Nông dân ly hương mùa hạn

03:07, 21/07/2013
.

(QNĐT)- Chuyện nông dân ly hương không còn là chuyện mới mẻ ở những vùng quê của xã Phổ Cường (Đức Phổ). Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng nắng hạn, ruộng đồng không sản xuất được, lượng người ở xã Phổ Cường ly hương đi làm ăn xa càng trở nên đông hơn.

TIN LIÊN QUAN

Ruộng đồng vắng bóng nông dân

Chúng tôi về xã Phổ Cường khi đang là thời điểm của vụ lúa hè thu. Ấy thế mà đi dọc những cánh đồng của xã là những đám ruộng trống trơ. Những con mương trơ đáy, đồng ruộng phơi màu đất trắng phớ, loang lổ những vết nứt. Cây cỏ trên nền ruộng khô cằn, queo quắt.

Chỉ tay về phía cánh đồng trơ trơ đất, bà Huỳnh Thị Xuân ở thôn Thủy Thạch thở dài: Mọi năm, thời điểm này lúa đã xanh đồng, thế nhưng vụ hè thu năm nay không có nước để sản xuất, ruộng đồng đành bỏ hoang. “Nhà có 4 sào ruộng là nguồn thu chính của gia đình ấy thế mà phải bỏ, không làm được. Chưa thấy năm nào hạn nặng như năm nay”- bà Xuân than.

Toàn xã Phổ Cường có 750 ha đất trồng lúa, nhưng năm nay nắng hạn hơn 500 ha phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới nên nhiều nông dân phải rơi vào tình cảnh thất nghiệp ngay chính trong mùa vụ. Không ít nông dân phải rời quê kiếm sống.

 

Ruộng đồng khô hạn nhiều bà con nông dân phải rơi vào tình cảnh thất nghiệp ngay chính trong mùa vụ
Ruộng đồng khô hạn, nhiều bà con nông dân rơi vào cảnh thất nghiệp ngay chính trong mùa vụ sản xuất.


Đi dọc những con đường trong các xóm làng, không khó để bắt gặp những ngôi nhà đóng kín cửa im ỉm, nhiều con đường quê không khí khá vắng vẻ.  

Ghé vào một ngôi nhà dọc bên đường, thấy khách lạ, một ông cụ khoảng 70 tuổi ra chào chúng tôi, nhà chỉ có mình ông. Hỏi ra mới biết, ở nhà chỉ còn vợ chồng ông cùng mấy đứa cháu nhỏ. Năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng vợ chồng ông vẫn phải chăm sóc 2 đứa cháu nội đứa 10 tuổi, đứa chỉ hơn 5 tuổi. "Ba mẹ chúng cùng nhau vào Sài Gòn kiếm sống mấy tháng nay, để lại con cho hai vợ chồng chăm sóc"- ông cụ cho hay.

Nhìn xa xăm, ông  Bình - tên ông cụ trầm giọng kể: “Ở chỗ tui bà con đều trông chờ vô hạt lúa nhưng lúc thì sâu bệnh, khi lại chuột cắn phá, giờ lại hạn hán, thiếu nước nên nhiều người bỏ đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Hầu như ở đây hộ nào cũng có người bỏ làng đi làm thuê, có nhà đi cả hai vợ chồng.

Tìm đường mưu sinh

Trong lúc chờ xe vào Sài Gòn, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (40 tuổi) ở thôn Bàn Thạch tâm sự: Không ai muốn rời quê kiếm sống ở nơi đất khách quê người nhưng ở quê ruộng đồng khô hạn thế này thì lấy gì mà sống, nên đành phải chọn cách đi xa để tìm kế sinh nhai. Biết thế là khổ, nhưng còn hy vọng có thu nhập để trang trải cuộc sống. Nếu không đi, cứ tiếp tục sống ở nhà nuôi mấy con đang tuổi ăn, tuổi học, thì khốn.

Nói rồi chị chỉ tay vào những người đồng hành bên cạnh như muốn phân bua rằng, không riêng gì chị, mà nhiều người cùng quê cũng chọn hướng ly hương vào Sài Gòn mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau như: bán vé số, buôn bán ve chai, bán hủ tiếu...

Cũng chọn hướng ly hương vào Sài Gòn mưu sinh, anh Trần Thanh Hùng (43 tuổi) chia sẻ: Gia đình có 6 nhân khẩu chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, còn ruộng còn có cơm, giờ ruộng bỏ hoang, hai vợ chồng đành phải vào Sài Gòn bán vé số kiếm tiền nuôi con, đến Tết mới về.

 

Không ít nông dân bỏ ruộng vườn rời quê đi tìm kế sinh nhai
Không ít nông dân bỏ ruộng vườn rời quê đi tìm kế sinh nhai


Qua tìm hiểu của chúng tôi, 96% người dân ở xã Phổ Cường sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó sản xuất cây lúa là chủ yếu. Thông thường, cuộc sống nông dân chỉ bám với ruộng đồng, những hoạt động lúc nông nhàn của họ cũng gắn với cánh đồng. Nắng nóng kéo dài, khô hạn khốc liệt đã đẩy người dân lâm vào khốn khó, cuộc sống bị đảo lộn.

Ông Lê Đức Thiện- Chủ tịch UBND xã Phổ Cường cho biết: Mọi năm, ở địa phương chỉ có khoảng 2.000 người ly hương, nhưng năm nay thì tăng cao đột biến, khoảng trên 3.000 người và cũng có thể tỷ lệ người ly hương còn cao hơn, bởi nhiều người khi đi không báo với địa phương.

"Người dân buộc phải ly hương để mưu sinh, chứ ở quê thì lấy gì mà sống. Không ít người dân cũng tìm hướng chuyển đổi cây trồng trong mùa nắng hạn như: cây đậu, dưa... nhưng không có nước tưới cũng đành chịu. Trước tình hình nắng hạn như thế này, thì nguy cơ thiếu đói giáp hạt trong năm nay ở địa phương rất cao"- ông Thiện cho biết.

Xa quê là việc chẳng ai mong muốn, nhưng vì chuyện cơm áo, gánh nặng cuộc sống họ phải dứt áo ra đi, tìm kế sinh nhai. Và miền Nam thực sự là "miền đất hứa", bởi ở đó, người nông dân có nhiều cơ hội tìm việc làm và có nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình.

 

Bài, ảnh: Bảo  Ngọc
 


.