Mẹ của trẻ mồ côi

02:07, 23/07/2013
.

(QNg)- Hơn 20 năm miệt mài với công việc chăm sóc trẻ mồ côi, chị Nguyễn Thị Thanh Thuận (43 tuổi, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) đã ươm mầm hy vọng, giúp hàng trăm trẻ thơ bất hạnh vững bước trên con đường đời.

TIN LIÊN QUAN

Sâu nặng tình thương     
    
Chúng tôi cùng chị Nguyễn Thị Thanh Thuận đang mải mê câu chuyện về những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh. Chợt, một đồng nghiệp nói vui: “Chị là người giàu có nhất đấy”. Chị Thuận cười hiền, bảo: “Phải rồi, giàu vì có trăm con”. Chị Thuận nhẩm tính hơn 20 năm qua, chị đã chăm sóc cho hơn 300 đứa trẻ. Dẫu chẳng phải do chính mình dứt ruột sinh ra nhưng chị đã ôm ấp chúng trong dạt dào tình yêu thương của người mẹ dành cho những đứa con thơ. Mỗi một đứa trẻ là một mảnh đời bất hạnh nhói đau.

 

  “Má Thuận” của trẻ mồ côi.
“Má Thuận” của trẻ mồ côi.

Giữa cuộc trò chuyện, một cậu bé đen nhẻm vội chạy đến bên chị Thuận, nũng nịu nói: “Má Thuận. Con thương má nhất!”. Nói rồi cậu bé nép mình vào lòng chị Thuận, thi thoảng lại đưa tay xoa mái tóc mẹ. Chúng tôi như vui lây trước niềm hạnh phúc của cháu bé khi được ôm ấp trong tình thương của mẹ. Chị Thuận cho hay, cháu bé được 4 tuổi, người dân tộc H’rê ở huyện Sơn Tây tên là Đinh Văn Đong.

Cách đây vài tháng, ngày mới đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Đong cùng với người anh trai là Đinh Văn Sau (6 tuổi) cứ ngồi thu lu trong góc phòng. Không chuyện trò cũng chẳng chịu ăn uống, hai đứa trẻ khóc sưng vù cả mắt. Chị Thuận không cầm được lòng mình khi kể cho chúng tôi nghe số phận bất hạnh của hai đứa trẻ Sau và Đong. Bố đi làm thuê bị cây đè chết. Mẹ vì quá đau buồn nên đã tự kết liễu cuộc đời bằng lá ngón, để lại 4 đứa con bơ vơ. Hiện tại hai đứa lớn sống với ông bà ngoại. “Ngày mới xuống, Sau và Đong ốm như cây tăm. Không biết tiếng Kinh, nói gì chúng cũng lắc đầu, chỉ ngồi khóc. Đến khi nguôi nỗi buồn, chịu ăn uống thì bị tiêu chảy liên miên vì khác chế độ ăn… Thấy thương lắm”, chị Thuận nói.       

Làm mẹ… thuở chưa chồng        

Ngược dòng thời gian nhớ lại chuỗi ngày làm mẹ của trẻ mồ côi, chị Thuận khóc rồi lại cười. Cảm xúc bên những đứa con thơ bất hạnh chất chứa bao niềm vui nỗi buồn. Chị Thuận tâm sự: “Có người mẹ nào thấy con khôn lớn mà không vui cơ chứ. Nhiều cháu đã lập gia đình riêng, công việc ổn định… thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm sức khỏe của má. Chỉ cần có thế đã  vui nhất rồi”.  Hạnh phúc nào hơn khi đêm đến các cháu tranh nhau để được ngủ với “má Thuận”, để được sưởi ấm trong tình thương của mẹ.  “Nhiều lúc phải phân công hôm nay đứa này ngủ thì hôm sau đến lượt đứa khác”, chị Thuận hạnh phúc nói.

 Khi chưa lập gia đình, chị Thuận đã là mẹ của hàng chục đứa trẻ mồ côi. Ngày trung tâm mới thành lập cũng là ngày chị bắt đầu công việc mà cứ ngỡ chỉ là “tạm thời”. Nhưng rồi tình thương đã níu bước chân chị. Từ cô gái bỡ ngỡ khi nghe sấp nhỏ gọi “má”, chị đã trở thành người mẹ đáng kính, nặng ơn nuôi dưỡng đối với hàng trăm trẻ mồ côi. Chị Thuận bộc bạch: “Chị có 3 đứa con ruột nhưng nhẩm tính thời gian chị ở bên các con ở nhà ít hơn nhiều so với các con ở trung tâm, được cái các con ở nhà thấu hiểu công việc của mẹ, thương những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh nên cứ động viên mẹ cố gắng”.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hiện có 80 cháu nhỏ và hơn 40 cụ già. Mỗi đêm ở trung tâm chị chẳng được yên giấc, hết chăm sóc các mẹ rồi lại đến các con. Khổ nhất là chăm sóc các cụ già yếu và các cháu bị khuyết tật. Chị Thuận nhiều lần rơi nước mắt khi gánh chịu đòn đau từ những người mẹ tinh thần thiếu minh mẫn, dẫu thế chị vẫn luôn động viên mình cố gắng. “Quan trọng nhất là cái tâm. Chị em ở đây đều thế, không có cái tâm thì không thể gắn bó lâu dài”, chị Thuận chia sẻ.

Người phụ nữ hơn 20 năm gắn bó với trẻ mồ côi Nguyễn Thị Thanh Thuận đã ươm mầm hy vọng, chắp đôi cánh cho hàng trăm trẻ thơ tung bay trong tình yêu thương ngập tràn. Song, với chị ước mơ cháy bỏng vẫn là “cầu mong cho xã hội bớt đi mảnh đời trẻ thơ bất hạnh, không phải để mình đỡ vất vả mà để bản thân các cháu không phải chịu thiệt thòi”.


 

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ


.