Đổi thay ở vùng cát trắng

02:04, 23/04/2013
.

(QNg)- Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cuộc sống người dân các xã khu đông Bình Sơn đầy khó khăn, do chiến tranh tàn phá khốc liệt và đất đai khô cằn. Nhưng rồi, trong vô vàn khó khăn ấy đã không làm chùn bước vươn lên của người dân miền cát trắng này.


Sau hơn 35 năm, vùng đất khu Đông Bình Sơn đã đổi thay rất nhiều. Những con đường huyết mạch rộng thênh thang, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trình phúc lợi, khu dân cư cao tầng san sát đua nhau mọc lên đã tạo cho vùng đất nơi đây một diện mạo mới.

Vùng đất Anh hùng


Bình Sơn là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. Vùng đất này trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp diễn ra ác liệt. Nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - Ngụy, kẻ thù xem đây là nơi “cần phải san bằng” nên chúng không ngừng lùng sục, dội bom. Trong hoàn cảnh ấy, người dân sẵn sàng đứng lên “tìm kẻ thù mà diệt”. Như mùa hè năm 1965, tại bến Lăng (xã Bình Đông) một chiếc ca nô và 7 tên địch đã bị hạ gục khi chúng đang tiến về các làng ven bờ lùng sục. Đòn tấn công ấy đã khiến kẻ thù mất đi nhuệ khí, chúng trở nên hoảng sợ mỗi khi quay trở lại nơi đây. Trong đó, chiến thắng Vạn Tường đánh bại cuộc hành quân “tìm diệt” quy mô lớn của quân viễn chinh Mỹ là một trận đánh thể hiện tinh thần dân tộc và lòng yêu nước kiên định.

 

Một góc khu đô thị mới Vạn Tường.  Ảnh: LÊ ĐỨC
Một góc khu đô thị mới Vạn Tường. Ảnh: LÊ ĐỨC


Ở khu Đông Bình Sơn bây giờ có rất nhiều di tích lịch sử từ cấp tỉnh đến cấp Quốc gia khắc ghi tinh thần chiến đấu oanh liệt của quân và dân khu Đông Bình Sơn cũng như tố cáo tội ác của kẻ thù. Trong số đó phải kể đến di tích Chiến thắng Vạn Tường; địa đạo Đám Toái; Bia tưởng niệm vụ thảm sát Bình Hòa… Vùng đất này cũng đã sản sinh ra những Anh hùng lực lượng vũ trang kiên trung, bất khuất như Anh hùng LLVT Huỳnh Tấn Lợi; Huỳnh Thanh Trà; Ngô Thanh Trang, Phạm Dậu…

Bàn tay ta làm nên tất cả…


Chiến tranh kết thúc, giang sơn thu về một mối, người dân nơi đây bắt tay ngay vào một cuộc chiến mới, đó là chống giặc dốt, giặc đói. Những con đường mới được mở ra để thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu hàng hóa; những con mương dẫn nước tưới tiêu cho các cánh đồng từng bước được phủ khắp, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất, chăn nuôi,... nên chẳng bao lâu vùng đất khô cằn, sỏi đá này được phủ lên một màu xanh tươi tốt. Và giờ đây, vùng đất Anh hùng này đã trở nên trù phú với nhiều nhà máy, xí nghiệp được mọc lên trong KKT Dung Quất mà trái tim là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Sự ra đời của KKT Dung Quất đã tạo nên “đòn bẩy” mạnh mẽ giúp hàng nghìn người dân nơi đây không những đủ ăn, đủ mặc mà vươn lên làm giàu. Hơn 3.000 con em ở vùng đất này được vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp. Người dân được hưởng lợi rất lớn từ các công trình phúc lợi xã hội.


Khu đô thị mới Vạn Tường với những dãy nhà san sát, những vườn hoa, công viên như phủ thêm cho vùng cát trắng màu xanh của sự đổi thay. Ngư dân ra khơi với đội tàu công suất lớn, tìm đến những ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa để vừa làm giàu cho gia đình, vừa là những cột mốc sống trên vùng biển của Tổ quốc. Trong năm 2012, thu ngân sách toàn huyện Bình Sơn gần 2.800 tỷ đồng, trong đó các địa phương khu Đông đóng góp hơn một nửa. Diện mạo của vùng đất một thời nghèo khó này nay đã mang dáng dấp của một thành phố công nghiệp, một thành phố của chất xám, của những đổi thay cùng đất nước.


“Khu Đông huyện Bình Sơn là một trong những vùng khó khăn nhất của huyện trước đây, nhưng nay chính vùng đất này lại là sợi dây kéo nền kinh tế huyện phát triển. Sự hội nhập nhanh chóng và ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của chính người dân đã mang lại cho khu Đông Bình Sơn sự giàu có. Với những gì đang có hiện nay và sự đầu tư có hiệu quả của Đảng và Nhà nước, tôi tin tưởng rằng vùng đất này sẽ là một đô thị công nghiệp đầy triển vọng trong thời gian đến” – ông Phan Đình Chí, Chánh văn phòng UBND huyện Bình Sơn nói.


LÊ ĐỨC
 


.