Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2013:
Gia đình - Nơi ấm áp yêu thương

08:06, 28/06/2013
.

Gia đình - đó là nơi chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương ấm áp quý mến của mỗi thành viên trong tổ ấm ấy; là nơi ông bà đáng kính luôn quan tâm nhắc nhở con cháu làm theo những điều hay lẽ phải; nơi cha mẹ mẫu mực trong lối sống, chí thú làm ăn, chăm lo xây dựng cho cuộc sống gia đình luôn được đầy đủ ấm no, dạy bảo con biết kính trên nhường dưới...

 

Đơn cử vài nét tiêu biểu như vậy, để thấy được một niềm hạnh phúc lớn lao cho những ai được sống trong hoàn cảnh gia đình như thế. Đương nhiên, không phải những điều tốt lành ấy tự dưng mà có được, mà nó phải được hình thành từ những suy nghĩ tốt đẹp ban đầu, từ những tấm lòng thương yêu và và cuối cùng là những hành vi thật sự có đầy đủ trách nhiệm đối với gia đình của mỗi thành viên cùng chung tay xây dựng mà nên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:"... Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt. Tục ngữ ta có câu : "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn". Muốn thuận vợ thuận chồng thì lấy nhau phải thực sự yêu đương nhau..." (1).

Điều đó cho thấy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đánh giá về vị trí, vai trò của mỗi gia đình, theo đó Người chỉ rõ gia đình là hạt nhân của xã hội, là tế bào của cộng đồng dân cư, do đó người người, nhà nhà phải cùng chăm lo vun đắp xây dựng mái ấm ấy ngày càng ấm áp, hạnh phúc vững bền. Thế nhưng trong thực tế thời đại ngày nay, bên cạnh phần lớn gia đình Việt Nam đang luôn quan tâm chăm lo xây dựng hạnh phúc bằng những việc làm hiệu quả và thiết thực phù hợp với truyền thống, đạo lý, thuần phong mỹ tục và pháp luật hiện hành, cũng còn không ít gia đình bị cuốn hút vào vòng xoáy đầy rẫy những cạm bẫy cám dỗ, sự "ru ngủ" của mặt trái xã hội, theo đó khá nhiều gia đình dù luôn đầy ắp tiền bạc, nhưng lại quá thiếu thốn tình yêu thương của các thành viên trong gia đình với nhau, đây thật sự là "kẽ hở" cho các thói hư tật xấu của xã hội len lõi vào, tạo ra sự bào mòn đạo đức, lối sống của con người, uy hiếp trực tiếp đến hạnh phúc gia đình, chắc chắn sớm hay muộn điều ấy cũng sẽ đem lại hệ lụy xấu xa không ai muốn.
 

Tri ân mừng thọ ông bà. Ảnh minh hoạ
Tri ân mừng thọ ông bà. Ảnh minh hoạ


Từ lâu, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động nhiều phong trào hành động cách mạng trong phụ nữ cả nước như "Phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"... cho thấy phụ nữ ngày nay đã biết kế thừa một cách xứng đáng những truyền thống quý báu mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, từ đức tính lao động cần cù sáng tạo, chịu thương, chịu khó đến tinh thần dũng cảm xả thân vì dân vì nước, từ chăm lo cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc đến chung lo đóng góp xây dựng xã hội bình đẳng, tiến bộ và phồn vinh... Trong Thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày 8 tháng 3 năm 1960 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đoạn: "...Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước..." (2)

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đặc biệt quan tâm đến vấn đề chỉ đạo xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Liên hoan Phụ nữ "năm tốt" ngày 30-4-1964, Người dạy : "...Điều thứ năm trong phong trào "năm tốt" là xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái tốt. Điều này cũng đúng, nhưng cần giải thích thêm. Gia đình có nghĩa cũ và nghĩa mới, nghĩa hẹp và nghĩa rộng. "Gia" là nhà, "Đình" là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt.

Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ, những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã...đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình. Ta có câu hát :

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng..." (3)

Tổng quan từ những cơ sở lý luận trên và qua thực tiễn chứng minh, có thể khẳng định rằng, việc xây dựng gia đình hạnh phúc vừa là một đòi hỏi khách quan, vừa là một yêu cầu có tính nhân văn sâu sắc, bởi muốn có một xã hội ấm no, tiến bộ, hạnh phúc thì phải nuôi dưỡng một cách bền vững từng tế bào của nó, tức là gia đình. Như vậy vấn đề xây dựng gia đình và xây dựng xã hội có mối quan hệ biện chứng hữu cơ với nhau, không thể tách rời, nó tác động qua lại, tương trợ lẫn nhau và cùng phát triển.

 

Rõ ràng sẽ không có được một gia đình hạnh phúc theo đúng nghĩa đơn thuần của nó, khi những thành viên trong gia đình ấy không có sự chung tay góp sức, mà biểu hiện rõ nét nhất của sự góp sức ấy chính là thái độ đầy tình cảm yêu thương, hành động đầy trách nhiệm với nhau, và gia đình không thể yên ổn nằm trong một khu dân cư luôn mất an ninh trật tự, hàng xóm luôn xích mích gây gổ nhau, và xã hội (cụ thể trực tiếp là khu dân cư) không thể là nơi bình an, là nơi đáng sống, là địa chỉ văn hóa, khi trong ấy nhiều gia đình có hành vi bạo lực, sống không có tình làng nghĩa xóm, không "nhập cuộc" vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương...

Ai cũng có thể hiểu rất rõ rằng, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi vấn đề đạo đức xã hội đang có những diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu, thì việc xây dựng gia đình hạnh phúc là đặc biệt quan trọng và hết sức cần thiết, cần có sự chung tay góp sức của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội, để mỗi gia đình phải thật sự là nơi ấm áp hội tụ những yêu thương, và như Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, nêu rõ : "...Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách...bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam..." (4), đây được xem là thông điệp mới nhất của xã hội ta dành cho việc chăm lo xây dựng từng gia đình người Việt Nam ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, và đây cũng chính là cơ sở nền tảng để nước ta phấn đấu hướng tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" mà toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu.
 

Theo Cadn.com.vn
(Mai Mộng Tưởng- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)


 



(1)Hồ Chí Minh toàn tập, NXB  CTQG, Hà Nội 1996, tập 9, trang 523

(2) Sách đã dẫn, tập 10, trang 85

(3) Sách đã dẫn, tập 11, trang 257-258

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, trang 77

 


.