Mắt mù nhưng tâm sáng

10:05, 25/05/2013
.

(QNĐT)- Bằng những việc làm nhỏ, cố gắng lớn, Hội người mù tỉnh đang dần bước ra ánh sáng, hòa nhập với cộng đồng cùng tinh thần thi đua làm theo lời Bác. Tuy là những người khuyết tật, họ vẫn hăng say lao động, quyết tâm thực hiện mơ ước được một lần đứng vững trên đôi chân của mình.

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi về thăm Hội người mù huyện Tư Nghĩa dưới thời tiết nóng như đổ lửa của mùa hè miền Trung. Vừa bước vào, chúng tôi ấn tượng ngay với cảnh tượng các anh, các chú mồ hôi nhễ nhại đang hăng say làm ra những chiếc chổi bằng chính đôi tay của mình.

Vừa lao động, vừa trò chuyện vui vẻ, cái nóng nực trong căn phòng chật hẹp như bị xua đi, nhường lại cho khoảng không gian lao động đẹp đến lạ thường. Tuy các anh đều không nhìn thấy rõ, nhưng đôi tay lao động làm hết mọi khâu từ tước đót đến bó chổi chắc, đều tăm tắp một cách rất thuần thục.

Biết có khách đến thăm, các anh, các chú liền nhiệt tình mời vào tham quan “nhà máy chổi” thu nhỏ của Hội người mù huyện. Ông Phan Quang- Chủ tịch Hội người mù huyện Tư Nghĩa tâm sự: Ngày xưa, khi mới thành lập mô hình làm chổi cho các hội viên, ai cũng nghĩ là người mù thì làm được gì. Nhưng, làm riết rồi cũng quen, đến giờ các sản phẩm chổi của người mù chúng tôi đã có tiếng trong cả tỉnh.

 

Mô hình làm chổi của Hội người mù huyện Tư Nghĩa
Mô hình làm chổi của Hội người mù huyện Tư Nghĩa


Xuất phát từ ý nghĩ, không thể là gánh nặng của xã hội, các hội viên hội người mù huyện Tư Nghĩa đã cùng nhau gầy dựng mô hình làm chổi từ năm 2004. Với nguồn vốn 2 triệu đồng được UBND huyện cấp, Hội đã tổ chức lớp học nghề và mua nguyên vật liệu về để vừa học vừa làm. Để làm được một chiếc chổi đối với người thường đã khó, thì với người mù càng khó gấp trăm lần. Mới đầu ai cũng nản, vì mắt chẳng tỏ nên mò mẫm mãi cũng chẳng làm ra thành hình chiếc chổi.

Thế nhưng, các hội viên lúc bấy giờ ai cũng mang trong mình một ước mơ cháy bỏng là có thể tự lao động, chăm lo cho bản thân. Với quyết tâm thực hiện được ước mơ ấy, họ đã nỗ lực để chiến thắng bản thân mình. Mặc cho nhiều lần bị nguyên vật liệu đâm thủng tay, họ vẫn kiên nhẫn bám lấy nghề. Từ 4 người tham gia ban đầu, đến nay đã có khoảng 10 người cùng tham gia làm các loại chổi đót, chổi dừa đem đi tiêu thụ ở nhiều nơi.

Khâu sản xuất đã khó, khâu tiêu thụ lại càng khó gấp bội phần, thế nhưng họ đã làm được và làm rất thành công. Các sản phẩm chổi chủ yếu được tiêu thụ qua việc đem đi bán lẻ ở chợ và các trường học, cơ quan. Anh Phan Thành- là một trong ba người chịu trách nhiệm đem chổi đi tiêu thụ chia sẻ: Mỗi ngày, tôi chịu khó vác chổi đi bộ ở khắp nơi. Không thấy đường, mù lòa, nhưng với sự trợ giúp của chiếc gậy, tôi cũng tiêu thụ khoảng 500-1.000 chiếc chổi/tháng.

Hiện tại, mô hình làm chổi của Hội người mù huyện Tư Nghĩa là chiếc cần câu cơm của nhiều hội viên với thu nhập khoảng 600 nghìn- 1 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy có thể là rất nhỏ so với nhiều người, nhưng với người mù, đó không đơn giản là thu nhập mà còn là bằng chứng khẳng định bản thân mình vẫn có giá trị lao động.

 

Hội người mù tỉnh luôn phấn đấu, thi đua để vượt qua cản ngại khiếm khuyết, khẳng định giá trị lao động của bản thân
Hội người mù tỉnh luôn phấn đấu, thi đua để vượt qua cản ngại khiếm khuyết, khẳng định giá trị lao động của bản thân


Cùng với sự phấn đấu của Hội người mù huyện Tư Nghĩa, còn có rất nhiều gương người mù đã vượt lên cản ngại, cống hiến trí tuệ và sức lao động cho xã hội. Ông Phan Thanh Năm- Chủ tịch Hội người mù tỉnh cho hay: Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.500 người mù với 7 huyện, thành Hội và 14 chi hội. Các thành viên tham gia hội đều được vận động tham gia vào các mô hình lao động để phát huy giá trị của bản thân như: Làm chổi, tăm tre, tẩm quất… với thu nhập từ 600 nghìn- 1 triệu 500 nghìn đồng/tháng.

Cuối năm 2012, Hội người mù tỉnh đã ký vào bản giao ước thi đua với mục tiêu phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ an sinh xã hội và tạo động lực cho bản thân các hội viên vươn lên, không còn là gánh nặng của xã hội.

Thực hiện lời Bác đã từng dạy, “tàn như không phế”, chúng tôi chỉ có một bí quyết duy nhất để làm động lực vươn lên, đó là sự kiên nhẫn, niềm quyết tâm, hy vọng lớn đều dồn hết vào những công việc mình làm để bù lấp cho khiếm khuyết mù lòa. Mắt mù nhưng tâm chúng tôi vẫn sáng, vẫn muốn mình là người có ích trong xã hội. Người mù “xin” được thi đua cùng với các hội đoàn thể khác cũng vì mục đích dần đưa các hội viên thoát khỏi sự cô lập, hòa mình vào khí thế thi đua, phát triển trong cả nước- Ông Phan Thanh Năm tự hào nói.
 

 

Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.