Nhân ngày truyền thống Phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (22/5/1946-22/5/2013):
Diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt

08:05, 22/05/2013
.

(QNĐT)- Ngay từ đầu năm 2013, bão và ATNĐ đã xuất hiện rất sớm ở phía nam Biển Đông. Mới đầu mùa hè đã có đợt nắng nóng khá gay gắt, nhiệt độ cá biệt có thời gian đã vượt lịch sử cùng thời kỳ. Tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất xảy ra ở nhiều nơi, điều đó chứng tỏ rằng biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN


* Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường

Trong năm 2012, có 10 cơn bão và 2 ATNĐ hoạt động trên biển Đông, trong đó có 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, gây thiệt hại nặng về người và tài sản.

8 đợt lũ trên các sông và triều cường xảy ra nhiều đợt ở mức cao trên sông Sài Gòn gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân. 11 trận động đất có cường độ từ 3,3 đến 4,7 độ richter. Cùng với đó, nhiều đợt lốc xoáy, dông kèm theo mưa đá ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản.

 

Tình hình
Tình hình thời  tiết được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.



Thiên tai đã làm 258 người chết và mất tích; 409 người bị thương; gần 6.300 ngôi nhà bị đổ sập; gần 101.800 ngôi nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; gần 408.400 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 3.240.000m3 đất đá bị sạt lở… Tổng thiệt hại ước tính về vật chất khoảng 16.000 tỷ đồng.

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh chịu nhiều sự khắc nghiệt của thời tiết mà ảnh hưởng lớn nhất là lũ lụt, hạn hán. Trong năm qua, Quảng Ngãi đã chịu ảnh hưởng của 10 cơn bão, 2 ATNĐ hoạt động trên biển Đông và 9 trận lốc xoáy. Các trận lốc xoáy ngày càng xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhà nước và nhân dân.


Ông Nguyễn Thanh Lạc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2013, tỉnh ta đã chịu ảnh hưởng của 1 ATNĐ, 1 cơn bão và 2 cơn lốc.

Đặc biệt, mới đầu mùa hè đã có những đợt nắng nóng khá gay gắt, nhiệt độ cá biệt có thời gian đã vượt lịch sử cùng thời kỳ. Tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất, xâm nhập mặn đang “đe dọa” trực tiếp đến hàng ngàn ha lúa, cây trồng các loại trong vụ hè thu này. Điều đó chứng tỏ rằng biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết Quảng Ngãi và sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.

*Phòng, tránh là chính

Là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, Quảng Ngãi có tới 93/184 xã, thị trấn nằm trong vùng đồng bằng ngập lũ thuộc hạ lưu 4 con sông lớn là Trà Bồng, Trà Khúc, Sông Vệ và Trà Câu và một  số xã, thị trấn miền núi thuộc vùng trũng thấp ven sông, suối thường xuyên bị ngập lụt.

Theo dự báo của Trung tâm KTTV Quảng Ngãi, năm nay, bão và ATNĐ sẽ xuất hiện sớm và nhiều hơn trung bình nhiều năm, với khoảng 11-13 cơn hoạt động trên biển Đông. Trong đó khả năng có khoảng 2-4 cơn bão hoặc ATNĐ ảnh hưởng đến Quảng Ngãi.

Mùa mưa lũ năm 2013 có thể xuất hiện từ 3-5 đợt lũ vừa và lớn, xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm, vào khoảng giữa tháng 9 và kết thúc vào thời kỳ đầu tháng 12. Lũ lớn tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11. Đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng ở mức báo động 3, có sông trên mức báo động 3 và ở mức xấp xỉ, cao hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm.

Trước tình hình trên, công tác PCLB cần thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó với mọi diễn biến bất lợi của thời tiết, mọi sự cố xảy ra.

 

aa
Quảng Ngãi hiện đã xây dựng hoàn thiện 100 chòi phòng chống bão, lũ tại những vùng đồng bằng ngập lũ. Ảnh Minh họa.



Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lạc, để chủ động đối phó với diễn biến bất lợi của thời tiết, các địa phương cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác PCLB. Trong đó cần chủ động diễn tập phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tàu thuyền, bổ sung trang thiết bị, phương tiện cứu hộ cứu nạn, thực phẩm, thuốc dự phòng để chủ động, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Trước mùa mưa bão, các địa phương cần tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng hạ tầng, phúc lợi, xã hội, có kế hoạch gia cố, sửa chữa để bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa, lũ bão, nhất là các công trình xung yếu.

Với những công trình đang thi công, phải xác định điểm dừng kỹ thuật hợp lý và có phương án cụ thể để phòng chống lũ, bão. Thường xuyên kiểm tra tiến độ, chất lượng các công trình đê, kè, hồ chứa, đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ, quản lý công trình, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão, thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra....

Ngoài ra, cần nhân rộng mô hình “chòi tránh lũ” cho nhân dân vùng thường xuyên bị lũ, để người dân chủ động phòng, tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.