Không cấm hôn nhân đồng tính

03:07, 27/07/2013
.

Thông báo về quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình, ông Trần Tiến Dũng - người phát ngôn Bộ Tư pháp - cho biết bộ đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân và đề xuất bổ sung nhiều quy định mới.
 

Đám cưới tập thể của người đồng tính ở Hà Nội - Ảnh: Nga Linh
Đám cưới tập thể của người đồng tính ở Hà Nội - Ảnh: Nga Linh


Ví dụ, đề xuất sửa quy định tuổi kết hôn của nam giới từ 20 xuống đủ 18 tuổi. Quy định này nhằm thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự và một số lĩnh vực hoạt động xã hội khác.

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất bãi bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Theo đó, dự luật đã được sửa theo hướng Nhà nước không thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng quy định việc giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa người cùng giới tính thì được áp dụng các quy định về giải quyết hậu quả việc nam nữ chung sống như vợ chồng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng giữa quy định “cấm” của pháp luật hiện hành và quy định “không thừa nhận” của dự thảo luật có gì khác nhau, ông Dương Đăng Huệ, vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, cho biết đó là cả bước tiến về nhận thức. Một khi còn quy định cấm thì người vi phạm sẽ bị xử phạt. Nhưng không thừa nhận thì không có nghĩa là cấm. Không thừa nhận vì hành vi đó chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, đặc biệt là văn hóa, thuần phong mỹ tục của nước ta. Hiện nay, cả thế giới chỉ có 11 quốc gia chính thức thừa nhận hôn nhân đồng tính và đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Quy định trong dự thảo luật như vậy là đảm bảo xử lý thực tế xã hội đang đặt ra.

Sau một thời gian tiếp nhận góp ý của nhân dân, ban soạn thảo cũng đã đưa quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào dự thảo luật. Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên cơ sở quy định chặt chẽ, cụ thể về người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên; trách nhiệm pháp lý (dân sự, hành chính, hình sự) của các bên...

Một trong những quy định mới khác nếu được Quốc hội chấp nhận sẽ giúp các đôi vợ chồng quyết định ly hôn mà không nhất thiết phải ra tòa án. “Việc giải quyết thuận tình ly hôn sẽ được thực hiện theo hướng đảm bảo thuận lợi về thủ tục cho người dân và tôn trọng ý chí tự nguyện của vợ chồng trong việc chấm dứt hôn nhân. Theo đó, vợ chồng có thể lựa chọn giải quyết việc thuận tình ly hôn của mình tại cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc tại tòa án nếu đảm bảo điều kiện cả hai thuận tình, không có tranh chấp trong nuôi con hoặc cấp dưỡng cho con và không có tranh chấp về tài sản” - ông Trần Tiến Dũng cho hay.

Dự luật sẽ được trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp cuối tháng 10.

 

Theo Lê Kiên/Tuổi trẻ


.