“Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh”

09:07, 28/07/2013
.

(QNg)- Những ngày đầu tháng 7/2013, mẹ Kiết lại run run thắp hương trên bàn thờ treo tấm bằng Tổ quốc ghi công. Bốn người thân của mẹ đã nằm xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Làn gió biển thổi thốc tháo qua đầu xóm nhỏ, làm mẹ Kiết bồi hồi nhớ những đứa con đã chết vì bom đạn và người chồng đã hy sinh.

TIN LIÊN QUAN

Tôi đến thăm mẹ Trần Thị Kiết vào những ngày tháng 7, ngôi nhà nhỏ nằm một mình cuối xóm Gành Lá Ngái, thôn Phú Quý, xã Bình Châu (Bình Sơn) thoảng mùi hương đầy trầm mặc. Trước ngôi nhà là biển. Những năm tháng chiến tranh, chỉ cần bứt một nắm rau, ra biển bắt mớ ốc là có thể nấu nồi canh ngọt lịm để sống được qua ngày. Bộ đội chủ lực đã chọn nơi này đào địa đạo Đám Toái làm nơi cứu chữa bệnh cho thương binh.

 

  Đưa mẹ ra thăm mộ.
Đưa mẹ ra thăm mộ.


Mẹ Kiết run run thắp một nén hương trên bàn thờ treo tấm bằng Tổ quốc ghi công. Làn gió biển thổi thốc tháo qua đầu xóm nhỏ, như ai đó chợt đi, chợt về từ một nẻo xa xăm. Thời còn trẻ, mẹ tham gia các hoạt động của thiếu nhi, thanh nữ, dân công. Có chuyến đi thâu đêm, gánh hàng để tiếp tế cho bộ đội ở tận Ba Tơ, Minh Long cách gần trăm cây số. Vì cách mạng, mẹ không biết mệt mỏi, không tiếc xương máu của mình.

Tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Dương Hương Ly: “Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh, nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc”. Mẹ Kiết cũng hiện lên trong câu thơ này. Hàng đêm, mẹ và các chị ra đào hầm cho bộ đội trú ẩn. Một ngọn đèn leo lét đủ ánh sáng, mồ hôi nhễ nhại khi chuyền tay nhau từng thúng đất. Có địa đạo Đám Toái rồi, chị em tiếp tục tham gia đào địa đạo ở Đám Sút. Đây là hầm dự bị cho bộ đội trú ẩn và rút quân.

Có lần, bọn ác ôn bắt mẹ lên một chiếc thuyền chạy theo dọc gành, đến chỗ nào nó cũng thúc vô hông mẹ và hỏi: “Phải chỗ này có hầm, địa đạo của cách mạng không? Mẹ lắc đầu: “Tôi là dân lương thiện làm ăn, đâu biết chuyện cách mạng mà chỉ cho mấy ông”.

Ngày 20 tháng 7 năm 1967, chồng mẹ là ông Nguyễn Đồng, Bí thư nông hội xã đi công tác lên huyện. Tổ công tác có 3 anh em. Ông hy sinh, không kịp nói lời trăn trối. Rồi sau đó không lâu, mẹ lại đau nhói khi 2 đứa con trúng đạn pháo, chị Nguyễn Thị Mẫn (12 tuổi), Nguyễn Thị Bé (3 tuổi). Đại tang đè lên vai mẹ khi anh Nguyễn Đào (13 tuổi), người con trai của mẹ lại bị miểng đạn pháo vào đầu. Giống như người cha, anh chết mà không kịp gọi một lời.

Mất con, mất chồng, mẹ vẫn đơn độc lao vào cuộc chiến đấu giữa xóm vắng hắt hiu. Có đêm mẹ chợt nghe bước chân nhẹ phía ngoài hiên. Châm ngọn đèn dầu, soi ra trước cửa thì thấy một chiến sĩ trẻ măng, người đầy vết thương đang được anh em đưa về. Sờ vào ngực anh chiến sĩ vẫn còn hơi thở thoi thóp, mẹ vặn nhỏ ngọn đèn, lấy trứng gà bỏ vào nồi cháo để đút cho anh. Tiếng gà gáy báo hiệu trời về sáng, mẹ dẫn đường để anh em khiêng thương binh về trạm.

Ban ngày địch bắn phá ác liệt, bắt dân dồn vào ấp chiến lược ở thôn Định Tân. Đêm trăng sáng, mẹ xuống cánh đồng Trà Long ở thôn An Hải để canh tác, kiếm gạo nuôi bộ đội. Tiếng gà gáy vang lên, mẹ lại trở về với xóm vắng luôn bị rập rình dưới họng súng của quân thù.

Hồi đó, chồng hy sinh được một tháng mẹ mới nhận được tin buồn. Mẹ  đứng lặng, người như chết trân, ánh mắt nhòa đi. Trong chuyến đi cuối cùng, ông mặc bộ quần áo bà ba đen, ngồi bên cạnh mẹ và khẩn khoản dặn dò một cách rất lạ: “Nếu không có chuyện gì, hết chiến tranh thì tôi về đóng thuyền để đi biển”. Đã 45 năm ròng, mẹ nhìn ra biển rộng mà nỗi nhớ vẫn khôn nguôi.


  Bài, ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG
 


.