Xe vi phạm trở thành "đống sắt"

09:04, 09/04/2013
.

(QNg)- Xe vi phạm không có người nhận, thủ tục thanh lý nhiêu khê... đã gây nên tình trạng “quá tải” ở các kho tang vật. Những "đống sắt" này ngày càng phình to không chỉ gây lãng phí về tài sản mà còn lãng phí về đất đai xây kho bãi để chứa.

Tại kho tang vật (chứa xe máy) của Công an huyện Bình Sơn, với diện tích chừng vài trăm mét vuông đã không còn chỗ trống. Nhiều xe máy do không còn chỗ để nên phải để bên ngoài kho mặc cho nắng mưa. Trong số này, hầu hết do thời gian lưu giữ khá lâu, nên xe đều bị rỉ sét, hư hỏng... Tình trạng này cũng diễn ra tại kho chứa xe vi phạm của Công an huyện Đức Phổ.

 

Tang vật xe máy tại kho tạm giữ của Công an huyện Bình Sơn.
Tang vật xe máy tại kho tạm giữ của Công an huyện Bình Sơn.


Hầu hết các xe tạm giữ lâu ngày là những xe gây tai nạn, bị hư hỏng. Một số xe khác còn nguyên vẹn do trộm cắp bị tịch thu, xe không có giấy tờ. Tình trạng hàng ngàn chiếc xe máy "đắp chiếu" hết năm này qua năm khác trong các kho bãi của công an các địa phương đang gây ra lãng phí lớn, nhưng để giải quyết thì không hề đơn giản. Một cán bộ đội CSGT huyện Bình Sơn chia sẻ, ngại nhất là các xe gây tai nạn, vì khi đưa về kho để tạm giữ thì coi như chủ xe bỏ luôn, không đến nhận.

Thượng tá Võ Văn Náo - Phó trưởng Công an huyện Bình Sơn cho biết, tình trạng phương tiện bị tạm giữ tồn đọng ngày càng lớn và đang xuống cấp nghiêm trọng là do quy định của pháp luật về giải quyết xe vi phạm rất nhiêu khê. Chẳng hạn, trường hợp xe bị người chủ "bỏ rơi", cơ quan chức năng phải tiến hành nhiều bước trong thời gian dài. Như phải thông báo, gửi giấy mời người vi phạm, chủ phương tiện đến giải quyết, nếu quá thời hạn thì chuyển cơ quan điều tra, xác minh, đối chiếu, giám định số khung, số máy, rồi đăng báo tìm chủ phương tiện, niêm yết thông báo ở trụ sở cơ quan. Nếu quá thời hạn mà họ không đến giải quyết thì chuyển hồ sơ tới Phòng Tài chính UBND huyện tiến hành thanh lý… Để giải quyết theo đúng quy trình thì phải mất nhiều tháng.

Trong khi đó, mức phạt cộng với phí lưu kho, lưu bãi cao hơn giá trị phương tiện. Bên cạnh đó, xe trộm cắp chưa xác định được chủ, quy định tịch thu, đấu giá rất phức tạp, phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị. Do đó, nhiều người "bỏ của chạy lấy người", vì chi phí để nhận lại xe tương đương hoặc cao hơn mua xe mới.

Lãnh đạo Công an huyện Đức Phổ cho biết, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe vi phạm đưa vào kho tạm giữ. Trong khi, việc giải quyết những chiếc xe tai nạn bị hư hỏng rất khó khăn do mất nhiều thời gian. Do vậy, kho bãi ngày càng chật chội, nhưng không thể mở rộng do quỹ đất không có nhiều. Nhiều lúc anh em CSGT phải cân nhắc có nên tạm giữ xe vi phạm hay không vì kho chứa không còn chỗ trống.

Theo quy định, thời gian tạm giữ cho đến lúc nhận phương tiện là 10 ngày, tạm giữ không quá 60 ngày đối với phương tiện xác định chủ sở hữu. Tuy vậy, phải 6 tháng sau những xe không xác định được chủ sở hữu mới được đưa vào tịch thu và thanh lý sung công quỹ. Quy trình thanh lý cũng rất rườm rà với sự phối hợp của các cơ quan chức năng… Việc để cả khối tài sản khổng lồ thành sắt vụn đang gây ra lãng phí rất lớn. Không những thế, nó còn gây sự quá tải đối với kho chứa tang vật của các cơ quan công an. "Để xử lý triệt để, các quy định về xử phạt hành chính, quản lý hành chính đối với các phương tiện giao thông cần sửa đổi linh hoạt hơn cho phù hợp với thực tế"- Thượng tá Võ Văn Náo đề nghị.

 

Bài, ảnh: X.Thiên
 


.