Việt Nam có 1,2 triệu trẻ em khuyết tật cần được chăm sóc đặc biệt

08:05, 31/05/2013
.

Chiều 30-5, tại thành phố Đà Nẵng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Lễ công bố báo cáo tình hình trẻ em thế giới 2013 với chủ đề “Tình hình trẻ em thế giới 2013: Trẻ em khuyết tật”.

Tham dự có Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Giám đốc điều hành UNICEF An-tô-ni Lếch (Anthony Lake); Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Ô-xtrây-li-a (AusAID) Pi-tơ Ba-xtơ (Peter Baxter), cùng đại diện một số cơ quan ban, ngành…

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng trẻ em thiệt thòi, nhất là trẻ em khuyết tật. Ở Việt Nam có hơn 1,2 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có nhiều trẻ em khuyết tật do hậu quả và di chứng của chiến tranh, nhất là nhiễm chất độc hóa học và bị tai nạn bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Đây là thách thức rất lớn trong nỗ lực bảo đảm quyền trẻ em đối với trẻ khuyết tật và giúp các em hòa nhập cộng đồng. Là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam luôn đề cao các nguyên tắc cơ bản của Công ước, đặc biệt là nguyên tắc không phân biệt đối xử, luôn nỗ lực hướng tới bảo đảm để trẻ khuyết tật được hưởng trọn vẹn, đầy đủ và bình đẳng các quyền của mình.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, trong 10 nhóm trẻ cần được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt ở Việt Nam, thì trẻ khuyết tật là nhóm lớn nhất với tổng cộng 1,2 triệu trẻ, chiếm 86%.

Báo cáo của UNICEF cho thấy, trẻ khuyết tật phải đối mặt với những thách thức lớn, nhiều em chưa được cộng đồng quan tâm, chăm sóc và ít có cơ hội tiếp cận giáo dục. Đáng chú ý, vấn đề này có thể dẫn đến tình trạng vi phạm các quyền của trẻ em và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, lạm dụng cao hơn. Báo cáo cũng chỉ ra ba lĩnh vực lớn cần phải hành động ngay để cải thiện tình hình của trẻ khuyết tật và thực hiện quyền của các em. Trước hết, phải có một xã hội hòa nhập hơn. Thứ hai, phải chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với trẻ khuyết tật. Cuối cùng, cần có số liệu sát thực hơn về trẻ khuyết tật.

Giám đốc Điều hành UNICEF, ông An-tô-ni Lếch và Tổng giám đốc AusAID, ông Pi-tơ Ba-xtơ đều thống nhất cho rằng, các nỗ lực hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập với xã hội sẽ giúp đẩy lùi sự phân biệt đối xử đang gạt các em ra bên lề của xã hội.



Theo TIẾN DŨNG/Báo QĐND


.