Nhiêu khê chuyện cấp “sổ đỏ”

08:05, 14/05/2013
.

(QNg)- Có nhiều nguyên nhân khiến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN)  trên địa bàn tỉnh bị “vướng”.  Đến nay còn hàng nghìn giấy chưa được cấp mà “lỗi” không thuộc về người dân…
 

Kỳ 1: Bản đồ địa chính làm khổ dân!



 Chỉ vì “bản đồ địa chính” mà không ít người dân trở thành những người “một cảnh hai quê”. Hộ tịch, hộ khẩu chính quyền sở tại cấp, còn giấy tờ nhà đất lại do chính quyền “liền kề” giải quyết. Chuyện thật như… đùa ấy đang xảy ra tại một số nơi trong tỉnh từ nhiều năm nay…


 “Ngã ngửa” vì bản đồ địa chính

Người dân thôn An Hội Bắc 3, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) là một trong những người “nếm trải” bao nhọc nhằn trong suốt hai năm qua kể từ khi  họ được  “đưa về” phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, sau khi địa phương này hoàn tất việc đo đạc bản đồ địa chính VLAP theo hệ chính quy 364. Ông Lê Văn Trung  đưa cho chúng tôi xem “sổ đỏ” được cấp những năm trước 2011 do Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa ký. Thế  mà sau khi đo đạc chính quy tổ chức cấp đổi lại “sổ đỏ” thì người dân ở đây bị UBND huyện Tư Nghĩa từ chối giải quyết, “vì đất này đã quy hoạch về phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi quản lý”.

 Người dân thôn Xà Tôn  chỉ về phía ngọn núi Xuân Thu - nơi họ vừa được cấp đất để trồng keo nhưng hiện đất vẫn “treo”  trên giấy.                                                                                                                                                    Ảnh: TN
Người dân thôn Xà Tôn chỉ về phía ngọn núi Xuân Thu - nơi họ vừa được cấp đất để trồng keo nhưng hiện đất vẫn “treo” trên giấy. Ảnh: TN


Nhưng những người như ông Trung còn may mắn vì “đất đã có giấy”. Còn các hộ dân khác ở đây nằm trong diện nhà đất chưa được cấp giấy tờ mới khổ sở. Lên xã Nghĩa Kỳ thì xã chỉ về phường Quảng Phú, đến phường Quảng Phú cán bộ lại bảo phải về nơi cư trú hỏi lại chứ họ không biết. Không có GCN trong tay, người dân ngoài “quyền” cuốc đất trồng cây thì mọi quyền lợi khác như tặng, cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xin phép xây dựng nhà ở… đều không thực hiện được.

Còn ở huyện Minh Long, sau khi tiến hành đo đạc lập bản đồ địa chính chính quy, diện tích đất ở, đất sản xuất của huyện “bỗng dưng” bị cắt về các huyện lân cận gồm Sơn Hà, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa hơn 2.500 ha. Trong đó, cá biệt có xã Long Môn bị “cắt” sang xã Sơn Kỳ hơn 2.170 ha, gồm diện tích gần như toàn bộ thôn Cà Xen. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Minh Long, diện tích còn lại hiện tại của xã này vào khoảng 5.600 ha, giảm 1/3 so với khi chưa đo đạc lập bản đồ địa chính.

Người dân ở thôn Cà Xen bao đời nay sống ổn định, canh tác, dựng nhà, sinh con đẻ cái ở bên kia dãy núi Mum nhưng do bản đồ địa chính mà đành phải chấp nhận cảnh: Hộ khẩu, hộ tịch thì đến chính quyền huyện Minh Long giải quyết; còn giấy tờ nhà đất thì phải qua huyện Sơn Hà làm với bao nhọc nhằn, tốn kém. Ông Đinh Tiên – cán bộ hưu trí ở xã Long Môn dẫn chúng tôi về “vùng giáp ranh” làng Mum và làng Cà Xen thuộc thôn Cà Xen chỉ cặn kẽ đường ranh đất bao đời của xã Long Môn nay đã được cán bộ “khoanh” vào bản đồ địa chính của xã Sơn Kỳ. Chỉ vào ngọn núi Mum sừng sững vây quanh làng mình, ông Tiên bảo: “Đo vẽ bản đồ địa chính thế thì chỉ có khổ dân thôi. Dân làng mình về đây ở trước khi có cái bản đồ kia mà, đâu phải là xâm canh, xâm cư. Mình mong Nhà nước xem lại, để dân mình yên tâm làm ăn, dễ dàng làm thủ tục cấp giấy tờ đất”.

Chính quyền cũng than: Quá khổ!

Ông Nguyễn Văn Thuần – Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết: “Huyện cũng khổ vì việc đo vẽ bản đồ địa chính và gặp phải bao phiền toái từ chuyện bản đồ địa chính này”. Hiện tại, nếu chiếu theo bản đồ địa chính thì ở khu vực này huyện Minh Long chỉ quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Còn người dân canh tác, sản xuất, làm nhà, làm đường trên đất như thế nào lại thuộc quyền giải quyết của huyện Sơn Hà. Chính vì thế, huyện Minh Long nhiều năm nay rất đắn đo trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở đây.

 

Người dân thôn Cà Xen, xã Long Môn (Minh Long) mặc dù nhà đất và hộ khẩu cùng một “địa chỉ” nhưng sổ hộ khẩu do Minh Long cấp, còn giấy tờ đất thì huyện Sơn Hà cấp!
Người dân thôn Cà Xen, xã Long Môn (Minh Long) mặc dù nhà đất và hộ khẩu cùng một “địa chỉ” nhưng sổ hộ khẩu do Minh Long cấp, còn giấy tờ đất thì huyện Sơn Hà cấp!



Riêng đối với huyện Sơn Hà – địa phương “tự dưng” được quyền quản lý hơn 2.170 ha đất từ huyện Minh Long chuyển sang theo đo vẽ bản đồ địa chính cũng than: Rất cực! Bởi khu vực này chủ yếu là đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ đầu nguồn, địa hình phức tạp rất khó bảo vệ rừng theo đúng yêu cầu. Ông Đặng Ngọc Dũng – Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà khẳng định: “Huyện đã tạo điều kiện hết sức cho người dân ở khu vực này làm sổ đỏ, đồng thời cũng đã thống nhất với huyện Minh Long đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuyển trả diện tích đất này về cho Minh Long quản lý, tạo thuận lợi cho dân và cho cả công tác quản lý nhà nước về đất đai”.

Trở lại câu chuyện của hơn 100 hộ dân thuộc thôn An Hội Bắc 3, xã Nghĩa Kỳ, việc “bỗng dưng” bị chia tách về phường Quảng Phú cũng gây những khó khăn nhất định cho chính quyền huyện Tư Nghĩa. Hiện tại, Chi cục thuế huyện Tư Nghĩa vẫn tổ chức thu thuế nhà đất của các hộ dân này. Vậy mà khi giải quyết giấy tờ nhà đất, huyện lại không có thẩm quyền,  vì diện tích đất trên huyện Tư Nghĩa đã không còn quản lý. “Dân trách chính quyền, nhưng cũng đành chịu, nếu không có sự điều chỉnh bản đồ địa chính cập nhật diện tích đất này vào bản đồ địa chính của huyện Tư Nghĩa”, ông Lê Trung Thành -Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết.

Trao đổi vấn đề này, ông Đỗ Minh Hải – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh nói: Sở đã, đang và sẽ tiếp tục rà soát lại việc đo vẽ để tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc, bất cập trong đo vẽ bản đồ địa chính.


Bài, ảnh: Thanh Nhị

CẤP ĐẤT SẢN XUẤT CHO DÂN NGHÈO… TRÊN GIẤY


Đầu tháng 11/2012, 53 hộ dân ở 3 thôn Xà Tôn, Lạc Hạ, Sơn Châu thuộc xã Long Sơn (Minh Long) được UBND huyện và xã cấp đất rừng sản xuất. Thế nhưng, trong số này, có khoảng 45 hộ sau khi nhận đất 5 tháng, quyền sử dụng đất của họ vẫn bị “treo”.

Theo UBND huyện Minh Long: Vào năm 2001, tại núi Xuân Thu có một nhóm hộ thuộc Công ty Lâm đặc sản tỉnh lên “khai hoang” hơn 216.733m2 đất để trồng keo. Nhóm hộ này đã “ăn” được hai lứa keo. Năm 2012, khi thu hoạch lứa keo thứ hai xong, thì UBND xã Long Sơn đề nghị họ bàn giao lại cho xã toàn bộ diện tích đất này để đo đạc cấp cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Trong khi chờ đợi đo đạc, cấp đất một số hộ dân ở thôn Lạc Hạ đã tự ý trồng keo, trồng mì trái phép trên khoảng 80% tổng số diện tích. Giải quyết vướng mắc này, UBND xã Long Sơn đã yêu cầu hai bên tự thỏa thuận nhưng đến nay vẫn chưa xong. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Võ Đình Tiến cho biết: “UBND huyện sẽ cùng với xã và ngành chức năng bàn bạc giải quyết. Sau khi đã giải quyết xong và ổn canh cho dân trên diện tích đất này thì 2 năm sau mới cấp sổ đỏ được”.

 



*Kỳ 2: Bất cập… VLAP


 


.