Vượt nỗi đau riêng...

08:05, 06/05/2013
.

(QNg)- Trong những ngày tháng tư rực nắng, đi về các vùng quê Quảng Ngãi, ta dễ dàng nhận thấy sự đổi thay của quê hương. Thế nhưng, lắng sâu trong sự đổi thay ấy, vẫn còn những con người thầm lặng gánh chịu nỗi đau riêng, vươn lên trong cuộc sống.

Đó là hoàn cảnh của hai chị em nữ du kích trong chiến tranh tên là Nguyễn Thị Thảo và Nguyễn Thị Công, ở thôn Gia Hội, xã Bình Thanh Đông (Bình Sơn).

 

 Chị Thảo đang cắt cỏ nuôi bò bằng bàn tay tàn tật
Chị Thảo đang cắt cỏ nuôi bò bằng bàn tay tàn tật


Hai chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của hai chị hoạt động cách mạng tại quê hương. Ông dũng cảm hy sinh trong một lần vào phá ấp chiến lược tại xã Bình Thanh năm 1962. Bà Nguyễn Thị Phê, mẹ của hai chị, bị địch bắt ở tù tại nhà lao Quảng Ngãi. Đến năm 1963 bà mới được ra tù. Em trai út của các chị khi mới lên 10 tuổi, trong một lần đi lượm vũ khí của địch về cho du kích, đã chết vì vướng mìn của lính Đại Hàn. Bà Phê ở nhà nuôi cô gái út là Nguyễn Thị Liên và tham gia công tác phụ nữ xã cho đến ngày giải phóng. Trong chiến tranh, chị Liên cũng là người được giao nhiệm vụ đi chợ mua thực phẩm tiếp tế cho Trạm phẫu A100 khi đóng tại xã Bình Thanh. Sau 1975, chị Liên xây dựng gia đình, ra ở riêng.

Chị Nguyễn Thị Thảo (năm nay 63 tuổi) là trưởng nữ của gia đình. Chị tham gia du kích xã từ năm 1968. Khi ấy chị mới 18 tuổi. Năm 1969 chị bị địch phục kích bắn bị thương tay và chân. Sau khi bình phục, sẹo còn khoét sâu vào gần tới xương đùi, một tay thì bị tật, chị vẫn tiếp tục tham gia du kích. Năm 1971, chị lại bị thương lần nữa vào cổ chân và sườn. Điều trị không kịp thời nên bị nhiễm vi trùng uốn ván, may mắn được cứu sống. Chị tiếp tục công tác cho đến ngày giải phóng, chuyển qua làm nhân viên cửa hàng HTX mua bán. Đến năm 1987, HTX mua bán giải thể, chị về ở với mẹ và làm ruộng.

Chị Nguyễn Thị Công (59 tuổi), khi đến 18 tuổi thoát ly gia đình. Sau khi học lớp bổ túc y tá được cử về công tác tại Ủy ban huyện Đông Sơn (cũ) đóng tại xã Bình Thanh (thuộc huyện Bình Sơn ngày nay). Lúc đó rất ác liệt. Có lần, bên ngoài địch dùng xe tăng bao vây, bên trong chúng đổ quân xuống đốt trại, ta phải rút vào rừng. Chị ở lại cùng sống chết với thương binh. Sau đó quân ta đánh mở đường, đưa thương binh lên tuyến trên. Lúc này chị mới biết mình còn sống. Năm 1979, chị được cử đi học bổ túc rồi vào học lớp trung cấp trường y. Ứớc mơ của chị là suốt đời được phục vụ trong ngành y, không ngờ vết thương ở đầu và gần bên mắt phải trong chiến tranh tái phát làm chị nhức đầu dữ dội, không thể tiếp tục học được nữa nên năm 1981 lại trở về làm Trưởng trạm y tế xã Bình Thanh. Đến năm 1991 chị nghỉ việc hưởng chế độ một lần. Chị về ở với mẹ và cùng chị Thảo chắt chiu, gom góp làm ăn nơi quê nhà.

Cứ thế, qua nhiều năm, hai chị em và một mẹ già vừa làm ruộng, vừa chăm sóc nhau và cùng chịu đựng nỗi đau của chiến tranh còn đọng lại. Những vết thương trên cơ thể luôn hoành hành. Mẹ thì bị địch tra tấn dã man trong những năm ở tù, khi về già lại bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường gần 10 năm nay. Chị Thảo bị mảnh đạn còn nằm trong phổi hành hạ. Có khi đang làm ngoài đồng, cơn đau nổi lên làm chị ngất xỉu. Chị Công bị đau đầu kinh niên và thị lực giảm đáng kể. Nhiều khi đau quá chị phải chui xuống giường ôm đầu khóc một mình. Chị đã đi khắp các bệnh viện và tìm đến nhiều thầy thuốc đông, tây y chữa trị mà không khỏi...

Cuối tháng tư này đến nhà hai chị ở khuất sau cánh đồng thôn Gia Hội và được nghe hai chị tâm sự mới rõ ra là trong đời chị nào cũng có cuộc tình đẹp. Người yêu, chị Thảo đã hy sinh trong chiến tranh. Thủy chung với người yêu chị Thảo không đi thêm bước nữa. Còn chị Công do bệnh tật không muốn làm khổ người yêu mình nên đành ở vậy.

Chiến tranh đi qua đã lấy đi quãng đời tuổi trẻ của chị Thảo, chị Công. Hai chị em ở vậy cùng chăm sóc mẹ già. Dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng nguồn thu nhập từ làm nông và tiền trợ cấp từ chế độ chính sách của Nhà nước không đủ để mua thuốc chữa bệnh và trang trải cho cả ba người, nên cuộc sống của họ lâm vào khó khăn. Rất mong các cấp chính quyền địa phương có sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn với gia đình chị Thảo, chị Công để phần nào đền đáp những công lao cống hiến và sự mất mát, thiệt thòi của các chị.


    Bài, ảnh: Nguyễn Khâm
 


.