sợ, vì sao? Cách đây 3 năm, xóm Nghèo, Tu Mít, Nước Doa, xã Sơn Liên (Sơn Tây) bỗng dưng tấp nập người ra vào mua đất. Người dân ở đây quanh năm lăn lộn với núi rừng, chẳng biết tiền triệu là gì nên khi có người ngỏ lời mua mảnh đất hàng chục triệu đồng họ liền gật đầu mà không một chút đắn đo.

TIN LIÊN QUAN


Họ lừa đồng bào mình rồi

Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Liên, Đinh Văn Trí xót xa: “Khi nghe thông tin đồng bào bị các đối tượng dụ bán đất trong vùng quy hoạch cho DA thuỷ điện ĐăkRinh, chúng tôi đã họp dân tuyên truyền cho đồng bào hiểu để không bán đất, nhưng rồi họ vẫn bán”. Cũng theo ông Trí, những người mua đất không phải là dân thường, mà là những người biết có DA thuỷ điện sẽ triển khai và được đền bù bạc tỷ.

 

 Chủ nợ xiết tiền của dân.                                                    Ảnh: L.Đ
Chủ nợ xiết tiền của dân. Ảnh: L.Đ


Ngày 25/6, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Sơn Tây tổ chức chi trả tiền cho 65 hộ dân xã Sơn Liên với số tiền hơn 32,3 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm Sơn Tây như “nổi bão”, bởi dư luận cho rằng số tiền tỷ ấy sẽ không vào túi đồng bào mà sẽ chạy sang túi một nhóm người đã có công đi lừa dân mua đất với giá rẻ cách đây 3 năm. Cái tốt của đồng bào ở đây là sự thật thà, họ bán đất cho ai đều khai báo với chúng tôi một cách rõ ràng về tên tuổi, làm nghề gì, ở đâu nên sẽ không quá khó để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.

Những thôn nằm ở tận cùng của Sơn Liên, giáp với huyện Kon Plong (Kon Tum) cũng là tâm điểm để một nhóm người gom đất của dân, để rồi giờ đây họ chặn xiết nợ của dân. Ông Đinh Văn Đía ở thôn Tu Mít nhận được hơn 1 tỷ đồng. Ban đền bù vận động ông gửi một nửa tiền vào ngân hàng. Còn 500 triệu đồng ông Đía quyết định không chịu gửi, vì phải trả cho bà H.  "Tôi đã bán đất cho bà H. cách đây 2 năm nên giờ phải trả thôi. Sợ lắm!"- ông Đía kể trong nước mắt. Chúng tôi đem chuyện này kể với ông Đinh Văn Gàng - Trưởng khu dân cư Tu Mít thì ông cười buồn: "Cán bộ nào muốn biết những người dân nào đã bán đất cho bà H., ông Thêm thì gặp tôi. Chúng nó đang làm dân lo sợ lắm".

Trong bảng tổng hợp kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư DA thủy điện ĐắkRinh, hạng mục lòng hồ xã Sơn Liên, ông Đặng Thêm là người được nhận tiền nhiều nhất, gần 2,8 tỷ đồng. Nhưng dư luận ở đây cho rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Ông Đinh Văn Nuôi ở xóm Nghèo, thôn Nước Vương đã thực sự tiếc nuối khi đã cầm bạc tỷ trong tay nhưng giờ chỉ còn vài triệu đồng.  Ông kể: “Mình nhận được 1,2 tỷ đồng và đã gửi tiết kiệm ở Ngân hàng quân đội nhưng sổ thì thằng Thêm đã lấy rồi”. Đây chỉ là số ít nạn nhân trong vụ việc này chúng tôi có dịp tiếp cận mà thôi.

Theo thống kê, diện tích đất ở xã Sơn Liên được Nhà nước thu hồi cho DA thủy điện là 993.037m2, gồm đất nuôi trồng thủy sản, đất nông thôn và đất trồng cây hàng năm, lâu năm.
 
Kiên quyết bảo vệ quyền lợi của dân

Ngay sau khi xảy ra tình trạng giật tiền, xiết sổ tiết kiệm của dân, gây mất trật tự tại địa phương, Công an huyện Sơn Tây đã vào cuộc điều tra. Cùng với việc triển khai lực lượng đến từng hộ dân để điều tra, xác minh vụ việc, Công an còn vận động và hướng dẫn số hộ bị lừa làm đơn phản ánh. Đồng thời cử lực lượng túc trực tại nơi chi trả, hướng dẫn người dân làm thủ tục gửi tiền vào ngân hàng. Công an huyện cũng đã tạm giữ toàn bộ số sổ tiết kiệm gần 10 tỷ đồng. Trong ngày 25/6, các tổ chức đoàn thể, Công an huyện đã vận động người dân Sơn Liên gửi vào ngân hàng ước trên 15 tỷ đồng.
 
Theo Trung tá Trần Minh Thành - Phó trưởng Công an huyện Sơn Tây, việc làm này cũng chỉ giúp người dân khỏi bị chủ nợ xiết nợ khi vừa nhận tiền mà thôi. Còn về sau này, chắc chắn các chủ nợ sẽ ép người dân đi rút tiền để trả cho họ. Do đó, nếu người dân không có đơn trình báo thì rất khó ngăn chặn và xử lý.

Chiều  9/7, Công an tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Sơn Tây về những vấn đề liên quan đến vấn đề chi trả tiền đền bù. Ông Đinh Kà Để - Bí thư Huyện ủy Sơn Tây cho rằng, hiện vụ việc đang rất phức tạp nên đã đề nghị Công an tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ có hay không một số đối tượng ăn chặn tiền đền bù của người dân, cũng như vào cuộc ngăn chặn một số đối tượng chủ nợ ép người dân đã gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng rút ra trả cho chủ nợ, nhằm sớm ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Tính đến thời điểm này có 45 trường hợp gửi tiết kiệm ở 5 chi nhánh ngân hàng với tổng số tiền 20,4 tỷ đồng.

 

V. CHƯƠNG - L.ĐỨC
 


.