Khai thác cát ở Lò Muồng: Lợi bất cập hại

08:07, 02/07/2013
.

(QNg)- Dù “đào rộng móc sâu” nhưng một số đơn vị khai thác cát tại bãi Lò Muồng vẫn không bị chính quyền cấp trên xử lý khiến người dân thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) bức xúc, dẫn đến việc hai bên mâu thuẫn và suýt xảy ra ẩu đả.

TIN LIÊN QUAN


 Người dân thôn Phú Khương bất bình vì theo bản đồ địa giới 364, bãi cát Lò Muồng thuộc xã Hành Tín Tây. Nhưng do nằm trên đất Hành Tín Đông nên địa phương này được hưởng lợi từ việc khai thác tài nguyên là cát, sạn của bãi Lò Muồng. Đã thế, khi phát hiện hai Công ty TNHH MTV là: Chánh Thắng và Sơn Anh khai thác cát, sạn theo kiểu “đào rộng móc sâu”, người dân và chính quyền xã Hành Tín Tây lo ngại sạt lở, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của hơn 1.000 hộ sống ven sông nên kiến nghị các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét xử lý nhưng bất thành.

"Phạm quy" trong khai thác

Đó là khẳng định của người dân và chính quyền xã Hành Tín Tây khi đề cập đến tình trạng khai thác cát, sạn theo kiểu tận thu tại Lò Muồng của Công ty Chánh Thắng lẫn Sơn Anh (DN). Dẫn chứng điều này, ông Phạm Trung Kiên, Bí thư Chi bộ thôn Phú Khương đưa chúng tôi đi mục sở thị bãi cát Lò Muồng với vẻ xót xa xen lẫn bất bình trước cảnh “nát như tương” của nó. “Đào bới như thế này thì đố sông suối, đất đai nào còn”, vừa nói ông Kiên vừa chỉ tay về phía công trường - nơi bán kính chưa đầy 500 mét nhưng đã có 3 xe đào liên tục múc để kịp cung ứng cát, sạn cho 6 xe tải ra vào “ăn hàng”. Thế nên, dù nắng nóng như đổ lửa nhưng không khí hoạt động nơi đây trông rất khẩn trương, hối hả. Những đống sạn mọc cao lên kéo theo hàng loạt hố lớn, hố nhỏ xuất hiện với đủ loại nông sâu khiến bộ mặt bãi cát thêm nham nhở.

 

Máy đào, xe tải hoạt động tại bãi cát Lò Muồng
Máy đào, xe tải hoạt động tại bãi cát Lò Muồng


Theo bà con nơi đây, những gì chúng tôi thấy chỉ là một phần rất nhỏ của hoạt động khai thác cát, sạn tại Lò Muồng. Bởi lúc cao điểm, DN huy động máy đào, xe tải chạy ầm ầm suốt ngày để múc cát, chuyển sạn khiến người dân xã Hành Tín Tây nóng ruột. “Mỗi lần như thế là bờ sông lại xuất hiện thêm mấy cái ao sâu hoắm. Có chỗ sâu 2 - 3 mét (vượt quy định 1-2 mét, PV) và trở thành vũng hoặc con lạch khi có mưa”, ông Nguyễn Hoàng, Trưởng thôn Phú Khương cho hay.


Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi phát hiện những sai phạm trong khai thác cát, sạn của hai doanh nghiệp trên, người dân và chính quyền xã Hành Tín Tây đã kiến nghị các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét và chấn chỉnh nhưng đến giờ, tình trạng khai thác vẫn tiếp diễn khiến họ rất bất bình. “Doanh nghiệp vi phạm quy định nhưng chẳng bị răn đe, xử lý. Nếu cứ tiếp diễn như thế thì nhỡ xảy ra sạt lở bờ sông, ai sẽ bảo vệ tài sản và tính mạng cho hơn 1.000 hộ dân chúng tôi?”, một người dân bức xúc nói.

Đừng để bên lở, bên bồi

Đây không phải lần đầu DN “phạm quy” trong quá trình khai thác cát, sạn ở xã Hành Tín Đông. Bởi năm 2012, người dân cũng phản ứng gay gắt, thậm chí đòi ngăn cản DN thi công, chặn xe vận chuyển khi nhìn những cái hố sâu hoắm ở bãi cát Nhơn Lộc 1. Và, dường như các DN lại “quên” bài học này nên hiện giờ, tình trạng trên lại tiếp tục tái diễn. Chỉ khác là đối tượng bức xúc không phải ở xã Hành Tín Đông, mà lại là Hành Tín Tây!. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây nói: “Khai thác bãi cát Lò Muồng theo kiểu tận thu nghĩa là DN đã và đang uy hiếp cuộc sống của hơn 1.000 hộ dân đang sống ven dòng sông Vệ này”. Bởi theo ông Tâm, một khi các bãi cát -hành lang ven sông bị “bức tử” thì dòng chảy có nguy cơ thay đổi, khiến nước xoáy mạnh về một phía, gây ra tình trạng bên lở bên bồi. Và người dân Hành Tín Tây bức xúc và lo lắng mình sẽ ở…bên lở!.

Còn về chuyện “sở hữu” bãi cát thì chính quyền xã Hành Tín Tây khẳng định là “không quan trọng” dù theo bản đồ địa giới 364, Lò Muồng thuộc xã Hành Tín Tây. Tuy nhiên, vì nằm trên đất Hành Tín Đông nên địa phương này quản lý, sử dụng bãi cát Lò Muồng. Còn việc phê duyệt và cấp phép khai thác là do UBND huyện Nghĩa Hành thực hiện khiến công tác quản lý nhập nhằng. Điều này dẫn đến việc phát hiện và xử lý những sai phạm của DN trong quá trình thi công không kịp thời. Hơn nữa, vì chưa được phân cấp chức năng quản lý nên chính quyền xã Hành Tín Đông cũng “bó tay” trong việc kiểm soát khối lượng cũng như độ sâu mà DN được phép khai thác. Thế nên, “khi nhân dân phản ánh DN “ăn gian”, chúng tôi cũng chỉ biết nhắc nhở, rồi báo cáo cấp trên chứ không đủ thẩm quyền xử lý”, ông Trịnh Bê, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông bày tỏ. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN qua mặt các ngành chức năng vi phạm quy định khiến mục đích ban đầu của việc khai thác cát, sạn là cải tạo lòng sông, điều tiết dòng chảy cũng bị chệch hướng theo cả hai nghĩa.

Để tránh tình trạng “lợi bất cập hại” do khai thác cát, sạn gây ra ở Lò Muồng, đã đến lúc các ngành liên quan cần đánh giá, kiểm tra cụ thể những tác động đối với dòng chảy của dòng sông; đồng thời xử lý những DN lợi dụng việc khai thác để trục lợi, gây bức xúc trong dân.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.